Hà Tây: Diễn biến sạt lở đê kè bờ hữu sông Hồng địa phận TP.Sơn Tây phức tạp và nghiêm trọng
02/11/2009Mặc dù chưa vào mùa mưa bão nhưng do biến động của thiên nhiên, dòng chảy sông Hồng làm cho khu vực bờ hữu sông Hồng thuộc địa phận TP.Sơn Tây (tỉnh Hà Tây) xảy ra tình trạng sạt lở hết sức phức tạp.
Diễn biến sạt lở mạnh, xuất hiện nhiều cung sạt mới ở khu vực kè Hồng Hậu và Tỉnh đội từ thời điểm cuối năm 2005 và đầu năm 2006. Kè Hồng Hậu dài 1.100m, từ K29+500 - K30+600 là tuyến kè mềm chưa được lát đá, năm 2006 bị sạt lở nghiêm trọng chiều dài 470m đã sạt sâu vào bãi 10-15m gây nguy hiểm cho kè và 13 hộ dân khu Hồng Hậu, 9 hộ dân khu Yên Thịnh 2. Kè Tỉnh đội dài 800m từ K30+900 - K31+700 là tuyến kè cứng mái kè được lát đá, chân kè được thả rỗng lõi đá giữ chân. Năm 2006 xuất hiện cung sạt mới dài 20m tại K31+500 khu vực Trạm Thủy văn Sơn Tây sạt sâu vào thân kè 3m, cách chân đê hữu sông Hồng 20m và cách cống lấy nước vào Trạm bơm Phù Sa 10m gây nguy hiểm cho Trạm thủy văn và cống lấy nước Trạm bơm Phù Sa. Ngày 14-5-2006, cung sạt bị sạt thêm về 2 phía mỗi bên 3m, đỉnh cung sạt lấn thêm vào thân kè 2m ở cao trình +8,5. Các tấm bê tông lát mái bị bong xô và cung sạt mở rộng xuất hiện nhiều khe nứt sâu vào đến đỉnh kè. Trước diễn biến ngày càng phức tạp, UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT và được Bộ đồng ý năm 2006 cho xử lý khẩn cấp cung sạt kè Tỉnh đội khu vực Trạm Thủy văn Sơn Tây, di chuyển 22 hộ dân sinh sống, cách mép kè và bờ sông 10-15m vào trong để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, từ sau mùa mưa lũ năm 2007, hiện tượng sạt lở trên tuyến hữu sông Hồng suốt đoạn đê dài trên địa bàn TP Sơn Tây tiếp tục diễn biến nguy hiểm, nhiều đoạn sụt sạt vào sâu uy hiếp các hộ ven bờ sông. Đầu tháng 11-2007 lại xuất hiện cung sạt trên kè Tỉnh đội tại vị trí K31+400 cung sạt dài 58m, đỉnh cung sạt cao trình +8,0 trượt sâu xuống 0,8m. Nhiều vết nứt xé lớp đất cũ ngang dọc và những khóm tre đang bị kéo từ trong ra phía bờ sông cho thấy tốc độ sạt lở ngày càng lớn, lấn rộng sâu vào chân đê. Hiện nay dòng chảy chủ lưu sông Hồng vẫn đang ép sát bờ hữu gây xói lở và sạt trượt toàn tuyến từ K27+500 - K32.
Trước tình hình diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ NN&PTNT đề nghị cho xử lý khẩn cấp hộ chân kè bờ hữu sông Hồng địa phận TP Sơn Tây. Cục QLĐĐ & PCLB Bộ NN&PTNT đã có ý kiến kỹ thuật cho dự án “Đầu tư xây dựng kè” và UBND tỉnh đã phê duyệt dự án, giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư tiến hành các trình tự theo quy định về đầu tư xây dựng kè. Ngày 3-3-2008, Bộ NN&PTNT có Công văn số 1459/BNN-ĐĐ cho ý kiến “sạt lở bờ hữu sông Hồng khu vực Sơn Tây diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều và các hộ dân sống trong khu vực, việc xử lý khẩn cấp phần hộ chân như đề nghị của UBND tỉnh là cần thiết và thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. UBND tỉnh Hà Tây chỉ đạo việc lập dự án và huy động các nguồn vốn hợp pháp để xử lý xong trước mùa mưa bão năm 2008”.
Vấn đề đặt ra đối với việc xử lý kè bờ hữu sông Hồng địa phận TP Sơn Tây là hết sức khẩn trương để ngăn chặn và đề phòng những phát sinh xấu trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, đây là công trình phát sinh do thiên tai, UBND tỉnh Hà Tây đề nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ quyết định đầu tư vốn cho công trình chống lụt bão của T.Ư và cho áp dụng phương pháp xử lý khẩn cấp phần thả đá hộ chân để giải quyết nhanh sự cố bảo vệ an toàn đê điều quốc gia và tính mạng dân cư trong khu vực. UBND thành phố Sơn Tây đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm cho đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng kết hợp với cứng hóa mặt đê quy hoạch phát triển kinh tế vùng bãi sông Hồng theo hướng khai thác khu du lịch sinh thái ven sông.
Theo monre.gov.vn
Ý kiến góp ý: