TextBody
Huy chương 2

Hội nghị Biến đổi khí hậu đối mặt với bão Haiyan

18/11/2013

Diễn ra ngay sau siêu bão Haiyan càn quét Philippines, kỳ họp thường niên của Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan (COP -19) đã bị phủ mây đen u ám. Hơn bao giờ, thiên tai – một hệ quả trực tiếp của quá trình biến đổi khí hậu mà con người là tác nhân chính – đang đặt ra nhiều câu hỏi cho diễn đàn vốn lâu nay đối mặt với tình trạng bế tắc chồng bế tắc này.

 

 

 

 

Số liệu mới nhất của Hội đồng Quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia Philippines (NDRRMC) xác nhận số nạn nhân thiệt mạng trong siêu bão Haiyan đã tăng lên 3.633 người, 1.179 người vẫn mất tích và ít nhất 12.487 người bị thương. Theo cơ quan trên, cơn bão Haiyan đổ bộ vào nước này ngày 8.11 vừa qua đã làm gần 2 triệu người bị mất nhà cửa và ảnh hưởng đến khoảng 9 triệu người tại  hơn 9.000 ngôi làng ở 44 tỉnh. Tổng cộng hiện có 86.909 gia đình vẫn đang phải sống tạm bợ tại 1.142 trung tâm sơ tán sau khi cơn bão phá hủy hoàn toàn hơn 160.000 ngôi nhà và làm hư hại 126.386 ngôi nhà. Đây chỉ là một phần nhỏ của bức tranh tổng thể cho thấy sự nhỏ bé của con người trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Trong khi đó, con người lại là một trong các tác nhân chính gây nên những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Giáo sư chuyên ngành khí tượng Kerry Emanuel đến từ Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ nhận định hầu hết các thảm họa thiên nhiên đều có sự “đóng góp” lớn của 2 yếu tố, đó là con người và thiên nhiên. Theo ông chính vị trí địa lý, đặc điểm khí tượng học, tình trạng đói nghèo, cơ sở vật chất yếu kém, dân số bùng nổ cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu trên Trái Đất đã khiến Philippines trở thành quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các trận bão.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng hành động phá hoại môi trường của con người cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, khiến các hiện tượng thiên nhiên diễn biến ngày càng phức tạp và các cơn bão nhiệt đới ngày càng nguy hiểm và xuất hiện với tần suất cao hơn. Ở trường hợp của Philippines, hiện tượng nóng lên của Trái Đất cũng khiến mực nước biển nước này tăng hơn 1cm trong vòng 20 năm qua, tăng gấp ba lần mức tăng trung bình của toàn cầu, khiến nước này có nguy cơ bị bão lũ nghiêm trọng tấn công. 

Những sự kiện này đã tạo thêm sức ép để các nước tham dự COP - 19 năm nay phải tìm giải pháp cho tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng hiện nay. Hội nghị đã tập hợp các phái đoàn đến từ 195 nước tham gia Công ước Khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCC), cơ sở của Nghị định thư Kyoto 1997.  Tuy nhiên, việc hội nghị này có đưa ra được một cam kết chung cho vấn đề toàn cầu ngày càng quan trọng này hay không vẫn đang gây không ít nghi ngại cho giới quan sát, mà nguyên nhân cơ bản xuất phát từ sự khác biệt lớn về lợi ích của các bên tham gia.

COP - 19 rất quan trọng bởi chỉ còn hai năm nữa sẽ diễn ra COP - 21 tại Paris, thời điểm chính phủ các nước sẽ phải nhất trí về một thỏa thuận toàn cầu bắt buộc về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế hiện tượng Trái Đất nóng lên thay thế Nghị định thư Kyoto. Song, “bế tắc” luôn là động từ đeo đẳng các hội nghị này. Các cuộc họp về tình trạng biến đổi khí hậu đã diễn ra từ những năm 90 thế kỷ trước nhưng luôn rất khó khăn để đạt được sự đồng thuận mặc dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang ngày càng tăng. Trở ngại chính trong cuộc đàm phán xuất phát từ những lợi ích kinh tế của các bên tham gia. Các nhà lãnh đạo cẩn trọng trong vấn đề thuế thải carbon vì vấn đề này không khác gì cú đánh đối với giới kinh doanh và tin xấu cho người tiêu dùng. Dấu hiệu rõ ràng về sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là sự thất bại của Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) khi không nhận được sự cam kết chắc chắn từ các nhà tài trợ chính trong cuộc họp Hội đồng Quản trị GCF tại Paris hồi tháng trước.

Ngay cả khi không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác, các nhà đàm phán cũng phải tận dụng COP - 19 để đạt được một thỏa thuận, ít nhất là thu hẹp bất đồng quan điểm giữa các nước, phải nhận thức được rằng thế giới đang ở đâu và cần phải hành động như thế nào để ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Theo daibieunhandan

Ý kiến góp ý: