Đưa khoa học đến với công chúng
27/02/2013Hoạt động truyền thông có vai trò quan trọng giúp chuyển tải các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; cập nhật thông tin và thành tựu mới và nâng cao kiến thức về khoa học - công nghệ cho người dân. Việc tổ chức Ngày hội Khoa học, Tuần lễ Khoa học ở một số nước là một cách thức truyền thông rất hữu hiệu để đưa khoa học đến với công chúng mà chúng ta cần tham khảo, học tập…
Nhìn ra thế giới
Trung Quốc là nước rất chú trọng đến công tác giáo dục lòng say mê khoa học thông qua công tác truyền thông. Viện Khoa học và Công nghệ (KHCN) Trung Quốc là cơ quan học thuật cao nhất của Trung Quốc. Viện không chỉ tập trung nghiên cứu KHCN mà còn chú trọng thông tin khoa học đến công chúng. Công tác truyền thông khoa học của Viện do một tiểu ban phụ trách; hiện cán bộ làm công tác truyền thông có hơn 2.000 người… Bên cạnh đó, vào tháng 5 hằng năm, Trung Quốc dành ra một ngày làm Ngày Khoa học với các hoạt động như: xem lại lịch sử phát triển khoa học; thảo luận những vấn đề phát triển khoa học, đạo đức khoa học...
Còn ở Vương quốc Anh, đã thành thông lệ, hàng năm vào mùa xuân, Liên hiệp Khoa học Anh tiến hành tổ chức Tuần lễ Khoa học quốc gia nhằm giúp người dân yêu thích, dấn thân vào KHCN, thúc đẩy sự tranh luận và nâng cao hiểu biết. Sự kiện này có nguồn gốc từ những năm 1985, Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Anh khai sinh phong trào “Hiểu biết công chúng về khoa học”. Trong những ngày diễn ra Tuần lễ Khoa học, người tham dự sẽ được các nhà khoa học trả lời những câu hỏi đời thường như: tại sao máy bay có thể bay? tại sao nitơ lỏng dùng để bảo quản thực phẩm? vì sao chụp PET-CT có thể nhận diện được tế bào ung thư?... Không chỉ hỏi và nghe giải thích, người tham dự còn có thể tự làm thí nghiệm...
Cần có Ngày hội khoa học Việt Nam
Một công trình nghiên cứu khoa học, một ý tưởng sáng tạo, một công nghệ mới sẽ không có giá trị nếu như ít người biết đến và không được áp dụng, ứng dụng trong thực tiễn. Truyền thông sẽ giúp chuyển tải các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, cập nhật thông tin KHCN mới, nâng cao kiến thức về KHCN cho người dân. Việc tổ chức Ngày hội Khoa học, Tuần lễ Khoa học mà nhiều nước đã và đang thực hiện là một cách thức truyền thông hữu hiệu, đưa khoa học đến gần hơn với công chúng; là cơ hội để chia sẻ kiến thức và tăng cường sự giao lưu giữa các nhà khoa học và dân chúng, thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, làm cho việc tìm hiểu thông tin khoa học dễ dàng hơn, kích thích sự quan tâm của giới trẻ tới sự nghiệp khoa học...
Rất cần có Ngày hội Khoa học Việt Nam - đó là mong muốn của những người làm khoa học và đông đảo người dân. Câu hỏi đặt ra là nên tổ chức như thế nào? Kinh nghiệm tổ chức Ngày hội Khoa học, Tuần lễ Khoa học… ở một số nước trên thế giới cung cấp cho chúng ta những ý tưởng có thể được khai thác hiệu quả và điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Đã không ít ý kiến bàn thảo về vấn đề này và cho rằng, việc tổ chức nên bắt đầu ở quy mô nhỏ, ở một số lĩnh vực cụ thể, từ đó tạo sức lan tỏa ra nhiều lĩnh vực khác và tạo cơ sở để tổ chức ở quy mô lớn hơn. Bước đầu có thể tổ chức ở cấp địa phương, hoặc ngành, viện nghiên cứu, trường đại học. Thực tế, chúng ta đã có những thành công trong việc tổ chức Tuần lễ khoa học ở quy mô nhỏ. Đơn cử là Hưởng ứng Tuần lễ Vũ trụ thế giới (World space week) từ 04 - 10.10.2011 do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phát động, Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư (HAAC) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Ngày hội Thiên văn vũ trụ với nhiều hoạt động giúp giới trẻ yêu thích tìm tòi khoa học.
Ở quy mô lớn, ngoài công việc tổ chức chung do Bộ KH-CN đảm trách, những hoạt động cụ thể chính sẽ được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Tất cả các đối tượng tiềm năng đều nên được khuyến khích tham gia: không những các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, mà còn cả các bệnh viện, trường trung học, tiểu học...
Để hoạt động truyền thông KHCN đa dạng và hiệu quả, cùng với các kênh truyền thông khác như: qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua hoạt động triển lãm, hội chợ, hội thảo… tôi cho rằng, nên thống nhất quy định hằng năm có một ngày gọi là “Ngày Khoa học và Công nghệ” hay là “Ngày Sáng tạo” để động viên giới khoa học và toàn xã hội thi đua tạo ra và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, đời sống; nâng cao tiềm lực và vị thế KHCN quốc gia. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội giao lưu, trao đổi với các nhà khoa học; tiếp cận và tìm hiểu những kiến thức KHCN; tri ân, tôn vinh những đóng góp, thành tựu KHCN...
Theo tôi, có một sự kiện xứng rất đáng để lựa chọn làm ngày KHCN - đó là ngày 18 tháng 5. Cách đây 50 năm (năm 1963), vào ngày này, Bác Hồ đã đến dự và phát biểu tại Đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Tại Kỳ họp thứ 5 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét thông qua Luật KH - CN (sửa đổi). Nếu Ngày KHCN được khẳng định trong Luật thì đây sẽ là một sự khích lệ và chắc chắn được giới khoa học, công chúng hoan nghênh.
GS.NGND NGUYỄN LÂN DŨNG - Chủ tịch Hội Các ngành Sinh học Việt Nam: Truyền thông KHCN phải trung thực và chính xác
Nói về hoạt động truyền thông KHCN, theo tôi trước hết phải có thành tựu đáng để truyền thông. Có thành tựu thì hoạt động truyền thồng cần phải bài bản và đa dạng. Thực tế, chúng ta đã có nhiều hoạt động truyền thông KHCN nhưng còn rất nhiều thành tựu chưa được quảng bá hoặc tiếp sức để có thể mở rộng việc ứng dụng rộng rãi. Xin nêu vài ví dụ mà tôi có đủ thông tin, chẳng hạn như: Mô hình chế biến rác tái sử dụng tới 80-90% rác của Tổng công ty Tâm Sinh Nghĩa; Mô hình trồng gai Ramie tạo nguyên liệu cho ngành dệt may; Mô hình làm nước đá từ nước biển...
Theo tôi, cần đa dạng hóa hình thức truyền thông để đưa KHCN đến với công chúng. Điều quan trọng là truyền thông phải rộng khắp, trung thực và chính xác, để mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân, mọi tổ chức có thể tiếp thu và sớm triển khai vào sản xuất, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
GS. TS NGÔ ĐỨC THỊNH - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: Tạo sự gắn kết giữa khoa học với đời sống xã hội
Hoạt động truyền thông có vai trò rất quan trọng đối với KHCN. Trong lĩnh vực khoa học xã hội có 2 kênh truyền thông cơ bản: kênh thứ nhất là các công trình nghiên cứu được xuất bản thành sách; triển lãm, trưng bày và phát hành ra công chúng. Kênh thứ hai có tính rộng rãi hơn là thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng: báo chí, phát thanh, truyền hình... Trong mấy năm gần đây, các nhà khoa học thông qua kênh này để giới thiệu và công bố các công trình nghiên cứu của mình. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng đã dành dung lượng và thời lượng cần thiết để giới thiệu, công bố những công trình nghiên cứu khoa học mới; tạo diễn đàn cho các nhà khoa học giới thiệu công trình nghiên cứu, trao đổi, tranh luận...
Theo tôi, nếu tổ chức được Ngày Khoa học Việt Nam thì rất tốt, bởi qua đó tạo sự gắn kết giữa khoa học với đời sống xã hội, đưa khoa học đến với công chúng. Thông qua đó kích thích, động viên các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo; tạo cơ hội công chúng được tiếp cận, giao lưu với các nhà khoa học, tìm hiểu thêm những tri thức, kiến thức KHCN, từ đó họ có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống... Vấn đề đặt ra là cách tổ chức phải làm sao tránh hình thức và có hiệu quả thực chất.
Ý kiến góp ý: