TextBody
Huy chương 2

Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ thiếu nước ngọt

19/08/2016

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), từ năm 2014 đến nay, do tác động của El Nino, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

Cùng với đó, hai năm trở lại đây, lượng dòng chảy từ sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm mạnh, mực nước ở mức thấp nhất trong 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên mặn trên các sông đã xuất hiện sớm gần 2 tháng so với cùng kỳ nhiều năm và xâm nhập sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất lên đến 90km.

Cũng theo Cục Quản lý tài nguyên nước, chế độ thủy văn ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động trực tiếp của dòng chảy thượng nguồn, chế độ thủy triều biển Đông, biển Tây, một phần của triều vịnh Thái Lan và chế độ mưa toàn vùng đồng bằng. Tổng lượng dòng chảy sông Mê Công hằng năm là khoảng 475 tỉ m3, chuyển trên 420 tỉ m3 nước vào Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chủ yếu tập trung vào mùa lũ từ tháng 7 đến tháng 11, chiếm đến 90% tổng lượng nước hằng năm. Hiện nay, nguồn nước ngầm tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng bị suy giảm mạnh do khai thác quá mức trong khi việc bổ cập cho nguồn nước này khá hạn chế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt phù hợp tình hình mới để đáp ứng nhu cầu của người dân ở khu vực này là rất cấp bách và cần thiết.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước ngầm gia tăng mạnh mẽ do tình trạng bùng nổ các hoạt động nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, nhất là nuôi tôm tại các địa phương ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết, tổng số giếng khoan trong tỉnh đã lên đến hơn trên 138 nghìn, lưu lượng nước khai thác khoảng 400.000m3/ngày đêm. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Sóc Trăng cũng hiện có hơn 80.000 giếng khoan, trong đó chỉ riêng thị xã Vĩnh Châu đã có hơn 22.000 giếng các loại…, điều này cho thấy số lượng giếng khoan ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng tăng nhanh chóng.

Qua khảo sát, người dân ở khu vực này mới chỉ khai thác được ở các tầng chứa nước có độ sâu không lớn. Mặt khác, do chưa có quy hoạch tài nguyên nước nên việc khai thác phần lớn tự phát, nhiều khu vực phân bố mật độ giếng quá dày, lưu lượng vượt quá khả năng bổ cập của tầng chứa nước nên đã xảy ra hàng loạt các tác động tiêu cực do khai thác như cạn kiệt cục bộ, gia tăng quá trình ô nhiễm trên bề mặt, gia tăng quá trình nhiễm mặn, sụt lún nền đất.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết, do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài từ đầu năm đến nay, Ba Tri là một trong những huyện thiếu nước ngọt nghiêm trọng, người dân đã phải khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, tuy nhiên các giếng khoan đều bị nhiễm mặn, không thể sử dụng được. Ngay cả Nhà máy nước Tân Mỹ, cung cấp nước cho các xã, thị trấn ở Ba Tri, nước cũng bị nhiễm mặn, khiến cho việc sử dụng nước của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân nhận xét, tài nguyên đất tại Đồng bằng sông Cửu Long đang bị khai thác kiệt quệ và lãng phí trong sử dụng nước do lũ về lại đuổi lũ để sản xuất vụ 3, trong khi hiệu quả do tăng vụ sản xuất lúa mang lại thấp. Do đó, cần thay đổi nhận thức và thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp tại khu vực này để sử dụng hiệu quả hơn các tài nguyên đất, nước và nâng cao thu nhập người dân. Việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp cần thay đổi căn bản trong nhận thức. Trong bối cảnh mới, cần rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, địa phương theo hướng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như là một tài nguyên.

Theo ông Nguyễn Trọng Uyên, Phân Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Miền Nam, các cấp, ngành chức năng cần tập trung nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, tới đây, cần giảm và ổn định quỹ đất chuyên trồng lúa khoảng 1,7 triệu ha, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác, tăng diện tích luân canh lúa-màu lên 185-200 nghìn ha và lúa –thủy sản lên 240-300 nghìn ha, đồng thời tăng đất lâm nghiệp lên khoảng 330 nghìn ha, tăng đất nuôi thủy sản lên khoảng 542 nghìn ha…

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần phải khắc phục ngay tình trạng khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng không mở rộng diện tích mà tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích; phục hồi rừng ngập mặn; chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm dòng sông và kênh rạch; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, chú ý phát huy lợi thế từng vùng sinh thái. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nước cho vùng đồng bằng, có các giải pháp sử dụng nước hết sức hiệu quả...

Có thể thấy, việc thiếu nguồn nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long và những hệ lụy của nó là hiện hữu và có thể trở thành thảm họa trong tương lai gần. Do đó, cùng với việc nghiên cứu dòng chảy lũ, kiểm soát lũ cho hệ thống sông ở Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề nghiên cứu dòng chảy kiệt và các giải pháp khoa học công nghệ tương ứng đã đến lúc cần phải được chú trọng, đầu tư một cách đúng mức. Vì vậy, ngay từ bây giờ Nhà nước cần có một chương trình lớn nghiên cứu về vấn đề này làm cơ sở khoa học, tìm ra phương án công trình hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo của quá trình đầu tư xây dựng công trình.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực trọng điểm, đóng góp trên 50% sản lượng lương thực và trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, 65% sản lượng nuôi thủy sản và 70% trái cây của cả nước. Thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương trong vùng đã tích cực thâm canh tăng vụ, phát triển sản xuất 3 vụ/năm, góp phần đáng kể vào việc tăng sản lượng lúa gạo cho quốc gia. Tuy nhiên, do gặp phải trình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt trong các tháng mùa khô, kéo dài từ thời điểm sản xuất vụ lúa đông xuân đến vụ hè thu, nên sản xuất lúa tại khu vực này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo K.V/dangcongsan.vn

Ý kiến góp ý: