Hiệu quả mô hình thủy lực: Biện pháp ứng phó, phòng tránh lũ lụt an toàn, hiệu quả
28/05/2010Dự án giảm nhẹ thiên tai tại tỉnh Quảng Ngãi do Chính phủ Ôxtrâylia hỗ trợ thực hiện từ năm 2003 đến 2007, với tổng kinh phí hơn 15 triệu đôla Ôxtrâylia đã thành công, đặc biệt là mô hình thủy lực quản lý đồng bằng ngập lũ tại Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ Thiên tai Quảng Ngãi.
Nội dung 4 hợp phần (Quản lý dự án, Qui hoạch quản lý đồng bằng ngập lũ, Giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng, Thực chứng cơ sở hạ tầng giảm nhẹ thiên tai) đã được dự án tổ chức thực hiện thành công, đạt hiệu quả cao. Để phát huy hiệu quả đạt được một cách trọn vẹn trên toàn tỉnh Quảng Ngãi, ngày 03/7/2006 Chính phủ Úc đã đồng ý với UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục mở rộng dự án Giảm nhẹ thiên tai cho 02 lưu vực sông còn lại là sông Vệ và sông Trà Câu. Đây là điều kiện tốt để tỉnh Quảng Ngãi có kế hoạch quản lý lưu vực sông đồng bộ trên toàn tỉnh, nâng cao được nhận thức của cộng đồng về giảm nhẹ thiên tai trong tỉnh có hiệu quả hợn.
Ông Bùi Đức Thái- Phó giám đốc Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ Thiên tai Quảng Ngãi cho biết: Mô hình thuỷ lực là dùng máy tính để mô phỏng tình trạnh lũ lụt trên các lưu vực sông. Mục đích là tạo ra một công cụ kiểm tra các phương án quản lý đồng bằng ngập lũ bao gồm lưu vực sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và sông Trà Câu. Mô hình thuỷ lực 2 chiều chi tiết, sử dụng phầm mềm SOBEK từ Delft Huydraulics và một số phần mềm hỗ trợ. Mô hình thuỷ lực còn dùng để kiểm tra tác động của những phát triển trong tương lai đến tình trạng ngập lụt.
Hầu hết lãnh đạo các địa phương, đơn vị trong tỉnh Quảng Ngãi và các cộng đồng đã được tham vấn đều tin tưởng đối với mô hình này. Hiện mô hình đang là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý rủi ro thiên tai (lũ, lụt) và quản lý phát triển cơ sở hạ tầng trong các vùng đồng bằng ngập lũ thuộc tỉnh.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, đến nay toàn tỉnh đã có 16 xã được trang bị và tập huấn sử dụng bản đồ vùng ngập lũ cũng như biện pháp ứng phó khi có tình huống lũ, lụt xảy ra. Quảng Ngãi là địa phương đầu tiên trong cả nước đã xây dựng và trang bị bản đồ vùng ngập lũ theo cấp báo động. Đây cũng là một trong những kết quả của đề án giảm thiểu thiên tai do Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAID) và Chính phủ Việt Nam đồng tài trợ. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, toàn tỉnh sẽ có 87 xã, thuộc 7 huyện, thành phố thuộc vùng có nguy cơ xảy ra lũ, lụt lớn như: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi được trang bị bản đồ vùng ngập lũ. Công tác phòng tránh lũ, giảm nhẹ thiệt hại do lũ gây ra thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện và xã. Giờ đây, dự báo mức độ ngập lụt không còn là việc của riêng ngành khí tượng thuỷ văn mà cán bộ cấp xã cũng có thể làm được khi có bản đồ vùng ngập lũ theo cấp báo động. Bản đồ vùng ngập lũ là cơ sở quan trọng để xác định phạm vi dòng chảy của lũ (gồm tuyến thoát lũ, vùng biên lũ, tuyến thoát lũ ven), từ đó có biện pháp ứng phó, phòng tránh lũ lụt an toàn, hiệu quả; giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản; góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng địa phương. Với bản đồ vùng ngập lũ theo cấp báo động trong tay, cán bộ cấp xã khi nghe thông báo lũ, chẳng hạn nước sông Trà khúc lên báo động 3, thì cũng có thể xác định được nơi nào bị ngập và ngập khoảng bao nhiêu mét. Mỗi bản đồ được xây dựng theo các cấp báo động: Báo động 3, báo động 3 + 0,5m, báo động 3 + 1m, báo động 3 + 1,5m, báo động 3 + 2m, báo động 3 + 2,5m...Ở đây, chỉ có bản đồ vùng đồng bằng ngập lũ ở cấp báo động 3 trở lên bởi hầu như khi nước các sông ở cấp báo động 1 và 2 thì chưa có vùng ngập lũ. Trên bản đồ có các màu tương ứng để biết mức độ ngập sâu ở các nơi. Màu vàng là từ 0,0-0,5m (độ ngập), màu xanh lá cây nhạt là từ 0,5-1,0m, màu xanh lá cây đậm là từ 1-1,5m, màu xanh da trời là từ 1,5-2m, màu tím là >2m. Khi nghe thông báo cấp báo động nước sông ở địa phương mình, nhìn vào màu sắc trên bản đồ, người xem dễ dàng hiểu được độ sâu và phạm vi ngập lụt của từng vùng. Cán bộ địa phương xác định được địa điểm ngập lụt để triển khai nhanh công tác ứng phó, cứu nạn kịp thời.
Ông Bùi Đức Thái - Phó giám đốc Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ Thiên tai Quảng Ngãi, chuyên trách về mô hình thuỷ lực nói: “Trước đây, Dự án giảm nhẹ thiên tai Quảng Ngãi do Ôxtrâylia tài trợ (hợp phần 2) có lập kế hoạch quản lý vùng đồng bằng ngập lũ sông Vệ, Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu bằng các bản đồ theo tần suất thiết kế do chuyên gia mô hình thuỷ lực của Ôxtrâylia làm và chuyển giao cho tỉnh Quảng Ngãi. Chẳng hạn tần suất 1% có nghĩa là cơn lũ đó 100 năm chỉ xảy ra 1 lần, tần suất 50% là trong 100 năm xảy ra 50 lần (tức 2 năm 1lần),...Thông báo lũ theo cách này chỉ phù hợp với công tác nghiên cứu chuyên môn về thuỷ lực mạng lưới các sông và phục vụ công tác quy hoạch thiết kế các công trình trong vùng đồng bằng ngập lũ. Đối với ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, đây thực sự là khó khăn lớn, nhất là không phải ai cũng có chuyên môn trong ngành khí tượng thuỷ văn, cũng hiểu và tính toán được những số liệu trong bản đồ đó. Một hạn chế nữa là bản đồ tần suất mức độ lũ nhỏ nhất là 50% (tức là cơn lũ 2 năm mới xảy ra 1 lần) tương ứng với mức độ ngập rất lớn ở nhiều vùng. Còn đối với bản đồ vùng ngập lũ theo cấp báo động thì mức độ ngập lụt chỉ đến báo động 3 là đã có bản đồ tương ứng và từ đó tăng dần rất dễ đọc và chuẩn bị phòng chống, di dời. Như thế, sẽ tránh được nhiều thiệt hại về người và của do lũ gây ra. Mặt khác, tin thông báo lũ từ Trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh là theo các cấp báo động, còn bản đồ ngập lũ lại theo tần suất. Sự “lệch pha” này đã gây nên khó khăn không nhỏ cho việc liên hệ thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp. Việc xây dựng bản đồ vùng ngập lũ theo các cấp báo động đã “xoá” đi sự “lệch pha” này. Chi cục TL-PCLB&QLĐĐ đã đi kiểm tra tổng quát về tình hình xây dựng cơ bản như đường sá, các tuyến kênh mương, hồ đập... trên vùng đồng bằng ngập lũ để việc xây dựng bản đồ được chính xác hơn. Hiện 16 xã đã được cung cấp và tập huấn sử dụng bản đồ vùng ngập lũ mới.
Từ những mô phỏng dưới dạng bản đồ, Ban Chỉ huy phòng tránh lụt bão có thể xác định được tình hình diễn biến lũ ở các cấp độ như: tính khốc liệt, độ sâu, tốc độ, cường suất và thời gian. Ngoài ra còn nhận biết được địa hình để di dân, hoặc số lượng dân có nguy cơ de dọa. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra biện pháp phòng chống, dự báo, cảnh báo và lên kế hoạch di dời dân theo từng cấp độ nguy hiểm.
Ông Ian Wood- Chuyên gia tư vấn mô hình thủy lực Ôxtrâylia cho rằng, mô hình thủy lực của Quảng Ngãi được thiết lập bởi công ty tư vấn hàng đầu của Úc - Công ty KBR - nên có được quy chuẩn và kỹ thuật cao. Ông cũng cho rằng, chuyên viên mô hình của Quảng Ngãi được đào tạo, chuyển giao công nghệ bởi các chuyên gia Úc một cách bài bản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đức Thái cho biết: Đến nay chưa trang bị hết các bản đồ ngập lũ cho xã, phường trong vùng đồng bằng ngập lũ (còn 73 xã trong vùng ngập lũ trong vùng Dự án và 04 xã thuộc lưu vực sông Vệ, sông Phước Giang dự kiến bổ sung). Phần mềm chưa chủ động hoạt động, còn phụ thuộc nhiều vào nhà sản xuất do hàng năm phải chờ nhà sản xuất cung cấp khóa mềm (license file) thông qua Công ty KBR (Úc).
Tại Quảng Ngãi, Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức Hội thảo “Thực hiện và tính bền vững của mô hình thủy lực thuộc Dự án Quản lý rủi ro thiên tai và những bài học kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ngãi”. Tham dự Hội thảo có các lãnh đạo đại diện BCĐ PCLB Trung ương, Trung tâm phát triển và giảm nhẹ thiên tai, các nhà tư vấn, nhà tài trợ Ngân hàng thế giới, Cơ quan phát triển Quốc tế Australia, Đại Sứ quán Hà Lan và đại diện của 4 tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Hội thảo đã thảo luận kinh nghiệm và những bài học liên quan tới mô hình thuỷ lực của Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ Thiên tai Quảng Ngãi. Chức năng quản lý, sử dụng và phát triển mô hình thuỷ lực quản lý đồng bằng ngập lũ của Quảng Ngãi. Tại Hội thảo, các đơn vị tư vấn đã thảo luận, chia sẽ về tình hình lập mô hình thuỷ lực, các thuận lợi, khó khăn cũng như kế hoạch đào tạo và bàn giao cho 3 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị và Quảng Nam.
Cần nhân rộng mô hình
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phúc- Giám đốc Trung tâm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai Quốc gia (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định, đây là mô hình rất hiệu quả, Quảng Ngãi đã đi trước một bước xây dựng mô hình quản lý vùng đồng bằng ngập lũ, mô hình được Bộ đánh giá rất cao, hiện đang nghiên cứu triển khai rộng ra các tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Quảng Trị và Quảng Nam).
Được biết, các tỉnh trên đang triển khai Dự án Quản lý rủi ro thiên tai được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA). Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng một khuôn khổ toàn diện về quản lý rủi ro thiên tai. Trong khuôn khổ Hợp phần 4 - Dự án Quản lý Rủi ro Thiên tai, việc lập mô hình thủy lực của các đồng bằng ngập lũ ven biển tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị và Quảng Nam đang được thực hiện. Tại các tỉnh, công tác lập mô hình do các đơn vị tư vấn trong nước thực hiện. Tại Hội thảo, các đơn vị đã tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của Quảng Ngãi từ quá trình thực hiện, đào tạo, chức năng quản lý, sử dụng và phát triển mô hình. Đại diện tỉnh Quảng Nam khẳng định mô hình này rất hay và hiệu quả, cần phải triển khai rộng ra các tỉnh vùng lũ. Quảng Nam hàng năm cũng chịu ảnh hưởng nặng nề về lũ trên các sông lớn như sông Vu Gia, sông Thu Bồn. Xây dựng mô hình trong tương lai sẽ giúp Quảng Nam tăng cường biện pháp cảnh báo, chủ động quản lý diễn biến lũ sớm, giảm thiểu những thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình trên tại các tỉnh sẽ gặp một số trở ngại như nguồn vốn, công tác đào tạo, cơ chế chính sách, quy trình thực hiện, chuyên gia tư vấn... nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, đơn vị liên quan trong việc giải quyết kịp thời những vướng mắc để mô hình thực hiện tại các tỉnh đạt hiệu quả cao nhất.
Nguồn: mard.gov.vn
Ý kiến góp ý: