TextBody
Huy chương 2

Hà Nội: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đê mùa mưa bão

31/03/2015

Hệ thống đê sông Đà, sông Hồng, sông Đuống nhiều năm gần đây không phải chống lũ lớn, trong đê tiềm ẩn nhiều ẩn họa khó lường có thể xảy ra các sự cố khi có mưa, bão, lũ lớn.

Chất lượng hệ thống đê điều không đồng đều

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, TP Hà Nội hiện có 626km đê được phân cấp; trong đó 404km đê từ cấp đặc biệt đến cấp III. Nhìn chung hệ thống đê điều chất lượng không đồng đều. Những năm qua đã được tập trung đầu tư tu bổ, nâng cấp nên chất lượng đã được cải thiện.

Tại hệ thống đê sông Đà, sông Hồng, sông Đuống do biến đổi dòng chảy nên tình trạng sạt lở đã và đang xảy ra nghiêm trọng, đặc biệt sạt lở ở các khu dân cư đe dọa an toàn đê điều, tính mạng tài sản của nhà nước và nhân dân.

Đề cập đến hiện trạng các công trình tiêu thoát nước khu vực nội thành hiện nay, ông Trần Xuân Việt cho biết, tuy các dự án thoát nước đã cải tạo, nâng cấp được nhiều công trình tiêu thoát nước ở khu vực nội thành, nhưng hệ thống công trình tiêu thoát nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hệ thống công trình tiêu úng hiện có khu vực nội thành chỉ đảm bảo tiêu khi có mưa với cường độ 310 mm/2 ngày.

TP Hà Nội hiện có 96 hồ chứa nước thủy lợi (trong đó 5 hồ có dung tích trên 10 triệu m3, còn lại là từ 2 đến 5 triệu m3). Các hồ lớn tuy đã được tu bổ sửa chữa một số hạng mục chính như cống tưới, tràn xả lũ, thân, mặt, mái đập; song tình trạng bồi lắng, lấn chiếm lòng hồ, sử dụng sai mục đích chưa được xử lý kịp thời đã làm giảm khả năng cắt lũ, ảnh hưởng tới việc tưới, tiêu, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Khu vực ngoại thành Hà Nội hiện có 436 trạm bơm tiêu với 1.951 máy bơm các loại; tổng công suất bơm khoảng 4 triệu m3/h; 4.593 km kênh, mương tiêu các loại. Các công trình tiêu theo thiết kế chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nên hệ số tiêu thấp. Hầu hết các trạm bơm tiêu úng được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ XX đã lạc hậu, xuống cấp, hiệu suất bơm thấp; hệ thống kênh mương bị lấn chiếm, bồi lắng, lòng dẫn bị thu hẹp không đáp ứng yêu cầu dẫn nước.

Mặt khác những năm gần đây với tốc độ đô thị hóa nhanh, việc xây dựng các khu đô thị, các cụm điểm công nghiệp, làng nghề và phát triển dịch vụ ở khu vực ngoại thành đã làm thay đổi địa hình tự nhiên, gây chia cắt hệ thống công trình tiêu và chưa khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng. Vì vậy khi mưa lớn xảy ra đã gây úng ngập cục bộ ở nhiều khu vực, nhiều điểm dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đây là những vấn đề cần được khắc phục từng bước.

Hệ thống công trình tiêu úng hiện có khu vực ngoại thành Hà Nội hiện chỉ đảm bảo tiêu khi có mưa với cường độ từ 250-300 mm xảy ra trong 3 ngày.

Tăng cường đầu tư cho các trọng điểm xung yếu

Để triển khai nhiệm vụ phòng chống mưa bão trong năm 2015, TP Hà Nội đã Chỉ đạo xây dựng phương án phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố và từng quận, huyện, thị xã, Phương án bảo đảm an toàn hồ đập công trình thủy lợi, công trình xây dựng.

Bên cạnh việc Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai năm 2015 trên địa bàn thành phố, Hà Nội cũng tiến hành duy tu các công trình trọng điểm về phòng, chống ngập lụt, sạt lở, thủy lợi để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, triển khai đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2015 trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai ở các khu vực xung yếu, đông dân cư; Tổ chức huấn luyện, diễn tập cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố; Huy động mọi nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Để chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống lụt bão chủ động, và hiệu quả với những diễn biến bất lợi của thời tiết, thành phố Hà Nội đề nghị được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ, ngành liên quan quan tâm, tăng cường đầu tư cho tu bổ đê, kè của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt các công trình trên Sông Đà, Sông Hồng, Sông Đuống, các dự án có quy mô lớn, nhằm xóa bỏ các trọng điểm xung yếu trên địa bàn thành phố…

Theo www.chinhphu.vn

Ý kiến góp ý: