TextBody
Huy chương 2

Giải pháp chiến lược phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Hồng

12/07/2022

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; Lê Quân, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội; Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết chủ trì hội thảo.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy thuộc vùng đồng bằng sông Hồng; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành thuộc các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng; một số một số chuyên gia, nhà khoa học.

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa và tác động lớn đến sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh toàn Vùng của văn hóa-xã hội, giáo dục- đào tạo, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường các nhà lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu, khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp then chốt, đột phá xung quanh các nội dung này.

Quang cảnh Hội thảo

Nâng cao đời sống văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội

Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, với mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia và Vùng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân, Bộ đề xuất 8 nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào: Tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bằng sông Hồng. Huy động tối đa các nguồn vốn trong nhân dân, tiềm lực tài chính của các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước để bảo đảm đủ nguồn vốn khác cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì cùng nâng cao đời sống văn hoá, phải nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nâng cao kiến thức, năng lực cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là cấp cơ sở về công tác giảm nghèo trong tình hình mới.

Do đó, cần đặt yêu cầu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Chú trọng thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội kết nối các địa phương trong vùng và với các vùng kinh tế trong cả nước, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với người nghèo, giảm nghèo gắn với quốc phòng-an ninh...

Nhóm các nhà nghiên cứu Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất các chính sách ưu tiên phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế, đặc biệt là xây dựng các tiêu chí về phát triển văn hóa địa phương trong việc xem xét điều kiện đầu tư tại các địa phương. Trong đó, xác định các điểm giao thoa giữa phát triển các lĩnh vực kinh tế gắn với văn hóa địa phương là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch…

Đẩy mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, để đưa vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất một số nhiệm vụ giải pháp về cơ chế chính sách như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ. Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu; tiếp tục phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh, là nơi thúc đẩy phát triển chuỗi hoạt động tri thức và công nghệ giữa trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp và thị trường.

Phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học. Xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển…

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nội dung được nhiều đại biểu đồng tình, nhất trí. Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhóm các nhà nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị: Cần quy hoạch ngành nghề đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Hệ thống giáo dục cần được sắp xếp hợp lý về quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, cơ sở đào tạo, cần quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội thuộc khu vực ĐBSH và địa phương.

Xây dựng mô hình thí điểm về giáo dục khởi nghiệp một số địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, đại diện cho các vùng kinh tế, trong đó áp dụng phương thức khởi nghiệp ngay trên chính mảnh đất, nghề nghiệp của cha ông để lại nhưng áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong việc khởi nghiệp của bản thân hướng đến thu được kết quả và lợi nhuận cao hơn, phù hợp với xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động tỉnh nhà.

Đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp, hoạt động khởi nghiệp cho học sinh sau khi hoàn thành bậc trung học phổ thông. Quy hoạch lại đội ngũ giáo viên phổ thông và giảng viên đại học đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng và cơ cấu. Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho giáo dục. Có các chính sách khuyến khích học sinh đăng ký vào những ngành mà địa phương đang cần, các ngành mới.

Các địa phương trong Vùng cần có sự xúc tiến liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đặc biệt là trường nghề, để các trường có kế hoạch đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và bảo đảm đầu ra cho các cơ sở đào tạo. Huy động các chuyên gia giỏi tại các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên; tham gia đánh giá năng lực, kỹ năng nghề cũng như thái độ học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thực hành thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học bậc đại học, nhanh chóng chuẩn hóa đội ngũ giảng viên đại học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có tài năng và kinh nghiệm của nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường cao đẳng, đại học ở trong Vùng.

Bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Cũng theo nhóm các nhà nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc dù giàu tài nguyên và có tiềm năng lớn để phát triển, song Vùng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu và cực đoan khí hậu, tai biến gia tăng đe doạ an ninh môi trường, nước, lương thực, năng lượng, sinh thái, khí hậu. Trong khi khả năng, nguồn lực ứng phó còn hạn chế, các tác động tiêu cực ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, của thiên tai, biến đổi khí hậu vốn đã lớn, lại bị cường hoá bởi các hoạt động nhân sinh bất hợp lý cả trong nội Vùng, từ thượng nguồn sông chảy về có thể dẫn đến nhiều thiệt hại lớn, có xu hướng gia tăng theo thời gian.

Vì vậy, vùng đồng bằng sông Hồng cần tích hợp và thực hiện bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến, liên kết vùng, hợp tác liên ngành trong các hoạt động kinh tế xã hội của vùng nhằm bảo đảm môi trường ngày càng trong lành, đa dạng sinh học, hệ sinh thái và tự nhiên được bảo vệ và an ninh phi truyền thống được bảo đảm; giảm rủi ro, tổn thất, tổn thương do biến đổi khí hậu…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, vùng đồng bằng sông Hồng, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp bao gồm: Đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng biến đổi khí hậu, tai biến để phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn (giải pháp ưu tiên). Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến (giải pháp đột phá). Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ tất cả các bên liên quan đáp ứng yêu cầu triển khai các giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến trong vùng và vùng miền núi, ven biển liên quan. Nâng cao năng lực của tất cả các bên liên quan về nhận thức, hành động thực hiện tích hợp bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến khi xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch tổng thể phát kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng và các địa phương.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định, các tham luận, ý kiến phát biểu, trao đổi tại Hội thảo đã tập trung, đưa ra những nhận định, đánh giá sâu sắc, chất lượng, tương đối toàn diện, có tính thực tiễn cao, bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Đại hội Đảng XIII. Nội dung tham luận đề cập sâu vào thực tiễn phát triển; mạnh dạn đề xuất về các nhiệm vụ, giải pháp có cơ sở khoa học cho từng lĩnh vực về các cơ chế, chính sách mới phù hợp để phát triển văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, tài nguyên-môi trường và nguồn nhân lực của vùng đồng bằng sông Hồng.

Nhiều ý kiến đề xuất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phù hợp để khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lương giáo dục-đào tạo, đẩy mạnh khoa học-công nghệ, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng.

Thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao tham luận, trao đổi, thảo luận của Lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học. Để hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW, Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập chắt lọc kết quả Hội thảo để lựa chọn, tổng hợp bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới.

Theo nhandan.vn

Ý kiến góp ý: