Gặp mặt nhân kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam
26/08/2019Ngày 24/8, tại công trình đầu mối hồ chứa nước Cửa Đạt (huyện Thường Xuân,Thanh Hóa), Tổng cục Thủy lợi tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2019). Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Đức Quyền - PCT Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng TCTL đồng chủ trì buổi gặp mặt.
Tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm có các cán bộ lão thành ngành Thủy lợi qua các thời kỳ; đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT (Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai, các Vụ, Cục Quản lý xây dựng công trình, Trường ĐH Thủy lợi, Viện KHTLVN, Viện QHTL, Viện QHTLMN, CPO Thủy lợi, CPO Nông nghiệp, các Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi, các công ty KTCTTL thuộc Bộ, Trung tâm QG NS&VSMTNT,...); đại diện các Hội: Thủy lợi Việt Nam, Đập lớn và PTNNVN, Tưới tiêu VN, Hưu trí Thủy lợi; đại diện một số Sở NN&PTNT và Chi cục Thủy lợi cùng các cơ quan thông tấn, báo chí. Tổng cục trưởng TCTL Nguyễn Văn Tỉnh trình bày báo cáo tại buổi gặp mặt. Ảnh: Báo Thanh Hóa Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh xúc động và tự hào: Cách đây 74 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông Công chính - cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ về Thủy lợi của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 28/8/1945 đã đi vào mốc son trong lịch sử của ngành thủy lợi. Kể từ đó tới nay, trải qua bao thời kỳ vô cùng khó khăn, thử thách, ngành thủy lợi đã không ngừng vươn lên, đạt được những thành tựu to lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi ngày càng được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế-xã hội, môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Đến nay, cả nước có 4 công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt (Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng – Phước Hòa), 122 hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn (có nhiệm vụ tưới hoặc tiêu thoát nước cho 2.000ha trở lên). Các hệ thống thủy lợi đã phục vụ tốt cho sản xuất, dân sinh, mang lại hiệu ích lớn cho đất nước. Diện tích đất canh tác được tưới bởi công trình thủy lợi là 4,28 triệu ha/ 11,54 triệu ha (chiếm 36,5%). Tổng diện tích đất sản suất nông nghiệp, tổng diện tích tưới lúa cả năm là 7,26 triệu ha/7,4-7,5 triệu ha gieo trồng (chiếm 97%); tổng diện tích tưới rau màu cả năm là 1,3 -1,7 triệu ha… Ngoài ra, các hệ thống công trình thủy lợi còn thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, tiêu úng, ngăn lũ, triều cường, tạo điều kiện phát triển đa dạng hóa cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về thủy lợi từ Trung ương đến địa phương dần hoàn thiện; các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi ngày càng được củng cố, kiện toàn. Cả nước hiện có khoảng 90 doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi; khoảng 17.000 tổ chức thủy lợi cơ sở. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thủy lợi đã cơ bản hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác thủy lợi ngày càng phát triển bền vững. Tuy nhiên, công tác thủy lợi vẫn còn những hạn chế, thách thức lớn từ biến đổi khí hậu như: Diễn biến lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông, dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du. Hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo sức ép lớn lên công tác thủy lợi. Trong khi, các công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu đã xuống cấp; công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động không hiệu quả. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, ngành thủy lợi tiếp tục triển khai xây dựng Chiến lược thủy lợi Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai lập quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi quốc gia, rà soát quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi làm cơ sở đầu tư công trình thủy lợi trên phạm vi toàn quốc. Tập trung ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Thúc đẩy chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi”, đồng thời phân rõ vai trò chủ quản lý và đơn vị khai thác công trình thủy lợi, đổi mới phương thức hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi, chuyển mạnh sang đặt hàng, đấu thầu trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Quan tâm đặc biệt đến an toàn đập, an toàn công trình thủy lợi, nâng cao năng lực dự báo (mưa, lũ) phục vụ vận hành hồ chứa theo thời gian thực… Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu. Ảnh: Báo Thanh hóa Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền khẳng định, việc các công trình thuỷ lợi được đầu tư tại Thanh Hóa đã phát huy hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tưới tiêu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cho nhân dân. Ông đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu triển khai các dự án nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi trọng điểm tại Thanh Hóa, đặc biệt là những công trình, xống cấp hư hỏng do thiên tai, bão lụt gây ra nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão và thiên tai trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu. Ảnh: Báo Thanh Hóa Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Thủy lợi đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh – quốc phòng. Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn ngành đang khẩn trương thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngành thủy lợi cũng phải nỗ lực cao hơn, nâng cao tính chủ động sáng tạo và đổi mới tư duy trong công tác quản lý, định hướng rõ hơn về xã hội hoá để thu hút các nguồn lực đầu tư, vận hành các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, tiếp tục có những đóng góp to lớn cho nông nghiệp, nông thôn và quá trình phát triển của đất nước. Trước buổi gặp mặt, đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã đi tham quan khu đầu mối đập chính hồ chứa nước Cửa Đạt. Thứ trưởng cùng các cán bộ lão thành ngành Thủy lợi, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương chụp ảnh lưu niệm tại Công trình Cửa Đạt. Theo tongcucthuyloi.gov.vn
Ý kiến góp ý: