TextBody
Huy chương 2

Giải pháp khắc phục tình trạng cạn kiệt sông Hồng

17/06/2010

Những năm gần đây, tình trạng thiếu nước trên hệ thống sông Hồng đã gây thiệt hại không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà khoa học Viện Thủy công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) đang ráo riết tìm những giải pháp để khắc phục.

Vấn đề lũ lụt trên sông đã phần nào được kiểm soát nhưng tình trạng thiếu nước trên hệ thống sông Hồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp và giao thông thủy... vẫn chưa có cách khắc phục. Năm 2009, khu vực đồng bằng sông Hồng ước tính có khoảng 80 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp thiếu nước và gần sáu nghìn ha phải chuyển sang các giống cây trồng chịu hạn. Ðể có nguồn nước tưới cho những diện tích cây vụ đông nông dân nhiều địa phương đã khoan giếng, nạo vét ao, hồ nhưng chỉ là "chống cháy". Mùa khô này, các đơn vị chủ động lắp đặt hàng trăm trạm bơm nước ven sông Hồng nhưng không thể vận hành do nước thấp dưới mức cho phép, dẫn đến hàng nghìn ha đất canh tác thiếu nước trầm trọng, giao thông thủy bị tắc nghẽn.
 
Phó Viện trưởng Thủy công Trần Ðình Hòa, Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu giải pháp công trình điều tiết nước trên hệ thống sông Hồng mùa kiệt phục vụ phát triển kinh tế vùng đồng bằng Bắc Bộ" cho biết: Viện bắt đầu triển khai đề tài này từ năm 2007, đến nay đã xác định được vị trí tuyến công trình, cùng với các giải pháp xây dựng có tính khả thi, nhất là đoạn sông Hồng qua Hà Nội. Khi công trình ngăn sông Hồng đoạn qua Hà Nội được xây dựng, sẽ tạo ra một hồ chứa nước trên lòng sông từ bến phà Khuyến Lương đến thượng lưu cầu Thăng Long để có mức nước dự kiến hơn 3,5 m. Việc tạo ra hồ nước này kết hợp với các công trình xây dựng trên sông Ðuống sẽ giải quyết toàn bộ nhu cầu dùng nước. Với nhiệm vụ và mục tiêu của đề tài, việc xây dựng công trình ngăn sông Hồng sẽ là một tổ hợp bao gồm nhiều hạng mục công trình, như: Ðập dâng nước, âu thuyền, các công trình nối tiếp hai bên bờ, các thiết bị quan trắc và điều hành hệ thống. Mấy năm qua, khi mùa khô đến, ngoài lưu lượng nước đã xả qua tua-bin theo kế hoạch phát điện, hồ Hòa Bình thường xuyên phải xả bổ sung nguồn nước xấp xỉ 1.200 m3/s để duy trì dòng chảy, nâng mực nước sông Hồng lên cao, nhằm chống hạn cho cây trồng. Tuy nhiên, lượng nước được sử dụng đối với ngành nông nghiệp thực tế chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, phần còn lại chảy lãng phí ra biển. Ðiều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý, khai thác nguồn điện năng. Như vậy, đối với hệ thống sông Hồng về mùa khô có hai vấn đề cần tìm cách khắc phục: Ðó là tình trạng thiếu nguồn nước và tình trạng bị hạ thấp mực nước. Thực tế cho thấy, năm 2009 mực nước sông Hồng xuống mức 0,90 m và những tháng đầu năm 2010 mực nước sông Hồng tụt xuống mức cực thấp (0,56 m), có đoạn 0,1 m và được cho là mức thấp kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Giải pháp chống hạn hiện nay vẫn là tích cực nạo vét kênh mương và làm thủy lợi nội đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hằng năm đã phải bổ sung hàng chục, có năm lên đến hàng trăm tỷ đồng để giúp người dân chống hạn. Các ngành chức năng cũng đã phối hợp tính toán, điều tiết xả nước các hồ ở thượng nguồn với lưu lượng khoảng 1.200 m3/s, có thời điểm lên đến 1.800 m3/s để bổ sung nguồn nước và tăng mực nước hạ du hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình nhằm giữ mực nước ổn định. Về mùa khô, mặc dù đã có hồ Hòa Bình với dung tích 5 tỷ m3 nước điều tiết được một phần dòng chảy nhưng tình hình khô hạn vẫn gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Do đó, việc nghiên cứu công nghệ xây dựng các công trình điều tiết ngăn sông Hồng để giữ nguồn nước ngọt, bảo đảm an toàn giao thông thủy và khả năng thoát lũ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Hồng là một yêu cầu bức thiết. Theo đồng chí Hòa, đề tài đến nay cơ bản đã hoàn thiện. Viện sẽ trình Bộ Khoa học và Công nghệ và Chính phủ với những giải pháp để khắc phục tình trạng trên vào cuối năm nay, như: dâng nước trên sông Hồng đến cao trình thích hợp bảo đảm cấp nước tự chảy vào các hệ thống công trình lấy nước dọc theo sông Hồng; công trình ngăn nước không ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của sông Hồng trong mùa lũ; duy trì dòng chảy môi trường cho vùng hạ du sau khi xây dựng công trình; tăng năng lực vận tải thủy của sông Hồng qua đoạn Hà Nội, bảo đảm giao thông thủy có thể hoạt động liên tục; tạo cảnh quan môi trường và phát triển du lịch cho thành phố Hà Nội và các vùng phụ cận.
 
Trước vấn đề xây dựng công trình điều tiết nước sông Hồng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết thêm: Những giải pháp của Viện Thủy công có tính khả thi. Trong những năm vừa qua, ở nước ta, tư duy xây dựng các công trình ngăn sông đã có những bước chuyển biến mạnh, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng. Trong đó nổi bật là công nghệ ngăn sông dạng đập trụ đỡ và công nghệ đập xà-lan di động do Viện Thủy công đề xuất, nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế đạt hiệu quả cao cho những vùng ngăn triều giữ ngọt ven biển. Nếu như Viện Thủy công ứng dụng kết cấu đập xà-lan di động vào giải pháp công trình ngăn sông Hồng chắc chắn sẽ là giải pháp có tính khả thi.
Nguồn: nhandan

Ý kiến góp ý: