Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, kết quả đàm phán Dự án “Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” vừa được phê duyệt.
Dự án có vốn đầu tư hơn 210 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 160 triệu USD nhằm cải thiện điều kiện sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cho 120.000 ha; cải thiện giao thông thủy và bộ thông qua việc khôi phục và cải tạo một số kênh, cống và đường giao thông nông thôn; tăng khả năng tiếp cận nước sạch đến khoảng 80.000 hộ; giảm nguy cơ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp do sự xâm nhập mặn của nguồn nước thuộc địa bàn các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, TP Cần Thơ.
Từ năm 2003 đến năm 2010, toàn vùng ĐBSCL đã huy động trên 4.600 tỉ đồng xây dựng các công trình kiểm soát lũ, hoàn thành 35 công trình thủy lợi, 20 công trình kiểm soát lũ ở vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, kè sông Xà No (TP.Vị Thanh, Hậu Giang) dài hơn 30km, các dự án chống ngập các TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No, Quản Lộ-Phụng Hiệp; hoàn thành nạo vét 2.000km kênh, xây dựng hơn 754km đê sông, biển. Nhiều công trình thủy lợi đã phát huy tác dụng, diện tích khai hoang, tăng vụ được mở rộng. Các tuyến dân cư dọc bờ kênh các vùng ngập sâu đã xây dựng nền nhà vượt lũ an toàn cho dân. Một số dự án thủy lợi lớn thuộc vùng bán đảo Cà Mau, nam Măng Thít có tác dụng quan trọng, gắn ngọt hóa với việc nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ. Nhiều cụm, tuyến dân cư thành đô thị nông thôn mới, mang lại hiệu quả thiết thực, lâu dài, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương trong vùng. Đến cuối năm 2010, đã tôn nền và đắp bờ bao khu dân cư có sẵn 798 dự án, đạt 100%; xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đạt 92%.
Hiện úng lụt tại ĐBSCL đã giảm nhẹ, k hả năng thoát lũ tăng nhanh hơn , đạt mức 6.000 m3/ giây ra sông Tiền, 3000 m3/ giây ra sông Vàm Cỏ, 4700 m3/ giây ra biển Tây . L ũ đầu vụ chậm đi 30 ngày, độ sâu ngập lụt đầu vụ giảm 30 – 50 cm, độ ngập sâu chính vụ giảm từ 20 – 25 cm, thời gian ngập lụt cao giảm khoảng 45 ngày . So với năm 1996 (chưa có các công trình thuỷ lợi), diện tích canh tác lúa tăng trên 300.000 lượt ha, năng suất lúa bình quân tăng từ 43,4 tạ lên 50 tạ/ ha, sản lượng lúa tăng gần 3 triệu tấn/ năm. Sản xuất vụ lúa hè thu và đông xuân hàng năm ổn định. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng gần 7% mỗi năm, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác tăng 12,2% năm . Tại Đồng Tháp Mười, các công trình thủy lợi đã giúp ngăn lũ tràn biên giới, giúp thoát lũ theo sông Tiền và Vàm Cỏ Tây, chủ động ngăn lũ đầu vụ, hạn chế nước lũ từ Campuchia tràn sang; điều tiết một phần lũ ra phía sông Vàm Cỏ đồng thời lấy nước lũ chứa nhiều phù sa từ sông Tiền để tăng độ phì cho đất, đảm bảo an toàn cho việc thu hoạch lúa hè thu; tăng khả năng thoát lũ, giảm độ sâu ngập lũ chính vụ, đồng thời ngăn lũ cuối vụ để xuống giống lúa đông xuân kịp thời vụ. Các công trình tại Tứ giác Long Xuyên đã giúp cơ bản kiểm soát lũ tháng 8, hạ mực nước lũ chính vụ, làm chậm đỉnh lũ, điều tiết một phần nước lũ ra biển Tây để cải tạo môi trường nước và đất, đồng thời nhận nước phù sa, nguồn thủy sản từ sông Hậu vào vùng này, quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp nước tưới vụ lúa hè thu và đông xuân. Các công trình thủy lợi còn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 10 triệu người .
Theo TTXVN