TextBody
Huy chương 2

Hạn chế hậu quả xấu do nước mặn xâm nhập đất liền: Cần giải pháp căn cơ và lâu dài

21/04/2010

Cũng như một số tỉnh tiếp giáp với biển thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre từ lâu đã phải "chung sống với nước mặn". Năm nay do biến đổi khí hậu, nước mặn lên sớm, xâm nhập sâu vào đất liền, độ mặn cao hơn, việc sống chung với nước mặn phát sinh thêm nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sông dân cư

Tuy nhiên, do chủ động triển khai các giải mang mang tính căn cơ và lâu dài, Bến Tre đã hạn chế được hậu quả xấu khi nước mặn xâm nhập. 

Đầu tháng 4/2010, Trung tâm khí tượng thuỷ văn Bến Tre thông báo nước có độ mặn 4 phần ngàn đã xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 60km; nước có độ mặn 1,6 phần ngàn bao phủ toàn tỉnh. Cũng thời điểm này, toàn bộ 21.000 ha lúa Đông Xuân đã thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt hơn 6 tấn/ha, thiệt hại do bị nước mặn tấn công không đáng kể, vì hầu hết diện tích lúa Đông Xuân được khép kín trong đê bao.Tương tự, hơn 30.000 ha vườn cây ăn trái ( vườn dừa không bị ảnh hưởng ) cũng an toàn vì nằm trong đê bao và hàng ngày được người dân theo dõi mọi biến động của nước mặn. Bởi vì, một số loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm... rất mẫn cảm với nước mặn, dù chỉ một phần ngàn cũng làm cho chúng rụng hoa, cháy lá.
 
Đánh giá bước đầu thắng lợi trong việc đối phó với nước mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ông Lê Phong Hải – Giám đốc Sở NN & PTNT Bến Tre khẳng định : “ Đó là nhờ các công trình thuỷ lợi đã được xây dựng trong những năm qua, trong đó có một số công trình đã hoàn thành, phát huy tác dụng tích cực như: công trình thuỷ lợi Hương Mỹ, đê bao dọc tuyến sông Hàm Luông thuộc các huyện Ba Tri và Giồng Trôm; đê bao dọc sông Cửa Đại thuộc huyện Bình Đại, đê bao dọc sông Cổ Chiên thuộc các huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày . Đặc biệt công trình cống và đập ngăn mặn ở hạ lưu sông Ba Lai và công trình thuỷ lơi ngọt hoá Bắc Bến Tre tuy mới hoàn thành nhưng có tác dụng ngăn mặn cho phần lớn diện tích trồng lúa của hai huyện Ba Tri và Bình Đại...”. Các công trình thuỷ lợi nêu trên không chỉ phục vụ và bảo vệ sản xuất nông nghiệp mà còn giúp người dân có nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô. Bà con có nhiều cách trữ nước ngọt như: đắp đập cục bộ trữ nước trên kênh rạch, mương vườn.; chứa nước ngọt trong những ống xi- măng hình trụ, túi ni-lông, thùng nhựa, bồn com-pô-sít...nước nấu ăn thì nhà nào cũng hứng nước mưa để dùng trong mùa khô hạn. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt của một số xã thuộc ba huyện vùng biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và một số nơi khác ở Bến Tre là không tránh khỏi. 
 
Đối phó với biến đổi khí hậu nóng lên toàn cầu, nước biển dâng cao, Bến Tre được sự giúp đỡ của Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã xây dựng thêm một số công trình có tính căn cơ và lâu dài. Theo đó, năm 2009, Bến Tre đã xây dựng tuyến đê biển ở huyện Ba Tri, kéo dài từ sông Ba Lai đến bờ sông Hàm Luông, dài 36km, vốn do Ngân hàng Thế giới cho Chính phủ Việt Nam vay. Trước đó, Bến Tre đã xây dựng tuyến đê biển huyện Bình Đại và hiện đang lập dự án thuỷ lợi Cái Quao, phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Mỏ Cày Nam và một phần huyện Thạnh Phú. Đặc biệt là dự án thuỷ lợi Bắc Bến Tre, lớn nhất ĐBSCL đến thời điểm này, phục vụ sản xuất cho 115.000 ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho hơn 600 ngàn dân của 4 huyện: Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre. Sau khi hoàn thành cống đập ngăn mặn ở hạ lưu sông Ba Lai vào năm 2002 thì không xây dựng thêm hạng mục nào nữa. Do đó dự án này chưa đồng bộ và hoàn chỉnh nhưng đã phát huy tác dụng như đã nói ở trên. Năm 2009, được Bộ NN & PTNT đầu tư tiếp, Bến Tre đã khởi công nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai và sẽ hoàn thành trong năm 2010. Tuy nhiên, dự án ngọt hoá Bắc Bến Tre còn nhiều hạng mục cần được Trung ương tiếp tục đầu tư để phát huy hiệu quả mà quan trong nhất là hạng mục đập và âu thuyền trên sông Giao Hòa và sông Bến Tre. Hiện nay, nước mặn trên 4 phần ngàn từ sông Cửa Đại theo sông Giao Hoà chảy vào sông Ba Lai làm cho nước sông Ba Lai nhiễm mặn. Chỉ khi hoàn thành đập và âu thuyền trên sông Giao Hòa và sông Bến Tre, thì sông Ba Lai mới thực sự trở thành một hồ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện nay, từ cống đập Ba Lai ở hạ lưu, Bến Tre đang thi công một đường ống dẫn nước ngọt về các xã ven biển của huyện Bình Đại và sẽ hoàn thành trong năm 2010. Mùa khô năm 2011, bà con các xã ven biển Bình Đại chắc chắn không còn khát nước ngọt nữa. 
 
Bến Tre đã và đang nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế để nâng cao khả năng đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển ngày một dâng cao. Mới đây, ngày 13/4, ông Thierry Van Helden, cố vấn dự án của chương trình ORIO đến làm việc với Bến Tre và thông báo Chính phủ Hà Lan đã phê duyệt tài trợ 50% kinh phí xây dựng nhà máy nước ( tổng kinh phí trên 100 tỉ đồng ) cung cấp cho 6.000 hộ dân ở hai huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc. Cũng trong tháng 4/2010, Ngài Mitsuo Sakaba - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam – đã đến Bến Tre và được lãnh đạo tỉnh đề xuất phía Nhật hỗ trợ Bến Tre xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Hàm Luông – Hàm Luông và Ba Lai là hai trong số chín cửa của sông Cửu Long. Ngài Đại sứ Nhật đã ghi nhận đề xuất của lãnh đạo tỉnh Bến Tre và hứa sẽ giúp Bến Tre đối phó với biến đổi khí hậu. Riêng vấn đề bảo đảm nguồn nước máy không bị nhiễm mặn, ông Phạm Chí Vũ – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Bến Tre cho biết: Công ty đang tranh thủ nguồn vốn vay của Chính phủ Pháp để đầu tư một trạm lấy nước ngọt thô từ xã Tân Phú ( Châu Thành ), cách nhà máy nước Sơn Đông 24 km, rồi dẫn bằng đường ống về nhà máy nước Sơn Đông xử lý, cung cấp cho người dân thành phố Bến Tre. Đây là giải pháp khả thi, vì Tân Phú nằm ở đầu nguồn sông Hàm Luông, từ xưa đến nay nước mặn chưa lên tới.

Nguồn: mard.gov.vn

Ý kiến góp ý: