Giảm ô nhiễm môi trường ở các làng nghề
05/03/2013Do phát triển quá nhanh lại thiếu quy hoạch đồng bộ, cơ sở vật chất yếu, lỏng lẻo trong quản lý..., dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở nước ta hết sức trầm trọng thời gian qua. Nhằm từng bước giảm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các cấp chính quyền cần huy động sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng trong vấn đề này.
Thống kê cho thấy, hiện cả nước có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Trong số đó có nhiều làng nghề trá hình, lấy danh nghĩa làng nghề để trốn tránh các nghĩa vụ đối với xã hội, trốn các loại phí, thuế nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng, trốn tránh các chế tài về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các làng nghề phân bố không đồng đều giữa các vùng, hiện nay có đến 60% các làng nghề tập trung khu vực phía bắc và chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Ðịnh... Miền trung chiếm khoảng 23,6%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và miền nam chiếm khoảng 16,6%, tập trung chủ yếu ở các thành phố Cần Thơ, tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương. Với sự phát triển ào ạt và thiếu quy hoạch của các làng nghề tại khu vực nông thôn, cùng với sự mất cân bằng giữa nhu cầu phát triển sản xuất và khả năng đáp ứng của cơ sở vật chất, sự lỏng lẻo trong quản lý môi trường nói riêng, hoạt động của các làng nghề đã và đang gây áp lực rất lớn đến chất lượng môi trường tại các khu vực làng nghề.
Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy, có đến 46% số làng nghề môi trường bị ô nhiễm nặng (đối với không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng trên) và có 27% ô nhiễm vừa. Hiện nay, ô nhiễm môi trường ở các làng nghề vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ngày càng trầm trọng hơn do phụ thuộc vào nhiều loại hình sản xuất, phân bố theo vùng, miền: Ðối với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ. Hàm lượng các chất ô nhiễm, nhất là COD và BOD5..., vượt quá Quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần. Ðặc biệt là nước thải từ khâu lọc tách bã, tách bột đen của quá trình sản xuất tinh bột từ sắn, dong riềng có độ pH thấp, hàm lượng BOD5, COD vượt hơn 200 lần. Trong khi đó, ô nhiễm chất vô cơ lại chủ yếu tập trung tại các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy, nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các chất trong quá trình nhuộm, đánh bóng...
Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề có nguồn gốc chủ yếu từ sử dụng than làm nhiên liệu (phổ biến là than chất lượng thấp), sử dụng nguyên vật liệu và hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất do khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2..., chất hữu cơ bay hơi. Ngoài ra, quá trình tái chế và gia công cũng gây phát sinh các khí độc như hơi a-xít, kiềm, ô-xít kim loại và ô nhiễm nhiệt. Hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại một số địa phương vượt quá Quy chuẩn Việt Nam từ ba đến tám lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt 6,5 lần. Ở các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ còn phát sinh ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và các chất hữu cơ trong chế phẩm thừa thải. Hầu hết các làng nghề chưa được thu gom và xử lý triệt để chất thải rắn, nhiều làng nghề xả thải bừa bãi gây tác động xấu tới cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.
Do sự gia tăng ô nhiễm tại các làng nghề đã dẫn đến tỷ lệ người mắc bệnh tại khu vực này đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi thọ của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình của cả nước. Theo báo cáo môi trường quốc gia năm cũng cho thấy, tại các làng nghề sản xuất kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, điếc, ung thư... Trong khi đó, đối với các làng nghề tái chế giấy có từ 16% đến 53,7% dân số bị mắc bệnh phổi, thần kinh do chịu sức ép từ khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, hóa chất và các khí độc như Cl2, H2S... Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, tỷ lệ người mắc các bệnh về đường ruột tới 58,8% dân số, đường hô hấp là 44%.
Theo đánh giá, trong thời gian tới, các làng nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục gia tăng và có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, song song với quá trình phát triển kinh tế cũng cần phải chú trọng đến việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên gay gắt ở khu vực này. Nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề như hiện nay, việc hướng dẫn lồng ghép có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2020 cần được thực hiện thường xuyên và liên tục. Các cấp chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo việc triển khai hiệu quả việc xử lý ô nhiễm triệt để 47 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 và khẩn trương ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả Ðề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất núp bóng làng nghề gia công, sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế huy động nguồn vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các làng nghề được công nhận, nhất là đối với các làng nghề truyền thống. Tiếp tục rà soát các quy hoạch ngành nghề, làng nghề nông thôn, lập danh mục các loại hình và quy mô làng nghề cần được bảo tồn và phát triển. Ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ công nghệ sản xuất, đào tạo nhân lực, mặt bằng sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển làng nghề gắn liền với việc xây dựng các hương ước, quy ước trong việc bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở nước ta.
Theo nhandan
Ý kiến góp ý: