TextBody
Huy chương 2

Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

22/04/2024

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai Bộ.

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động KHCN giữa hai bộ. Ảnh: Nguyễn Thuỷ

Mô hình ứng dụng công nghệ cao tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%

Trước đó, ngày 25/6/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) và Bộ NN-PTNT đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa hai Bộ giai đoạn 2021-2030.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) báo cáo về một số kết quả nổi bật trong hợp tác giữa hai Bộ.

Theo ông Ninh, trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt và quan tâm của Bộ trưởng hai Bộ và các lãnh đạo hai Bộ; đồng thời có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ và kịp thời của các đơn vị trực thuộc hai Bộ.

Hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời xây dựng kế hoạch và đưa vào triển khai thực hiện các chương trình KHCN, các cụm nhiệm vụ trọng điểm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chương trình hợp tác đã giúp kịp thời hướng dẫn xây dựng kế hoạch; mặc dù kinh phí ngân sách Nhà nước dành cho KHCN giảm, nhưng đã ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho các hoạt động KHCN của ngành nông nghiệp đã được phê duyệt.

Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong công tác sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng, hệ thông tiêu chuẩn quy chuẩn ngành nông nghiệp từng bước được bổ sung, hoàn thiện và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Trong giai đoạn 2021-2023, đã công nhận 141 giống mới, 83 tiến bộ kỹ thuật mới, 21 sáng chế, giải pháp hữu ích đã được công nhận; công bố mới 245 Tiêu chuẩn quốc gia và ban hành mới 21 Quy chuẩn quốc gia. Các giống cây trồng, vật nuôi, quy trình… được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%; góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của ngành.

Tuy nhiên, đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, trong quá trình phối hợp triển khai vẫn còn một số vướng mắc. Tới đây, Bộ KH&CN sẽ đưa vào chương trình sửa Luật KHCN 2013 và Nghị định hướng dẫn Luật KHCN 2013, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp để luật sửa đổi phù hợp trong điều kiện mới, sửa Nghị định 70 quy định về xử lý sản phẩm KHCN.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thuỷ

Về công tác tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, đề nghị Bộ KH&CN rút ngắn thời gian chờ thẩm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn và công bố; phối hợp kết nối hệ thống cổng truy xuất nguồn gốc ngành nông nghiệp với cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Về các chương trình KHCN cấp quốc gia, cần triển khai nghiên cứu không cắt khúc, không đứt đoạn để tạo sản phẩm cuối cùng chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất.

Lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường cũng đề nghị phía Bộ KH&CN ban hành hướng dẫn, về tổ chức và kiện toàn Hội đồng KHCN Phòng Thí nghiệm, quy chế vận hành hệ thống phòng thí nghiệm…

Về phía Bộ KH&CN, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành Kinh tế kỹ thuật khẳng định, trong chương trình phối hợp thực hiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hai Bộ đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Các chương trình của Bộ NN-PTNT như Chương trình an ninh nguồn nước, Chương trình Tây Nam bộ… đều có sự tham gia tích cực của Bộ KH&CN.

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%. Ảnh: TL

Thiết lập cơ chế cho liên doanh, liên kết về KHCN

Về sự phối hợp giữa hai Bộ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ và hợp tác cùng triển khai tổ chức diễn đàn và thí điểm trưng bày sản phẩm KHCN ngành nông nghiệp với sự tham gia của các Viện, trường, HTX… nhằm giới thiệu các thành tựu khoa học kỹ thuật mới cũng như kết nối giữa cung và cầu, đánh giá tiếng nói của người tiêu dùng đối với các sản phẩm KHCN nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị hai bên thống nhất tiếng nói và cơ chế phối hợp đối với mô hình liên doanh, liên kết KHCN để tránh thất thoát chất xám của các nhà khoa học và đưa các sản phẩm KHCN vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.

Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, Cục, Vụ thuộc Bộ NN-PTNT tiếp thu ý kiến và kịp thời tham gia vào các chương trình khoa học công nghệ mới.

Về vấn đề kinh doanh, liên kết, cần nghiên cứu và đề xuất để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy cơ chế này để đưa KHCN ứng dụng sâu rộng và tận dụng nguồn lực xã hội vào KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh về đưa tư duy thị trường vào phát triển KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị hai Bộ tiếp tục phối hợp để tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển và ứng dụng KHCN 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị hai Bộ tiếp tục phối hợp để tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển và ứng dụng KHCN; mong muốn Bộ NN-PTNT huy động lực lượng các nhà khoa học trong ngành tích cực tham gia vào chương trình KHCN, từ đó đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng hưởng ứng đề xuất của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc tổ chức diễn đàn và thí điểm trưng bày sản phẩm KHCN ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nêu một số vấn đề tồn tại chính của các đơn vị nghiên cứu, hạn chế hiệu quả huy động nguồn lực, hạn chế sự linh hoạt của các tổ chức KHCN.

Thứ nhất, là vấn đề nguồn nhân lực, con người. Hiện nay số lượng nhà nghiên cứu nhiều, trình độ cao nhưng thiếu các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực.

Thứ hai, nguồn tài chính hoạt động, nghiên cứu cho các đơn vị khó khăn. Ngân sách cấp giảm dần, nguồn thu hoạt động sự nghiệp tăng lên.

Thứ ba, về quản lý tài sản công, quản lý đất đai nhiều nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao.

Thứ tư, nhiệm vụ KHCN chưa gắn thực sự với nhu cầu thực tế, chưa thực sự hiệu quả, chưa tập trung phải phục vụ khách hàng, chủ yếu lo hoàn thành kết quả.

Thứ năm, chưa có quy định thúc đẩy sử dụng tài sản trí tuệ từ nhiệm vụ KHCN.

Cuối cùng, chưa có cơ chế chi – thu cho hoạt động liên doanh liên kết và chưa có hướng dẫn phân phối lợi nhuận từ hoạt động liên doanh liên kết.

Từ những hạn chế trên, ông Thắng đề xuất một số biện pháp đổi mới chính sách nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư và sử dụng ngân sách Nhà nước, cũng như huy động và tận dụng nguồn lực cho phát triển KHCN. Cụ thể như: thiết lập cơ chế tự chủ trong sử dụng tài sản và trang thiết bị; trong thực hiện nhiệm vụ KHCN cần thực hiện cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng, linh hoạt sử dụng tài chính; giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ và bản quyền sản phẩm; cần có quy định rõ ràng về thẩm quyền, điều kiện, nghĩa vụ, lợi ích và rủi ro trong liên doanh, liên kết; đề xuất để Bộ NN-PTNT được phép xây dựng Đề án mô hình thí điểm

Theo Linh Linh/nongnghiep.vn

Ý kiến góp ý: