Hội nghị góp ý sửa đổi bổ sung Nghị định 40 và Nghị định 87
29/08/2019Để triển khai kế hoạch xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 40 ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học công nghệ và Nghị định 87 ngày 22/9/2014 của Chính phủ về việc thu hút cá nhân hoạt động khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam, ngày 27/8 tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội nghị góp ý sửa đổi bổ sung Nghị định 40 và Nghị định 87.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương về thu hút và tập hợp đội ngũ tri thức, cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học có trình độ cao. Trong khi đó, phải kể đến Nghị định 40 về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định 87 về thu hút cá nhân hoạt động khoa học công nghệ, là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài đang tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam. Sự ra đời của 02 Nghị định có ý nghĩa to lớn, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, thu hút nhân lực khoa học công nghệ, động viên khích lệ các cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, quá trình triển khai các Nghị định còn tồn tại một số hạn chế và vướng mắc vì vậy để 02 Nghị định có thể ngày càng hoàn thiện hơn, áp dụng đồng bộ vào thực tiễn, Bộ Khoa học Công nghệ đã tổ chức Đoàn công tác lấy ý kiến góp ý trực tiếp cho nội dung sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 40 và Nghị định 87 và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vinh dự được lựa chọn là địa điểm để tổ chức Hội nghị. Tham dự Hội nghị, về phía đơn vị chủ trì Bộ Khoa học và Công nghệ có , PGS.TS. Trần Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bà Phạm Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cùng các chuyên viên của Vụ Tổ chức cán bộ. Về phía đơn vị tổ chức Hội nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Ông Ngô Hồng Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ; PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Về phía khách mời có Ông Đỗ Viết Minh - Chuyên viên cao cấp Vụ công chức viên chức Bộ Nội vụ; Ông Lê Đại Hải - Phọ Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Dân sự và kinh tế - Bộ Tư pháp. Về đại biểu tham dự gồm có: lãnh đạo và đại diện các chuyên viên của 16 các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch Tổng hợp, Tổ chức Hành chính thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Tại Hội nghị, Ông Ngô Hồng Giang - chuyên viên cao cấp - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực và quản lý Nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai và phát triển nông thôn. Với lĩnh vực quản lý đó, Bộ NN&PTNT có 03 Viện được xếp hạng đặc biệt, 08 Viện nghiên cứu chuyên ngành, 05 Viện điều tra và quy hoạch. Ngoài ra Bộ NN&PTNT còn có 04 Trường Đại học trong đó có 03 Trường Đại học và 01 Học Viện. Các đơn vị trực thuộc Viện đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Để hướng dẫn chính sách trọng dụng và sử dụng các cá nhân hoạt động khoa học công nghệ, Bộ NN&PTNT đã thành lập Hội đồng xét đặc cách thăng hạng chức danh nghiên cứu khoa học và công nghệ không qua thi thăng hạng, không tính năm công tác, cụ thể Bộ NN&PTNT đã xét 04 đợt cho các Viện thuộc Bộ NN&PTNT, kết quả đã xét 225 NCV để thăng hạng không qua thi, không tính năm công tác, trong số đó đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xét 208 NCV thành NCVC. Bộ NN&PTNT cũng thực hiện đồng thời Nghị định 141 cùng với Nghị định 40. Từ năm 2015 - 2018, đối với các công chức viên chức các Viện nghiên cứu khoa học, sau khi được Bộ Nội vụ và Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định Hồ sơ đã có 59 công chức viên chức được bổ nhiệm NCVCC hạng 1. Toàn cảnh Hội thảo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Ông Ngô Hồng Giang cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ đặc biệt là sự đóng góp của những người làm công tác khoa học công nghệ trong suốt thời gian vừa qua. Ông cho rằng 02 Nghị định này là một hình thức tôn vinh cho cán bộ khoa học và công nghệ, trong đó có khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do vậy Ông hy vọng các đại biểu tại Hội nghị sẽ trao đổi thảo luận những khó khăn, vướng mắc, thuận lợi và không thuận lợi khi áp dụng vào thực tế Nghị định 40 và Nghị định 87 tại đơn vị mình. PGS.TS. Trần Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay việc vận dụng Nghị định 40 đã có hiệu quả cụ thể và Nghị định 87 đã và đang triển khai, tuy vậy 02 Nghị định này khi triển khai còn gặp một số hạn chế như Nghị định 40 liên quan đến vấn đề đặc cách trong tuyển dụng; đặc cách được thăng hạng không qua thi và không tính năm công tác; liên quan đến việc phong học hàm GS, PGS và thăng hạng NCVCC hạng 1 của các đơn vị nghiên cứu khoa học; cách xác định điều kiện tính điểm; điều kiện để trở thành nhà khoa học đầu ngành; cơ chế để hưởng quyền lợi đối với các nhà khoa học trẻ… hay Nghị định 87 về cơ chế, điều kiện làm việc đối với cá nhân hoạt động khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài. Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết trong quá trình triển khai, vận dụng Nghị định 40, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vinh dự là đơn vị đầu tiên trong Bộ NN&PTNT và cũng là đơn vị đi đầu về nâng lực vượt bậc. Viện đã có những đề xuất, thuyết minh nhằm tạo điều kiện, môi trường làm việc… cho các cán bộ nghiên cứu khoa học. Tuy Viện trong những năm gầy đây, những cán bộ khoa học là GS, PGS, TS đều được hưởng chế độ đặc cách theo Nghị định 40 và các thông tư hướng dẫn liên quan nhưng việc cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực chất lượng cao và việc chảy máu chất xám là những vấn đề Viện đã và đang phải đối mặt. Do vậy qua Hội thảo này, Viện mong muốn phía Bộ có hướng dẫn về vấn đề tuyển dụng, tạo điều kiện, cơ chế đãi ngộ hay có tiêu chí cụ thể để Viện có thể tuyển dụng, thu hút được những nhà khoa học tài, giỏi.
Ý kiến góp ý: