TextBody
Huy chương 2

Giải bài toán thiếu hụt bằng năng lượng tái tạo

07/09/2011

Tiềm năng lớn nhưng mới khai thác được ít, đó là một trong những nghịch lý phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta. Các chuyên gia cho rằng để phát triển bền vững, ngoài việc chú trọng tiết kiệm năng lượng, cần đẩy mạnh hơn lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng năng lượng tái tạo 

Khả năng khai thác chưa tương xứng tiềm năng

Việt Nam đang sở hữu nguồn năng lượng gió tốt nhất khu vực Đông Nam Á và 2000-2500 giờ nắng mỗi năm, tương đương gần 44 triệu tấn TOE (đơn vị năng lượng quy đổi tương đương một tấn dầu). Tiềm năng năng lượng gió ở các vùng bán đảo và duyên hải cũng vào khoảng 860-1410 kWh/m2/năm và 800-1000 kWh/m2/năm. Tổng tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước đạt 513,360 MW, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 14 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về thủy điện với hàng nghìn sông suối nhỏ và chín hệ thống sông lớn. Nguồn năng lượng mặt trời dồi dào với bức xạ mặt trời từ 3 – 4,5 kWh/m2/ngày vào mùa đông và khoảng 4,5 – 6,5 kWh/m2/ngày vào mùa hè.

Theo ước tính của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học năng lượng, trong tương lai, Việt Nam có thể khai thác nguồn địa nhiệt với tổng lượng lên tới 340 MW; nguồn năng lượng mặt trời và gió ước đạt 800-1000 MW; tiềm năng sinh khối cũng vào khoảng 43-46 triệu TOE/năm.

Điều đáng tiếc là trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã khai thác khá hiệu quả các nguồn năng lượng trời phú thì Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng triệt để kho báu này. Năng lượng mặt trời dùng để sản xuất điện ở Việt Nam mới chủ yếu là pin mặt trời, hầu hết được ứng dụng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, và hải đảo.

Một trong những lý do quan trọng khiến nguồn tài nguyên này bị bỏ ngỏ là do chi phí đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tương đối đắt đỏ, khả năng vận hành và bảo dưỡng lại khá phức tạp nên chỉ có thể phát triển và ứng dụng khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước hoặc các nguồn tài trợ nước ngoài.

Nhu cầu tăng cao, nguy cơ thiếu hụt lớn

Từ trước đến nay, hệ thống năng lượng của Việt Nam vẫn dựa vào ba trụ cột chính là dầu khí, than đá và điện nhưng chỉ trong một vài năm tới, ba nguồn năng lượng này sẽ không thể đáp ứng đầy đủ cho hệ thống tiêu thụ năng lượng của cả nước, càng không thể đảm bảo lâu dài cho ngành năng lượng Việt Nam.

Nhiều chuyên gia nhận định, đến năm 2015 Việt Nam sẽ thiếu than và số lượng thiếu hụt tăng sẽ dần theo từng năm. Cụ thể là năm 2015 thiếu 5,8 triệu tấn; năm 2016 thiếu 25 triệu tấn, và năm 2020 lên đến 66 triệu tấn, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải nhập khẩu than từ năm 2015 trở đi. Và dự đoán này dường như đến sớm hơn thực tế khi mà ngay trong năm nay Việt Nam đã phải nhập khẩu than.

Không chỉ vậy, nhu cầu điện cũng thiếu hụt trầm trọng với mức tăng tiêu thụ từ 15 – 20% mỗi năm. Đặc biệt, trong thời gian tới nếu Việt Nam không phát hiện thêm các mỏ dầu mới có trữ lượng lớn thì đến 2025 sẽ cơ bản cạn kiệt tài nguyên dầu khí. Việt Nam chuyển từ vị thế xuất khẩu năng lượng  (dầu thô, than) sang nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu sẽ ngày một tăng trong vòng 10 – 15 năm tới.

Nguyên nhân chủ yếu của sự thiếu hụt nêu trên bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ năng lượng của tất cả các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, đơn vị… trên cả nước. Theo danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2011 vừa được Thủ tướng ban hành thì cả nước hiện có 1.190 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó, khu vực Đông Nam Bộ chiếm số lượng nhiều nhất với 435 cơ sở; tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Hồng 389 cơ sở; khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 127 cơ sở… Khu vực có số lượng cơ sở nhỏ nhất là Tây Nguyên với 10 cơ sở.

Trong tổng số 58 tỉnh, thành phố được thống kê thì TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (169 cơ sở) và nhu cầu tiêu thụ năng lượng (21.928.051 TOE). Theo sát địa phương này là TP Hà Nội với 139 cơ sở và tổng nhu cầu tiêu thụ lên tới 17.584.700 TOE.

Tuy nhiên, trong khi hai thành phố lớn nhất cả nước dẫn đầu về cả hai chỉ số thì tại nhiều địa phương, mức số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lại không tỉ lệ với nhu cầu sử dụng. Đồng Nai sở hữu 85 cơ sở nhưng nhu cầu tiêu thụ năng lượng khá khiêm tốn với 970.255 TOE, Bình Dương có 117 cơ sở nhưng nhu cầu năng lượng lại là 3.129.251 TOE, đặc biệt Bà Rịa – Vũng Tàu tuy chỉ có 58 cơ sở nhưng nhu cầu năng lượng ở mức khá cao, khoảng 4.045.270 TOE. Điều này liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hoạt động của các đơn vị.

So với các lĩnh vực như vận tải, nông nghiệp và các tòa nhà lớn  thì công nghiệp là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng hơn cả, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nhiệt điện. Điển hình là các Công ty TNHH NN MTV Nhiệt điện Phú Mỹ với 3.062.445 TOE; Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại 2.207.777 TOE; Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 với 752.682 TOE; Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 2 với 771.175TOE; Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ BOT 2.2 với 720.900 TOE.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất xi măng cũng là những đối tượng có nhu cầu sử dụng năng lượng lớn như Công ty Xi măng Phúc Sơn với 261.975 TOE; Công ty Xi măng Chinfon 285.355 TOE; Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn 316.342 TOE.

Một số đơn vị trong lĩnh vực vận tải cũng có nhu cầu tiêu thụ nhiều năng lượng như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam với 748.152 TOE; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam 56.525 TOE; Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu 38.130 TOE.

Đặt kỳ vọng trong từng con số

Để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, từ nhiều năm trở lại đây, Chính phủ đã ban hành những chính sách, cơ chế hỗ trợ như Luật Điện Lực; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2010 tầm nhìn đến 2050; Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015 tầm nhìn đến 2025; Cơ chế phát triển điện gió; và gần đây nhất là Quy hoạch điện VII vừa được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 7.

Theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2010 tầm nhìn đến 2050, Việt Nam sẽ phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng: điện, dầu khí, than, năng lượng mới và tái tạo, trong đó quan tâm phát triển năng lượng sạch, ưu tiên phát triển năng lượng mới và tái tạo. Phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020, và khoảng 11% vào năm 2050.

Quy hoạch điện VII cũng nêu rõ mục tiêu phát triển nguồn năng lượng đầy tiềm năng này. Cụ thể, nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo nếu xét theo tổng công suất các nhà máy điện dự kiến tăng từ 5,6% năm 2020 lên 9,4% năm 2030; xét theo tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu thì tăng từ 4,5% năm 2020 lên 6% năm 2030.

Riêng với nguồn điện gió, tổng công suất cũng được điều chỉnh từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000MW vào năm 2020; và khoảng 6.200 MW vào năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% vào năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.

Điện sinh khối cũng được phát triển song song với chỉ tiêu 500MW vào năm 2020 và nâng lên mức 2.000 MW vào năm 2030; tỷ trọng điện sản xuất tăng từ 0,6% năm 2020 lên 1,1% năm 2030.

Có thể nói, chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo đã đặt ra kỳ vọng rất lớn cho ngành năng lượng Việt Nam bởi với nền khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì việc khai thác và ứng dụng nguồn năng lượng này sẽ trở nên hiệu quả hơn. Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió tại Việt Nam, cho phép các doanh nghiệp tập trung sản xuất, vận hành và kinh doanh bán điện. Dự kiến sắp tới, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành cơ chế cho các loại năng lượng mới khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi được thúc đẩy từ cơ chế chính sách thì việc phát triển nguồn năng lượng này cũng gặp không ít khó khăn, nhược điểm lớn nhất của năng lượng tái tạo chính là giá thành quá cao so với năng lượng truyền thống, do đó, khả năng đầu tư vào các lĩnh vực này cũng hạn chế hơn. Thực tế cho thấy, chi phí đầu tư vào điện gió, điện mặt trời lên tới 10-15 cent/kWh trong khi đầu tư vào điện khí chỉ phải trả 5 cent/kWh. Mức giá đó tất yếu không hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là khi giá điện khống chế mức giá trần nên nhà đầu tư càng khó trong việc thu hồi vốn.

Để phát triển bền vững nguồn năng lượng quốc gia, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội khai thác các nguồn năng lượng tái tạo bằng cách đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu và ứng dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần chú trọng thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng, đồng thời điều tiết kế hoạch nhập khẩu năng lượng qua lưới điện các khu vực sao cho phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam.

Theo monre.gov.vn

Ý kiến góp ý: