Hội nghị chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ
30/01/2015Ngày 27/1/2015, tại thành phố Phan Rang tỉnh Ninh Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và triển lãm công ghệ phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng chủ trì Hội nghị.
Tình hình lượng mưa, dòng chảy của năm 2014 bị thiếu hụt dẫn đến tình hình thiếu nước phục vụ sản xuất và dân sinh của nhiều tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ, Tây nguyên và Đông Nam Bộ. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, tình hình thời tiết, lượng mưa năm 2015 có thể bị thiếu hụt, công tác thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh có thể gặp khó khăn. Chính vì vậy, để đảm bảo việc cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh cũng như hiện thực hóa mục tiêu nâng cao hiệu quả ngành thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và triển lãm công nghệ phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận; đại diện lãnh đạo và chuyên viên của Tổng Cục Thủy lợi, Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, Tập đoàn điện lực Việt Nam, đại diện các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình và các doanh nghiệp khoa học công nghệ tham gia triển lãm. Về phía địa phương có lãnh đạo và chuyên viên của các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi, Trung tâm khuyến nông, Ban Quản lý cơ sở hạ tầng... của 19 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt, đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch Tổng hợp và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Viện.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng mong muốn các đại biểu tại Hội nghị cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp đồng bộ như giải pháp về quy hoạch, thể chế chính sách, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông… nhằm đảm bảo việc cấp nước, sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là khả năng nhân rộng của các công nghệ này để tạo động lực cho việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe 07 báo cáo tham luận của các đại biểu đến từ Tổng Cục Thủy lợi, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Cục trồng trọt, Tập đoàn điện lực Viện Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.... và đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị về các giải pháp và ứng dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng đã đánh giá lại tình hình hạn hán và các giải pháp phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, trình bày những quan điểm về chống hạn gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu thủy lợi và trình bày chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong vấn đề thủy lợi. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự cố gắng của các địa phương trong việc chủ động phòng chống hạn hán, đã huy động được tất cả lực lượng như lực lượng vũ trang, lực lượng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương qua Hội nghị cần rút ra bài học kinh nghiệm của chính địa phương mình; Tổng Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn điện lực Việt Nam trong việc điều tiết nước, đánh giá nhu cầu sử dụng nước, xây dựng các kịch bản, chương trình hành động và cơ chế phối hợp cụ thể. Bên cạnh đó, các giải pháp tuyên truyền, truyền thông cần được tiếp tục đẩy mạnh nhằm tác động mạnh mẽ đến người dân để người dân quan tâm đến hệ thống thủy lợi trước hết bằng những hành động như nạo vét kênh mương, đắp lại hệ thống kênh mương, tham gia vào các tổ chức hợp tác dùng nước; tăng cường củng cố các tổ chức quản lý thủy nông.....
Ý kiến góp ý: