Hội nghị khoa học công nghệ thủy lợi: 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước (1945-2025)
15/11/2024Ngày 14/11/2024, tại Trường Đại học Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Khoa học và công nghệ thủy lợi với chủ đề "80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước (1945-2025)".
Hội nghị với sự tham gia của 500 đại biểu khách mời. Đây là sự kiện không chỉ đánh dấu cột mốc 80 năm phát triển của ngành, mà còn là dịp tri ân những cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác khoa học của ngành Thủy lợi.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã khẳng định vai trò then chốt của ngành Thủy lợi trong sự phát triển đất nước.
Từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn mình trở thành cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Dự kiến đến cuối năm 2024, sản lượng lúa sẽ đạt 43 triệu tấn, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch dự báo vượt ngưỡng 5 tỷ USD. Thành tựu này là kết tinh của sự phát triển toàn diện hệ thống thủy lợi trên cả nước. Việt Nam đã kiến tạo được mạng lưới công trình đa dạng, bao gồm hàng chục nghìn hồ chứa, trạm bơm, đập dâng và cống đầu mối, cùng hệ thống kênh mương, đê điều trải dài hàng trăm nghìn km như những mạch máu nuôi dưỡng đồng ruộng. Hệ thống thủy lợi không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn đáp ứng đa dạng nhu cầu như: Cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, đô thị, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hỗ trợ giao thông thủy, phát điện, du lịch, tạo cảnh quan. Đây chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Các đại biểu có mặt tại Hội nghị đã được lắng nghe 4 báo cáo chính bao gồm báo cáo đánh giá thành tựu khoa học công nghệ 80 năm ngành thủy lợi do GS.TS. Trần Đình Hòa – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trình bày; Báo cáo thành tựu trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành thủy lợi trong 80 năm qua do GS.TS. Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi trình bày; Báo cáo giải pháp công nghệ mới trong xây dựng công trình thủy lợi do GS. Tetsuya Sumi từ Đại học Kyoto (Nhật Bản) trình bày và TS. Kim Chung-Soo từ Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ xây dựng Hàn Quốc trình bày về hệ thống quản lý thông tin thủy lợi tổng hợp tại lưu vực sông Mã, miền Trung Việt Nam.
Tiếp theo đó Hội nghị đã diễn ra Lễ Tôn vinh 88 tổ chức, cá nhân và công trình xuất sắc, bao gồm 12 tổ chức, 68 cá nhân tiêu biểu về khoa học công nghệ thủy lợi và 8 công trình thủy lợi điển hình về ứng dụng khoa học công nghệ. Đây là lần đầu tiên ngành Thủy lợi tổ chức sự kiện vinh danh này, nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành.
Lễ Tôn vinh 88 tổ chức, cá nhân và công trình xuất sắc, bao gồm 12 tổ chức, 68 cá nhân tiêu biểu về khoa học công nghệ thủy lợi và 8 công trình thủy lợi
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã chỉ ra những thách thức trọng yếu đối với ngành trong thời gian tới, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi từ thủy lợi đi sau sang thủy lợi đi trước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng chỉ đạo việc phát triển hạ tầng thủy lợi cần bám sát Quyết định số 847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là công tác trị thủy sông ngòi và các công trình quy mô lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế.
Toàn cảnh Hội nghị
“Ngoài nguồn lực thì nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó các cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng đầu như Trường Đại học Thủy lợi đã và đang đóng vai trò nòng cốt. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, Ngành được xác định là những nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết những vấn đề lớn của ngành trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Hội nghị không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường 80 năm phát triển của ngành Thủy lợi, mà còn là cơ hội để nhận diện các vấn đề khoa học tương lai, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững ngày càng cao của đất nước.
Ý kiến góp ý: