Dự án P - PIMS: Thay đổi “lối mòn” trong nhận thức của người dân về quản lý tưới
15/04/2013Dự án: Thúc đẩy Quản lý tưới có sự tham gia của người dân hướng tới phát triển bền vững cơ sở hạ tầng thủy lợi quy mô nhỏ (P-PIMS) do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp với JICA - Nhật Bản thực hiện từ tháng 10 năm 2010 đến nay đã đi được 1/3 chặng đường. Ngay tên của Dự án đã cho thấy vai trò của người dân là rất quan trọng trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Tại cuộc họp Ban Quản lý Dự án lần thứ 2 diễn ra ngày 21 tháng 1 năm 2013, dự án đã đánh giá kết quả đạt được cũng như thảo luận kế hoạch hoạt động trong năm 2013.
Theo nội dung và hình ảnh thực tế trong báo cáo đánh giá: trước khi có dự án, ở những khu thí điểm như Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên; Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình hiện trạng các công trình thủy lợi đều thiếu và bị xuống cấp, hư hỏng nhiều. Hiện tượng sạt lở, dò đáy và đục bờ kênh xuất hiện ở tất cả các tuyến kênh. Kênh cấp 3 đa số là kênh đất, không có hệ thống đóng mở dẫn đến cây lúa, cây màu khát nước trong khi nước bị thất thoát rất nhiều, tranh chấp xảy ra thường xuyên ảnh hưởng đến an ninh nông thôn… Các cấp quản lý hầu như chỉ quan tâm tới việc cấp nước ở công trình đầu mối, còn người dân được hưởng bao nhiêu thì chưa được đánh giá đầy đủ nên lượng nước lãng phí rất lớn, nhiều khi nước sông bơm lên lại trả về sông.
P-PIMS đã mang lại một diện mạo mới cho đồng ruộng và cuộc sống của người dân các khu thí điểm này. Dự án đặc biệt quan tâm đến hệ thống kênh cấp 3 và mặt ruộng cũng như hiệu quả sử dụng nước của người dân. Những tuyến kênh được nâng cấp, sửa chữa, nạo vét, bảo dưỡng. Những cuộc thảo luận, tập huấn, đào tạo thực địa, các kế hoạch phân phối nước được lập cụ thể. Nước được coi trọng, được sử dụng hợp lý… Không phải mất quá nhiều thời gian, công sức, những cánh đồng lúa, đồng màu của bà con vẫn đủ nước để sinh trưởng tốt nhất. Người dân trước đây rất thụ động trong việc lấy nước tưới thì đến nay đã cùng sôi nổi tham gia các cuộc họp để bàn về lịch tưới, chế độ, mực nước tưới. Hình ảnh những người dân tại các khu thí điểm tích cực và phấn khởi tham gia xây dựng, nạo vét kênh mương, lập kế hoạch phân phối nước, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật tưới, canh tác nông nghiệp và bảo vệ môi trường… như một minh chứng cụ thể cho hiệu quả của dự án đã tác động vào nhận thức, làm thay đổi thói quen của người dân. Nếu như từ bao đời nay, người dân vẫn có thói quen đã trở thành thâm căn cố đế là lấy nước một cách tự phát, chỉ cần nước vào được ruộng của mình, không quan tâm đến việc lấy bằng cách nào và lấy như thế nào thì qua dự án, người dân đã thấy rằng, lấy nước tưới cần phải có kỹ thuật, có khoa học đế sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá này. Từ đó, nước được tiết kiệm từ 20 - 30%, diện tích được tưới tăng từ 10% - 15%, tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho bà con. Người dân ý thức được rằng tham gia vào quản lý nước tưới, quản lý mạch nguồn nuôi dưỡng đất đai cũng chính là đang mang lại cuộc sống tốt đẹp cho chính bản thân và gia đình.
Theo ông Bạch Hưng Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Nam Nghệ An: Dự án không chỉ thay đổi nhận thức cho bà con nông dân mà cả các bên tham gia như chính quyền, các công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi, có ý nghĩa rất lớn trong việc xã hội hóa quản lý thủy nông. Dự án đã mang lại cách tiếp cận hoàn toàn khác đó là tiếp cận từ nhu cầu, nguyện vọng của người dân nên hiệu quả mang lại rất lớn. Từ khi thực hiện dự án, phân phối nước hợp lý đã giải quyết được việc tranh chấp về nước, vấn đề nan giải cho an ninh và văn hóa nông thôn những năm trước đây… Ông Bùi Trung Kiên, chủ tịch huyện Yên Thủy, Hòa Bình cũng cho biết: Yên Thủy, Hòa Bình là một huyện miền Núi nên rất thiếu nước, nhận thức của người dân lại hạn chế trong quản lý tưới. Đầu tư nhiều nhưng sẽ lãng phí khi nhận thức của người dân chưa được nâng cao. Từ khi có dự án đã làm thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi cả cách quản lý của chính quyền nên nước đã được sử dụng hợp lý hơn. Huyện sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn để phát triển kinh tế, xã hội.
Theo PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Giám đốc dự án: mục đích cuối cùng của dự án là nhằm nâng cao năng suất lao động từ đó nâng cao chất lượng đời sống của bà con nông dân, vì vậy rất cần những kiến nghị từ chính bà con nông dân cũng như các đơn vị quản để dự án có thể thực hiện tốt hơn, giảm bớt những gánh nặng về công sức và thời gian của người nông dân. Nên có những thay đổi mang tính cách mạng như thay đổi kết cấu công trình, các kênh đất có thể thay bằng ống dẫn, tiết kiệm diện tích đất và tránh thất thoát, lãng phí nước…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thảo luận về kế hoạch hoạt động trong năm 2013 bao gồm: Xây dựng khung chiến lược phát triển PIM của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phù hợp với các chính sách liên quan của Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tổ chức các Hội thảo để trình bày hiệu quả của PIM cho các cán bộ cấp Tỉnh và Huyện phụ trách về nông nghiệp và các nhà tài trợ; xây dựng và đề xuất phương hướng kết hợp với PIM vào các dự án vốn vay bằng đồng Yên và các dự án thủy lợi khác; xây dựng tài liệu hướng dẫn về thực hiện PIM…
Tỉnh Thanh
Ý kiến góp ý: