TextBody
Huy chương 2

Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại nặng nề do lũ

13/10/2011

Từ trận lũ lịch sử năm 2000, đến nay đồng bằng sông Cửu Long mới lặp lại lũ lớn. Mặc dù đã có sự chuẩn bị ứng phó nhưng trước sức nước dữ dội, bất ngờ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. An Giang, Đồng Tháp là hai tỉnh đầu nguồn bị thiệt hại nặng nhất

Khi con nước tràn đồng cũng là lúc nguồn lợi thủy sản như cá, tôm bắt đầu dồi dào. Với nhiều hộ dân đây là mùa mưu sinh chính, nước càng nhiều thì niềm vui trúng mùa cá càng lớn. Nhưng bên cạnh đó là những giọt nước mắt xót xa bởi hàng ngàn hecta lúa xanh rì hứa hẹn mùa bội thu bỗng chốc mất trắng. Nhiều ô đê bao bảo vệ lúa vụ thu đông bị vỡ do nền đất yếu, cao trình thấp hơn mực nước lũ. Mặc dù đã được gia cố nhưng sức nước ồ ạt đập mạnh vào thân đê làm nhiều đoạn vỡ. Hiện mực nước lũ đang còn ở mức cao, có nơi cao hơn mặt lúa trong đê từ 3 đến 4m.

Cuộc sống của nông dân chủ yếu dựa vào cây lúa, đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Ông Huỳnh Văn Thắng ở xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự rơm rớm nước mắt chỉ tay về phía cánh đồng 200 ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng bị lũ nhấn chìm. “Tôi có 4 công ruộng (1 công =1.000m2) trong ô đê bao đó, vốn liếng bao nhiêu cũng đã dồn hết vào, giờ nước lũ nhấn chìm hết rồi, thêm 3000 con cá tra thịt cũng bể bờ bao ra hết”, ông than vãn.

Tính đến nay ĐBSCL có khoảng 27.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, trong đó 10.000 ha mất trắng. Diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả cũng bị ngập gần 12.000 ha, trong đó hơn 1.000 ha mất hết. Các bờ bao, đê các cấp bị tàn phá nặng, hơn 55.000 m tỉnh lộ, quốc lộ bị thiệt hại, 60.000 căn nhà bị sập đỗ, lũ cuốn trôi, tốc mái. Ước tính tổng thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.

Tỉnh An Giang có hơn 2.000 hộ dân đang có nguy cơ thiếu đói cần được hỗ trợ lương thực. Riêng tỉnh Đồng Tháp thiệt hại 760 tỷ đồng, trong đó 2.000 ha lúa, 938 ha hoa màu, hơn 1.000 ha vườn cây ăn trái, 500 ha ao đầm nuôi thủy sản bị thiệt haị. Không chỉ riêng các tỉnh đầu nguồn, các tỉnh lân cận như Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang… cũng chịu ảnh hưởng  lũ và triều cường.

Theo thông tin lũ khẩn cấp trên sông Cửu Long, trong vài ngày tới lũ đầu nguồn tiếp tục lên cao, sau đó biến đổi chậm. Vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên và còn duy trì trên báo động 3 đến cuối tháng 10. Hiện nhiều địa phương vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống lụt bão. Đồng Tháp quyết tâm bảo vệ an toàn 19.000 ha lúa còn lại cho người dân và bước đầu đã đưa ra định hướng cho công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, đặc biệt là chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân sắp tới. Từng bước kiên cố, nâng cấp các tuyến đê bao, cao trình phải cao hơn đỉnh lũ 2011 để vụ thu đông trở thành vụ sản xuất chính. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các tỉnh ĐBSCL cần Trung ương hỗ trợ để khắc phục hậu quả lũ lụt để người dân yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống…

 Sau trận lũ lịch sử 2011, các tỉnh cần nhìn nhận lại những yếu kém của hệ thống thủy lợi, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão, xem lại các cụm tuyến dân cư vượt lũ… để có kế hoạch dài hơi, sản xuất bền vững.

Nguyệt Ánh

Ý kiến góp ý: