Hồ chứa nước Bản Mồng - Đại thuỷ nông đa tác dụng
31/05/2010
Với dung tích thiết kế 235 triệu m3, công trình hồ chứa nước Bản Mồng là một trong những công trình đại thủy nông lớn nhất Bắc miền Trung, vừa có khả năng giảm cắt lũ hạ du, giải khát cho hàng ngàn ha đất và hàng vạn hộ dân 2 bên bờ sông Hiếu vừa mang lại một miền khí hậu lý tưởng và dòng điện cho miền Tây xứ Nghệ...
Ông Trần Mạnh Tuấn, Trưởng Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thuỷ lợi 4 (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Thai ngén cách đây hơn vài thập kỷ, mãi đến tháng 1 năm 2006, Chính phủ mới chính thức đồng ý cho phép Bộ Nông nghiệp lập dự án đầu tư công trình hồ chứa nước Bản Mồng. Một số người nói vui mà thật: hồ chứa nước Bản Mồng "con to, khó đẻ". Theo quyết định phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đập đầu mối hồ chứa nước Bản Mồng được xây dựng trên dòng sông Hiếu thuộc địa phận bản Mồng xã Yên Hợp (Quỳ Hợp), cách Quốc lộ 48 khoảng 3 km.
Đây là một trong những công trình thuỷ lợi trọng điểm, nằm trong chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An theo Quyết định 147/CP của Chính phủ, có tổng vốn đầu tư 4.455 tỷ đồng, mang nhiều ý nghĩa về kinh tế- xã hội to lớn nên được Chính phủ cho phép lấy nguồn huy động trái phiếu Chính phủ để xây dựng và giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND tỉnh Nghệ An đồng làm chủ đầu tư.
Nhiệm vụ chủ yếu của công trình giai đoạn 1 là cấp nước tưới cho 18.871ha đất nông nghiệp ven sông Hiếu đang bị hạn hán nghiêm trọng để phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá, thâm canh, năng suất, hiệu quả cao. Trong đó tưới tự chảy 2.713ha, còn lại tưới động lực bằng hệ thống các trạm bơm và hệ thống kênh được xây dựng dưới đập đầu mối trải dài theo hai bờ sông. Đồng thời công trình còn có chức năng quan trọng là nơi tạo nguồn cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt với lưu lượng 22m3/s, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh, chăn nuôi, phát triển nuôi trồng thuỷ sản và cải tạo môi trường trong vùng dự án.
Các địa phương được hưởng lợi trực tiếp là các huyện miền núi gồm: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thái Hoà. Ngoài ra công trình còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng chinh phục thiên tai bằng việc cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu và sông Cả, góp phần bảo vệ an toàn tài sản tính mạng của nhân dân trong mùa mưa lũ và sản xuất điện với công suất 42MW để hoà vào mạng lưới điện quốc gia, chống thiếu hụt trầm trọng điện hiện nay.
Qua xem xét đánh giá của các nhà chuyên môn, công trình hồ chứa nước Bản Mồng là một trong những công trình đại thuỷ nông do các đơn vị TƯ, địa phương đầu ngành tham gia quy hoạch, khảo sát, thiết kế qua nhiều lần hội thảo đã chọn được phương án thi công khá tối ưu. Khác với các phương án nêu ra trước, phương án thi công thì hiện nay chỉ đặt xây dựng cốt cao trình đập chính 76,4 mét, dung tích đạt 235 triệu mét khối.
So với Vực Mấu- hồ lớn nhất tỉnh (dung tích75 triệu m3) hiện nay thì Bản Mồng có sức chứa nước gấp hơn 3 lần. Mặc dù thấp hơn phương án ban đầu 7 mét nhưng vẫn đảm bảo phát huy tối đa chức năng công trình và đặc biệt có ưu điểm giảm được vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng xuống còn 4.455tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 2.307tỷ đồng, chi phí cơ khí thiết bị 462 tỷ, chi phí đền bù di dân tái định cư 860 tỷ, chi phí quản lý dự án và chi phí khác 207 tỷ, dự phòng 618 tỷ đồng.
Điều đáng nói với phương án này, hiệu quả kinh tế - xã hội tăng cao, Quốc lộ 48 vẫn giữ lại được và số hộ phải di dời ra khỏi lòng hồ ít (chỉ 1200 hộ di dời, trong khi phương án cũ 3500 hộ); thị trấn Quỳ Châu đã thoát được nguy cơ ngập chìm trong lòng hồ.
Đại thuỷ nông Bản Mồng được phân thành 4 hợp phần: đầu mối, hệ thống kênh lấy nước trực tiếp từ hồ chứa do BQL đầu tư và xây dựng Thuỷ lợi 4 phụ trách; Hợp phần xây dựng các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu và hệ thống kênh kèm theo công trình; Hợp phần đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư; Hợp phần 4 về công trình thuỷ điện do Tổng công ty Cơ điện, xây dựng nông nghiệp và thuỷ lợi đầu tư theo Công văn số 388/TTg ngày 28/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư dự án, tỉnh ta đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT làm tốt các bước chuẩn bị đẩy nhanh triển khai dự án. Các địa phương cũng đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ban quản lý dự án Bản Mồng đã vượt lên nhiều khó khăn bám sát các địa phương, hiện trường thu thập tài liệu liên quan phục vụ cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và đến nay đã thu hồi mặt bằng công trình đầu mối, bãi tập kết vật liệu nhà điều hành, đường thi công công trình. Ban Quản lý đầu tư xây dựng thuỷ lợi 4 vào cuộc khá khẩn trương cắm mốc định vị mức nước ngập, thông tuyến đường thi công, dọn mặt bằng. Tất cả đang sẵn sàng cho thời khắc phát lệnh khởi công công trình đại thuỷ nông thế kỷ.
Nguồn: baonghean điện tử
Ý kiến góp ý: