Giải quyết thách thức và bất cập trong bảo đảm an ninh nguồn nước
20/09/2021Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chiều 16.9.
Phấn đấu 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu chung của đề án là bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; giảm phụ thuộc vào các nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ. Ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân. Bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước quan trọng; chủ động ứng phó khi có sự cố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; chủ động tích, trữ, điều hòa nguồn nước.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 bảo đảm cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng; đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn, hệ thống chuyển nước liên vùng; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ.
Đến năm 2030, 100% dân cư thành thị, 65% dân số nông thôn, 100% đảo có đông dân cư được cấp nước sạch đạt quy chuẩn; 30% diện tích cây trồng được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trình bày tờ trình của Chính phủ. Ảnh: TL
Đến năm 2045, Đề án đặt mục tiêu, hoàn thành xây dựng các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên các hệ thống sông, hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước lớn. Hình thành mạng lưới liên kết, chuyển nước vùng, quốc gia; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 70% diện tích cây trồng được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước. Cơ bản 100% các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt được xử lý, phục hồi; 100% các cơ sở khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước được kiểm soát, áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước. Nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trong khu vực.
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2030 dự kiến khoảng 610.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 200.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và xã hội hóa 410.000 tỷ đồng.
Cần bổ sung các giải pháp bảo vệ nguồn nước
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, mục tiêu của Đề án cần cụ thể hóa quan điểm về an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; giải quyết được các thách thức, tồn tại, bất cập và vướng mắc trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước của đất nước trước mắt và dài hạn; lượng hóa để đánh giá, giám sát theo tiếp cận quốc tế; bảo đảm tính khả thi về nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Đối với mục tiêu cụ thể đến năm 2045, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, Đề án cần đặt ra các mục tiêu phấn đấu như: nâng cao chỉ số an ninh nước của quốc gia đạt mức độ hiệu quả theo tiếp cận quốc tế; tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về nước; chủ động được nguồn nước nội sinh, giảm phụ thuộc tối đa vào nguồn nước bên ngoài lãnh thổ; quản lý dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, cần có các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, điều tra, xử lý vi phạm với các hành vi phá hoại an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; xác định rõ vai trò của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cả nước ngầm và nước mặt, trong đó nước ngầm chiếm hơn 30%. Đồng thời cho rằng, cần có giải pháp quy hoạch và xử lý nước thải để tái sử dụng, không chỉ phục vụ mục tiêu sử dụng nước mà còn gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường...
Nhấn mạnh đây là Đề án quan trọng, cần rất nhiều nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hoàn thiện Đề án, trình Bộ Chính trị cho ý kiến kết luận hoặc định hướng lớn để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội.
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến góp ý: