TextBody
Huy chương 2

Hạn ơi là hạn!

01/07/2010

Ngay từ đầu năm, các tỉnh khu vực miền Trung đã đối mặt với đại hạn gần như chưa từng có, so với trong cùng một thời điểm của nhiều năm trước đây. Và tiếp bước vào mùa khô, tình trạng khô hạn trên diện tích canh tác lúa, rau màu vụ hè thu càng trở nên khốc liệt hơn.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, trong thời điểm này miền Trung ước đã có hơn 100.000ha lúa khô hạn và 60.000ha chưa gieo sạ được vì thiếu nước tưới. Hiện tượng trên dẫn đến khả năng có thể 400.000 tấn lúa sẽ bị thất thu trong vụ này.

Tại Hà Tĩnh đã có đến 39.000ha thiếu nước; Nghệ An thì 26.000ha diện tích lúa đã nẻ chân chim; Quảng Nam, ít nhất 1/4 trong tổng số hơn 40.000ha lúa gieo trồng vụ hè thu đã khô quắt queo...

Những con số cháy lòng người nông dân. Trong khi đó, dự báo thời tiết qua đến tháng 7 vẫn chưa có gì khả quan và đáng lo ngại, hàng trăm hồ chứa nước phục vụ thủy lợi lẽ ra trong thời điểm này sẽ “thay trời làm mưa” thì nay chỉ còn 30-40% dung tích. Cá biệt, đại thủy nông Phú Ninh ở Quảng Nam, mực nước hồ thấp hơn đến 1,5m so với cùng kỳ năm trước.

Cũng như mọi năm, một nguyên nhân chủ yếu được các cơ quan hữu quan nhận định là do mưa ít hơn mọi năm, không có lũ tiểu mãn để bổ sung lượng nước... Có nơi như Hà Tĩnh, lượng mưa chỉ đạt 13-29% yêu cầu dự kiến. Các địa phương vận động nông dân tìm mọi cách sử dụng cơ giới cũng như thủ công để cố đưa nước vào đồng.

Đại hạn tại trời là nguyên nhân không thể chối cãi. Thế nhưng, để hạn hán gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống nông dân là trách nhiệm của các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp PTNT đã làm không tròn. Bao nhiêu năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho công tác thủy lợi, cải tạo, sửa chữa kênh mương, dẫn thủy nhập điền...

Nhưng dường như tất cả đều tỏ ra không thấm vào đâu, khi người nông dân năm này đến năm khác vẫn bị động chạy theo biến động của thời tiết. Một quan chức phụ trách nông nghiệp và PTNT Quảng Nam nhận định, năm nay hạn khốc liệt hơn vì khả năng hàng loạt công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn cũng tăng cường tích nước để duy trì phát điện.

Nhiều nông dân huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, như mọi năm có thể sử dụng máy bơm đưa nước từ sông Thu Bồn vào đồng, nhưng năm nay dòng chảy thu hẹp đáng kể, gây ra thiếu nước trầm trọng cho ruộng đồng.

Về mặt lý thuyết sẽ điều tiết lượng nước chống hạn cho hạ du, nhưng trong cùng một thời điểm, cả hai cùng cần nước nên đã góp phần tác động, làm hạn hán càng trở nên nghiêm trọng hơn. Như vậy, giữa thủy điện và thủy lợi thay vì hỗ tương lẫn nhau thì lại bắt đầu nảy sinh xung đột.

Nhìn ra một số nước trong khu vực có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Ấn Độ, điều kiện tự nhiên của các quốc gia này cũng khắc nghiệt không kém gì ta, nhưng họ đã làm nên nhiều kỳ tích về nông nghiệp. Thái Lan hiện là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo; Ấn Độ từ chỗ hàng triệu người chết đói mỗi năm khi còn thuộc Anh, thì đến nay sau ngày giành độc lập, cả nước đã cung cấp đủ gạo cho hơn 1 tỉ dân. Tất cả thành quả trên đều do các cuộc cách mạng trong nông nghiệp.
 
Cụ thể trong hơn mười năm qua, hai nước này đã cải tạo toàn bộ hệ thống giống cây, con phù hợp với thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh thái, tập quán sử dụng sản phẩm cho từng vùng. Những năm qua, nước ta cũng đã thử thực hiện các giống lúa, hoa màu chống hạn, chống lũ, sind hóa đàn bò..., kết quả tốn kém đã nhiều, nhưng nay cho thấy chưa mang lại lợi ích gì đáng kể cho người nông dân.
 
Vài năm gần đây, đi đâu cũng nghe bàn về tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), ba nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông)...nhưng để tam nông, ba nhà phối hợp được nhịp nhàng thì thiết nghĩ phải có một nhạc trưởng đủ mạnh để điều tiết, chứ không chỉ kêu gọi bằng các câu khẩu hiệu suông.

Nguồn: laodong

Ý kiến góp ý: