Giải pháp chống hạn ở miền Trung, Tây Nguyên
23/04/2013Chiều 18/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức họp bàn giải pháp chống hạn khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Theo nhận định, vụ HT2013 khu vực duyên hải miền Trung sẽ có trên 11.000 ha đất trồng lúa phải bỏ hoang vì thiếu nước
Nước tưới vô cùng khan hiếm
Ông Bùi Đức Long, Trưởng phòng Dự báo Trung bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo KTTVTƯ) cho biết, hiện nay khu vực miền Trung, Tây Nguyên khô hạn diễn ra rất khốc liệt và phức tạp. Nguyên nhân, do mùa mưa trái vụ tháng 10 - 12/2012 không có đợt mưa lớn nào khiến các đập thủy điện, thủy lợi, dòng chảy thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng.
Chưa dùng lại, 3 tháng đầu năm 2013, hạn hán tiếp tục kéo dài khiến khu vực càng trở nên trầm trọng hơn. Theo dự báo từ nay đến tháng 8 sẽ tiếp tục khô hạn, vì vậy các địa phương cần chủ động phương án sản xuất phù hợp.
Về tình hình sản xuất vụ lúa HT, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Phạm Đồng Quảng cho hay, vừa qua đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khảo sát tại các tỉnh miền Trung thì hiện Bình Định đã thu hoạch xong vụ HT sớm đưa vào đầu tháng 4. Các tỉnh từ Bình Thuận trở ra đến Đà Nẵng lúa đang trỗ, sẽ thu hoạch vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, Cục đề nghị các địa phương sau khi thu hoạch xong, nhanh chóng làm đất để tranh thủ nguồn nước, tinh thần chỉ đạo là gieo sớm hơn 10 ngày.
Qua báo cáo từ 8 tỉnh duyên hải miền Trung gửi về cho thấy vụ lúa HT tới có 36.000 ha đất canh tác không thể trồng lúa. Thay vào đó, sẽ phải chuyển sang trồng các loại hoa mùa, chịu hạn như ngô, đậu, lạc, vừng... Đặc biệt, có tới trên 11.000 ha diện tích sẽ phải bỏ hoang do không có nguồn nước. Trong đó, Quảng Nam 3.000 ha, Quảng Ngãi trên 4.000 ha...
Trước tình hình khô hạn được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khốc liệt, Thứ trưởng Hoảng Văn Thắng đề nghị, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết thực tế lượng nước tại các hồ chứa mà EVN quản lý. Ông Đỗ Mộng Hùng, Trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất (EVN) chia sẻ, lượng nước tại các hồ thủy điện hiện nay rất đáng lo ngại, vì có hồ thể tích sử dụng chỉ còn 5%. Cụ thể, hồ thủy điện A Vương 18%, Buôn Tua Srah 22%, Đa Nhim 20%, Hàm Thuận 18%, sông Ba Hạ 5%.
Ông Hùng đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhanh chóng xây dựng hưỡng dẫn kịp thời, cụ thể để các địa phương chủ động có phương án tổ chức sản xuất hợp lý nhất tránh xảy ra tình trạng lúa gieo xuống rồi nhưng không có nước tưới dẫn tới lãng phí tiền của, công sức của bà con nông dân. Đại diện EVN khẳng định đáp ứng được trên 50% diện tích, EVN xác định việc xả nước phục vụ sản xuất vụ HT là ưu tiên số 1, sau mới đến sản xuất điện.
Theo Ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng Cục Thủy lợi), hiện nguồn nước tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vô cùng khan hiếm, chỉ đáp ứng được 50-60% diện tích cần gieo cấy vụ HT năm nay. Trong đó, diện tích phụ thuộc vào hồ, đập thủy lợi đáp ứng được 60%; từ đập thủy điện 50%, các trạm bơm, cống dẫn nước 40%... Ông Hiển lưu ý các địa phương, với những diện tích còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, kiên quyết không cho dân gieo cấy vì nguy cơ mất trắng là rất cao.
Giải pháp tưới tiết kiệm
Đại diện EVN cho biết, hiện mới chỉ có cơ chế, quy định về việc điều hành liên hồ mùa lũ chứ chưa có liên hồ mùa cạn khiến nhiều hồ chứa không biết cần xả bao nhiêu nước để phục vụ chống hạn. Do đó, đại diện EVN tham dự cuộc họp đề nghị Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT nhanh chóng ban hành các văn bản, quy định hướng dẫn việc vận hành liên hồ trong mùa hạn nhằm góp phần giải quyết khó khăn cho những năm tiếp theo. |
Trong bối cảnh việc chống hạn nóng bỏng, cấp thiết, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát lại số liệu chi tiết, cụ thể tại các địa phương để từ đó có phương án chỉ đạo sớm nhất. Bên cạnh đó, nghiên cứu giải pháp tưới tiết kiệm của tỉnh Bình Định, nếu khả thi tiến hành nhân rộng, áp dụng cho các địa phương khác. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các địa phương và EVN để có những báo cáo, điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng đưa ra giải pháp chung chung kiểu nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, chủ động lấy nước...
Đề xuất giải pháp chống hạn lâu dài, Ông Bùi Nam Sách, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi đề xuất, cần phải tiến hành đánh giá lại thực trạng, thực tế tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên vì các số liệu tại khu vực này không thật sự chuẩn xác, xa rời thực tế. Báo cáo thì hay, song thực tế lại không phải như vậy. Ông Sách chỉ ra thực tế bất cập hiện nay là, năm nào Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có rất nhiều đề tài, nghiên cứu khoa học về thủy lợi, chống hạn, nhưng khi cần thông tin số liệu thì không chỗ nào cung cấp được.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Ý kiến góp ý: