Đừng lạm dụng “biến đổi khí hậu”
06/02/2012Biến đổi khí hậu - cụm từ được nhắc đến khá nhiều trên các diễn đàn, Hội nghị, hội thảo đến mức nó trở nên quá quen thuộc không chỉ với giới khoa học, nhà quản lý mà còn cả với người dân. Thế nhưng dường như nó đang bị lạm dụng, thậm chí còn bị lấy làm tấm che chắn khá tốt để bao biện cho những sai lầm trong quản lý, thiết kế và quy hoạch
Cần thẳng thắn nhìn nhận, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, vấn đề quốc gia mà mỗi chúng ta đã và đang bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Giới khoa học cảnh báo: Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Có nguy cơ đến cuối thế kỷ này, mực nước biển có thể dâng cao 1m, như thế sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập.
Song nếu nhìn nhận lại, liệu việc ngập lụt, hạn hán, nước nhiễm mặn, xói mòn bờ biển, các loài tuyệt chủng… đang diễn ra có phải hoàn toàn do biến đổi khí hậu gây ra? Xin thưa, không hẳn.
Nếu như trong quy hoạch, chúng ta hạn chế việc bêtông hóa ao hồ, dành nhiều đất cho cây xanh, thảm cỏ thì chắc chắc khả năng thoát nước, nhất là đối với các khu đô thị sẽ cải thiện hơn rất nhiều. Hiện tượng triều cường gia tăng gây ngập lụt ở TP HCM là một ví dụ điển hình. Các nhà khoa học đã chỉ rõ thủ phạm chính là quá trình đô thị hoá thành phố đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực. Đối với nội thành, phần lớn đất đai được bê tông hoá, nhựa hoá xây dựng nhà, công xưởng, đường sá. Do vậy, khi mưa xuống, hầu như toàn bộ mưa đều tập trung thành dòng chảy (đường trở thành sông cũng chính vì vậy), không thể thấm xuống đất để giảm bớt lượng dòng chảy tập trung.
Hay như phương thức xả lũ không theo quy tắc của hàng trăm hồ chứa, đập thủy điện là một trong những nguyên nhân gây lũ lụt miền Trung vẫn được nhắc đến như một bài học mà đến bây giờ, người dân vẫn phải trả giá cho sự thiếu hiểu biết của con người.
Đó chỉ là hai trong nhiều dẫn chứng cho thấy, chính ý thức, tư duy quản lý, quy hoạch kém của con người đã khiến ngập lụt, hạn hán, xâm mặn… nhiều hơn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của chúng là có thật. Tuy nhiên, muốn ngăn chặn những ảnh hưởng này, cách tốt nhất là phải thiết kế tốt hơn, quy hoạch tư duy hơn, quản lý có trách nhiệm hơn. Có như vậy mới mong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đạt được hiệu quả.
Theo baodatviet
Ý kiến góp ý: