TextBody
Huy chương 2

Hiệu quả từ một dự án quản lý tưới có sự tham gia

23/03/2010

Trước đây, khi chưa có nước, đời sống của người nông dân rất vất vả, khó khăn. Do hầu hết ruộng ở đây có chân đất chua phèn, cây lúa trồng xuống không sống nổi, tỷ lệ lúa chết cao. Chi phí công xá cho một sào ruộng rất lớn: công tát nước, làm cỏ, bỏ phân, đấy là chưa kể đến nỗi khổ đêm hôm phải đi chầu chực nước, hàng ngày phải đối phó với chuột bọ, sâu bệnh phá hại. Từ khi có nước về, không còn cảnh nơi khô chỗ úng, đất được thau chua rửa mặn, cây lúa đã sống tốt, sống khỏe

Tất cả là nhờ có sự hợp tác với tổ chức JICA của Nhật Bản trong đó có dự án “Tăng cường năng lực có sự tham gia của người dân thông qua Viện Khoa học Thủy lợi nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp ở Việt Nam”. Dự án được thực hiện trong 5 năm (2005 - 2010) với mục tiêu thúc đẩy quản lý tưới có sự tham gia (PIM) và cải thiện sản xuất nông nghiệp về sản lượng và chi phí thông qua nâng cao năng lực của các nông dân điển hình và các kỹ sư thủy lợi trong khu thí điểm. Khu vực dự án bao gồm 26 tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng với ba khu thí điểm: 2 ở Hải Dương và 1 ở Quảng Ninh. Người được hưởng lợi là các kỹ sư của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh, UBND huyện, xã, công ty, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi, cán bộ của Hội dùng nước, nông dân điển hình ở khu thí điểm.  

Thực tế trong những năm qua cho thấy, người nông dân vất vả trên đồng ruộng một nắng hai sương nhưng nhận thức về sử dụng và bảo vệ nước, bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi vẫn còn hạn chế. Khi còn phải đóng thủy lợi phí họ nghĩ rằng: tiền mình đã đóng, mình sử dụng nước nhiều hay ít cũng không thay đổi gì. Khi nhà nước có chính sách miễn thủy lợi phí họ vẫn sử dụng nước theo nhu cầu của bản thân vì nghĩ rằng tiết kiệm hay không tiết kiệm nước cũng không ảnh hưởng đến ai. Tình trạng tranh chấp nước, đục phá cống xảy ra thường xuyên. Chính vì vậy rất cần nâng cao nhận thức cũng như tăng cường năng lực cho cán bộ và người dân địa phương để nâng cao hiệu quả tưới. Có thể nói dự án đang từng bước thay đổi những tập quán đã ăn sâu trở thành thâm căn cố đế trong lòng người nông dân. Để nâng cao năng lực quản lý thủy lợi có sự tham gia của người dân thì việc tuyên truyền cho người dân là hết sức quan trọng. Theo kết quả điều tra gần đây, ở Yên Đông, có tới 80% người dân biết đến dự án tưới của JICA. Với người dân ở những vùng quê nghèo trong các khu thí điểm của dự án này,  trước đây, việc hàng tháng được tham gia các cuộc họp định kỳ, các hội nghị, hội thảo, được gặp các cán bộ quản lý, gặp các nhà khoa học, các chuyên gia là điều không tưởng. Giờ đây, họ được đào tạo, được bàn bạc thống nhất quy trình vận hành, quản lý kênh và được trực tiếp tham gia cấp nước tưới cho đồng ruộng của mình.

Người dân rất vui mừng và tâm đắc khi được tham gia các khóa đào tạo của dự án. Bác Lộc cho biết: “Nếu biết khi tham gia các khóa đào tạo sẽ học được những kiến thức thiết thực cho nông dân thế này thì tôi đã rủ cả bà xã đi cùng”

Không còn thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp phân phối nước, ở Yên Đông ý thức bảo vệ công trình thủy lợi đã tăng lên rõ rệt. Ngoài việc thành lập ra những tổ chuyên bảo vệ kênh mương, bầu ra các cán bộ nông giang, người dân đang dần xây dựng nên quy chế bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, có chế tài thưởng phạt rõ ràng, nhẹ thì phải bồi thường, nặng thì đưa ra pháp luật xử lý. Chính vì vậy, hiện tượng đục, phá kênh, vất rác trên lòng kênh đã giảm hẳn. Người nông dân xác định, kênh mương này là của họ, việc gìn giữ, duy tu, bảo dưỡng là phục vụ cho lợi ích chính mình. Do đó, diện tích đất trồng màu, trồng cây vụ đông tăng. Ngoài lúa, bà con còn phát triển trồng cây hoa màu khác như cây ngô, dưa, hành và cây su hào. Hệ số sử dụng đất tăng 7,5% so với trước. Năng suất cây lúa ở Yên Đông tăng bình quân 7-10%. Diện tích lúa cao sản tăng 90%. Ngày công lao động giảm, như công làm cỏ giảm 480 nghìn đồng/sào/năm, công làm đất cũng nhẹ đi rất nhiều. Do được tập huấn, được chủ động điều chỉnh nước, nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn trồng lúa có chất lượng cao. Như trước đây lúa phải cấy 4 giảnh, giờ chỉ cần cấy 2 giảnh, tiết kiệm được chi phí cho giống lúa. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Yên Hưng cho biết: Có nước và thực hiện tốt vận hành quản lý tưới sẽ xem xét đưa mô hình giống mới vào địa phương như QRT1, hay áp dụng trồng cây màu như cây khoai lang ruột vàng, ruột tím của Nhật Bản.

Cái được của dự án đã thấy rõ, không chỉ chức năng thúc đẩy PIM được tăng cường tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam mà kỹ sư các công ty khai thác công trình thủy lợi thu nhận được kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm về quản lý nước. Đặc biệt, công tác quản lý nước tại các khu thí điểm do nông dân phụ trách được cải thiện phục vụ tăng năng suất, đa dạng hóa cây trồng. Kế hoạch quản lý tưới có sự tham gia của người dân đã được xây dựng và thực hiện, triển khai. Sổ tay hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng các công trình tưới được xây dựng và thực hiện nghiêm túc.

Ngài Ohira, cố vấn trưởng của dự án cho biết: Nông dân tham gia quản lý thủy nông sẽ là tiền đề để nâng cao mức sống, rất mong mô hình PIM đã thành công ở Yên Đông được nhân rộng ra các xã, các huyện khác…

PGS.TS Nguyễn Thế Quảng, Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Giám đốc của dự án phát biểu: Mong rằng, khi dự án kết thúc, bà con nông dân, các cán bộ nông giang vẫn vận hành và quản lý tốt hệ thống thủy nông nhờ thực hiện nghiêm túc sổ tay hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng các công trình tưới.

Tỉnh Thanh 

Ý kiến góp ý: