TextBody
Huy chương 2

Giải pháp ứng phó với các tình huống xả lũ lớn và vỡ đập trên lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình

11/12/2020

Chiều ngày 10/12/2020, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp ứng phó với các tình huống xả lũ lớn và vỡ đập trên lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình”. Đây là Hội thảo cuối kỳ thuộc Đề tài “Nghiên cứu xây dựng giải pháp ứng phó trường hợp xả lũ khẩn cấp, lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình”. Mã số KC08.13/16-20 do PGS.TS. Trần Quốc Thưởng chủ nhiệm.

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, Ông Nguyễn Minh Nhật - Cục Ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, GS.TS. Trần Đình Hợi - nguyên chủ nhiệm Chương trình KC08/06-10, PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính, ThS. Nguyễn Thu Thảo - Trưởng Ban Tài chính Kế toán.

TS. Nguyễn Đăng Giáp - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông biển tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

Về phía Đơn vị chủ trì và thực hiện đề tài có lãnh đạo, các cán bộ khoa học và cán bộ thực hiện đề tài thuộc  Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển (PNTĐ).

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học về thủy văn, động lực sông.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh - Chủ trì Hội thảo - Giám đốc PTNĐ cho biết: Theo đánh giá chung, năm 2020 là năm Việt Nam xảy ra nhiều loại hình thiên tai đột biến, đặc biệt tập trung ở các tỉnh miền Trung. Tuy vậy đồng bằng sông Hồng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như sạt lở, trong việc vận hành hồ chứa. Chính vì vậy, từ năm 2015 - 2018, các báo cáo rủi ro thiên tai của thế giới luôn đánh giá Việt Nam là một trong những nước có chỉ số rủi ro thiên tai rất cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đặc biệt, đồng bằng sông Hồng được đánh giá thấp hơn đồng bằng sông Cửu Long nhưng vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ và chưa bền vững về ứng phó thiên tai.

Gần đây nhất, Dự án ADB10 về quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt thích ứng biến đổi khí hậu đã triển khai, đưa đồng bằng sông Hồng vào một trong những danh mục liên quan đế đê điều, sạt lở, ứng phó với lũ trong trường hợp xảy ra lũ lớn, lũ đặc biệt, các sự cố xảy ra trong việc vận hành công trình.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng Đề tài có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao, mang tính thời sự và hiện nay vấn đề này được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học cũng như nhà quản lý.

Theo PGS.TS. Trần Quốc Thưởng - Chủ nhiệm Đề tài cho biết mục tiêu đề tài đó là đánh giá khả năng xảy ra xả lũ khẩn cấp, lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình; Đánh giá được năng lực thoát lũ thực tế và mức độ bảo đảm an toàn của hệ thống công trình phòng, chống lũ trên lưu vực, an toàn cho vùng hạ du trong trường hợp xảy ra lũ khẩn cấp; lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình;  xây dựng được giải pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho hạ du trong trường hợp xả lũ khẩn cấp, lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Qua quá trình triển khai 10 nội dung nghiên cứu, Đề tài đã đạt được một số kết quả như đã tổng quan các nghiên cứu thế giới và trong nước liên quan; Xây dựng được 31 kịch bản xả lũ và phân chia thành 10 nhóm kịch bản xả lũ (các kịch bản xả lũ thiết kế cho đồng bằng Bắc bộ là 300, 500 năm; các kịch bản lũ đến thiết kế, đến kiểm tra hồ chứa thượng nguồn; các kịch bản xả lũ theo tần suất 1%, 2%, 5%, 10%; các kịch bản được xây dựng tương ứng với các mô hình lũ dạng 1969, 1971, 1996 và 1986); Phân tích, đánh giá được năng lực thoát lũ; dự báo tác động đến hạ du; xây dựng phương án và lên kế hoạch ứng phó.

Đề tài đã đề xuất các giải pháp tổng thể quản lý rủi ro lũ lụt bao gồm cung cấp thông tin về xả lũ, lũ, ngập lụt đến cộng đồng trên lưu vực; cảnh báo xả lũ và cảnh báo sớm lũ, ngập lụt do xả lũ trên lưu vực; kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó trong tình huống lũ bình thường, khẩn cấp; các giải pháp giảm nhẹ rủi ro lũ, ngập lụt do xả lũ lớn, vỡ đập trên lưu vực; các biện pháp bảo vệ tài sản theo các mức độ rủi ro lũ lụt; phòng ngừa thiệt hại thông qua phát triển, quy hoạch sử dụng đất; các giải pháp tài trợ đối với rủi ro thiên tai của chính quyền; giải pháp bảo hiểm lũ lụt và chia sẻ rủi ro; tái thiết sau thiên tai.

Bên cạnh các giải pháp tổng thể, Đề tài còn đề ra các giải pháp cụ thể quản lý rủi ro lũ lụt. Có thể kể đến như giải pháp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; nâng cao năng lực quản lý, vận hành hồ chứa; giảm nhẹ thiệt hại với tình huống xả lũ lớn, vỡ đập, giải pháp tăng cường khả năng thoát lũ và an toàn đê điều.

Tiếp theo đó, các đại biểu đã được nghe nhóm thực hiện Đề tài trình bày các vấn đề liên quan về đánh giá tác động của các tình huống xả lũ lớn đến vùng hạ du lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình; Xây dựng phương án ứng phó với tình huống xả lũ lớn nhất trên lưu vực sông; Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác hại do xả lũ lớn đến vùng hạ du lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình.

Ý kiến góp ý: