Hội nghị Khoa học chào mừng kỷ niệm 55 năm xây dựng và phát triển Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
13/11/2014Sáng ngày 12/11/2014, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội nghị Khoa học chào mừng 55 năm thành lập Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vô cùng vinh dự được đón Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh, các cán bộ nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Hồng Giang, Vũ Trọng Hồng, Đào Xuân Học; đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ; đại diện Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi, Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 2; đại diện Cơ quan kiểm toán Nhà nước; đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Sơn La, Nam Định, Hải Dương, Hòa Bình; đại diện Ngân hàng Thế giới, Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD); đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Địa Lý trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đại diện Tổng Công ty tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam; đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Dầu Tiếng-Phước Hòa; đại diện lãnh đạo Trường Đại học Thủy lợi, đại diện Hội Thủy lợi, Hội Đập lớn, Hội Tưới tiêu Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có Ban Giám đốc, các cán bộ nguyên lãnh đạo Viện qua các thời kỳ, các cán bộ khoa học lão thành, các cán bộ khoa học của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong nhấn mạnh: Đi cùng các giai đoạn lịch sử của dân tộc, từ thời kỳ chiến tranh chia cắt đất nước đến thời kỳ đất nước thống nhất hay thời kỳ đổi mới, Viện luôn xác định cho mình những trách nhiệm lớn lao để có được những đóng góp khoa học công nghệ thủy lợi quan trọng cho sự phát triển của đất nước, sự no ấm của nhân dân.
Những năm gần đây trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều nghiên cứu của Viện đã tập trung vào việc xây dựng cơ sở khoa học về những giải pháp khoa học công nghệ nhằm ứng phó và giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu thông qua những nghiên cứu mang tính thực tiễn và đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt bám sát những chủ trương lớn của Bộ, của ngành trong việc triển khai thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng và phát triển nông thôn mới; tái cơ cấu ngành thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các hoạt động khoa học công nghệ của Viện đã tập trung mạnh vào một số hướng nghiên cứu trọng tâm trên cơ sở kế thừa các thế mạnh mà nền tảng khoa học của Viện đã được xây dựng trong suốt 55 vừa qua. Được biết, việc thực hiện tốt những nhiệm vụ trong giai đoạn mới với nhiều thách thức, khó khăn nhưng cũng có nhiều cơ hội và thuận lợi, góp phần cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn hiện đại và nền kinh tế của đất nước
Hội nghị khoa học kỷ niệm 55 thành lập Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là dịp thể hiện, đánh giá các kết quả hoạt động khoa học công nghệ của Viện. Đồng thời, tại Hội nghị này, Viện mong nhận được những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những góp ý, trao đổi của các đại biểu, các nhà khoa học cho định hướng phát triển Viện nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ, vai trò của Viện trong sự nghiệp phát triển của Bộ, của Ngành và của đất nước, từng bước nâng cao vị thế của Viện trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam Q. Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt đã báo cáo kết quả hoạt động khoa học công nghệ của Viện giai đoạn 2009 - 2014
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Viện luôn bám sát chiến lược của ngành, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình trọng điểm của Bộ và nhu cầu thực tế để đề xuất và thực hiện các đề tài, dự án khoa học có ý nghĩa thực tế, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nắm bắt những chủ trương lớn trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Chính phủ phê duyệt tháng 6/2013, Đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi được Bộ phê duyệt tháng 4/2014, hoạt động khoa học công nghệ của Viện đã tập trung xác định một số hướng nghiên cứu trọng tâm, bước đầu cho thấy những kết quả của các nghiên cứu theo định hướng trên là rất thiết thực và được đánh giá cao.
Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Viện đã thường xuyên nhận được sự giúp đỡ, quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, các cơ quan quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan ban ngành ngoài Bộ. Viện đã kế thừa, học hỏi và phát huy truyền thống từ các thế hệ trước, tập thể lãnh đạo, cán bộ của Viện luôn đoàn kết, sáng tạo, mạnh dạn, vượt qua nhiều thử thách khó khăn. Viện đã tổ chức huy động tổng hợp nguồn lực hiện có để triển khai tốt các nhiệm vụ được giao.
Viện đã thực hiện hàng trăm đề tài, dự án khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước, tỷ lệ đề tài, dự án có kết quả ứng dụng vào sản xuất, đời sống là 40%. Với tiềm năng, vị thế, uy tín của Viện ngày một cao, tỷ lệ thắng thầu chủ trì của các đề tài dự án đạt trên 80%. Kết quả nghiên cứu khoa học của Viện trong thời gian qua đã phục vụ đắc lực cho rất nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước, của ngành và của Bộ như lĩnh vực nghiên cứu phục vụ quy hoạch khai thác bảo vệ tài nguyên nước; cấp nước; chỉnh trị sông, bảo vệ bờ biển, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; Tưới cho lúa và cây trồng cạn; công nghệ xây dựng và bảo vệ công trình thủy lợi; thiết bị cơ điện chuyên dùng thủy lợi; công nghệ thông tin, tự động hóa và phần mềm; kinh tế, chính sách; hợp tác với các tổ chức quốc tế về nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ.
Bên cạnh các kết quả hoạt động khoa học công nghệ đã đạt được, Q. Giám đốc Viện cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm của Viện trong thời gian tới như Viện cần đáp ứng kịp thời những thách thức và yêu cầu mới, đó là thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội ở thượng nguồn, hạ du các lưu vực sông; các bất cập tồn tại hiện nạy của hệ thống công trình thủy lợi và yêu cầu mới của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi và tổ chức thực hiện
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã phát biểu chúc mừng các nhà khoa học, các cán bộ công nhân viên chức Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhân dịp 55 năm thành lập Viện và đánh giá rất cao những thành tựu đã đạt được và những đóng góp to lớn, đa dạng của Viện trong sự nghiệp phát triển Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, sự tham gia tích cực của Viện vào việc xây dựng và triển khai các nội dung của Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi và những nội dung và phương hướng đề ra trong báo cáo. Bộ trưởng nhấn mạnh: 55 năm là một chặng đường dài, Các thế hệ đi trước đã luôn nỗ lực xây đắp để hôm nay trở thành Viện nghiên cứu lớn mạnh, mang tầm cỡ quốc gia, từng bước hội nhập quốc tế. Bước sang giai đoạn mới, trách nhiệm của Viện là làm cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam lớn mạnh hơn nữa, hoạt động hiệu quả hơn nữa, có đóng góp nổi bật cho các nỗ lực to lớn của toàn ngành về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là phải có những thay đổi căn bản, thay đổi những yếu tố có tính chất cơ cấu để tạo điều kiện cho nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả cao hơn, hướng tới nâng cao nhanh hơn phúc lợi của người dân, mà trước hết là nông dân bao gồm cách tiếp cận, thể hiện qua đường lối chiến lược, hệ thống chính sách và luật pháp; hệ thống tổ chức sản xuất; hệ thống quản lý nhà nước, nguồn nhân lực; hệ thống nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; hệ thống hạ tầng và dịch vụ; hệ thống canh tác và chăn nuôi. Tái cơ cấu ngành thủy lợi rõ ràng là một phần quan trọng của quá trình to lớn này bởi bản thân thủy lợi là phần hết sức quan trọng tạo nên sự khác biệt và những thành công vang dội của nông nghiệp Việt Nam thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Viện làm rõ một số việc cụ thể như Viện phải phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới tư duy thủy lợi không chỉ về kỹ thuật mà cả về tổ chức quản lý; làm sao để Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phải là trung tâm của công nghệ cao và là trung tâm nghiên cứu và tư vấn ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu tại Hội nghị đã tham quan gian hàng triển lãm giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, các công nghệ mới, tiên tiến của các đơn vị trong và ngoài Viện.
Tiếp theo đó, GS.TS. Tăng Đức Thắng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì Hội nghị Khoa học.
Phát biểu tại Hội nghị Khoa học, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện mong muốn các báo cáo tham luận sẽ trình bày chi tiết một số công nghệ, kết quả nghiên cứu điển hình của Viện cũng như giới thiệu một cách đầy đủ hơn các kết quả nghiên cứu, các công nghệ mới của một số đơn vị thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, các kết quả này đã và đang được ứng dụng mang lại hiệu quả lớn trong thực tế sản xuất.
Các đại biểu đã lắng nghe lần lượt 13 báo cáo tham luận về các nội dung như ảnh hưởng của các kịch bản phát triển thượng lưu đến thay đổi dòng chảy, môi trường và kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long; ứng dụng công nghệ viễn thám MODIS trong việc theo dõi sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp phần mềm trong bảo vệ đê biển; các kết quả nghiên cứu trong xây dựng công trình thủy lợi; động lực học sông biển, phòng chống rủi ro thiên tai; quản lý khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước; năng lượng và thiết bị thủy lợi; quản lý kinh tế và cơ chế chính sách thủy lợi.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội nghị, Chủ trì Hội nghị, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam GS.TS. Trần Đình Hòa phát biểu: Hội nghị Khoa học đã được tổ chức thành công, các báo cáo tham luận của các diễn giả cô đọng, hứng thú và rất có giá trị. Thông qua Hội nghị, các đại biểu đã được cung cấp thông tin về nhiều lĩnh vực khác nhau và qua đó các đại biểu thấy rõ hơn những đóng góp của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất, đồng thời thấy rõ hơn những tồn tại và thách thức trong thời gian tới cần phải nỗ lực phấn đấu. Chủ trì Hội nghị cho rằng: Các kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có rất nhiều, do thời gian có hạn, các báo cáo chỉ mới giới thiệu được một cách cô đọng và chung nhất về kết quả nghiên cứu của mình, chưa nêu được chi tiết, cụ thể, đáp ứng được kỳ vọng cũng như mong muốn của tác giả. Tuy nhiên, song song với việc trình bày báo cáo tại Hội thảo, bên lề Hội nghị đã có sự trao đổi thông tin nhiều chiều của các nhà quản lý, các nhà khoa học và các đơn vị địa phương về việc làm thế nào nâng cao kết quả nghiên cứu, nâng cao hiệu quả các sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất, những vấn đề về mối quan hệ giữa ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thị trường.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (KHTLVN) tiền thân là Học viện Thủy lợi - Điện lực được thành lập năm 1959. Sau 55 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng những giai đoạn lịch sử đầy biến động, nhiều khó khăn, nhưng cũng đầy vinh quang của đất nước. Viện KHTLVN đã từng bước phát triển, lớn mạnh và có nhiều đóng góp khoa học và công nghệ quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đó là niềm tự hào, là vinh dự của tập thể cán bộ, lãnh đạo Viện qua nhiều thế hệ. Với mục tiêu xây dựng một Viện Khoa học đầu ngành đủ mạnh nhằm giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho những năm trước mắt và lâu dài của ngành, ngày 10/5/2007, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trên cơ sở sát nhập Viện Khoa học Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Viện KHTLVN được giao những chức năng, nhiệm vụ mới đặc biệt quan trọng, để tham gia trực tiếp và có hiệu quả vào chiến lược phát triển thủy lợi cũng như chiến lược phát triển khoa học của ngành, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Cơ cấu mới tạo cho Viện tổ chức, cơ chế tập hợp được sức mạnh trí tuệ của đội ngũ, cơ sở vật chất để giải quyết những nhiệm vụ lớn của ngành phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức và hợp tác quốc tế sâu rông. Hiện nay, Viện có 17 đơn vị thành viên, trong đó có 03 Ban chức năng, 03 Viện vùng, 06 Viện chuyên đề, 01 Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia, 03 Trung tâm nghiên cứu và 01 Công ty Xây dựng và chuyển giao công nghệ Thủy lợi. Lực lượng cán bộ khoa học, công nghệ hiện nay của Viện là 1150 người trong đó có 03 giáo sư, 28 phó giáo sư, 1 tiến sỹ khoa học, 75 tiến sĩ và 353 thạc sỹ, còn lại là kỹ sư và cử nhân. Viện còn có những cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. |
Ý kiến góp ý: