TextBody
Huy chương 2

Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền Bắc năm 2018

31/05/2018

Để triển khai kết quả Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền Bắc năm 2018 tại Thanh Hóa vào ngày 30/5/2018, nhằm rà soát công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trước mùa mưa lũ năm 2018 đến cấp huyện.

Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Quang Hoài Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai kiêm Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá.

Bên cạnh đó, Hội nghị có sự tham gia của đại diện của Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Tư Lệnh Bộ Đội phiên phòng, Ủy ban Quốc Gia Tìm kiếm cứu nạn và Ứng phó sự cố thiên tai, Bộ Y tế, và đại diện một số bộ ngành liên quan, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam và đặc biệt có sự tham gia của 295 đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc 28 tỉnh, thành phố khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và 03 tỉnh Bắc Trung Bộ là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Đại biểu Trung ương tới dự Hội nghị

Phiên buổi sáng của Hội nghị diễn ra với một số bài tham luận, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn đê điều trước mùa lũ, bão cho các huyện có đê, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai chính trong khu vực như lũ quét, sạt lở đất, bão, áp thấp nhiệt đới và công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng của các cơ quan Trung ương, cụ thể như:

 

- Báo cáo công tác phòng chống thiên tai, đê điều năm 2017. Những vấn đề trọng tâm cần triển khai năm 2018. Trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo quy định pháp luật.

 

- Nhận định xu thế thời tiết thiên và khả năng diễn biến bão, lũ năm 2018 tại khu vực Bắc bộ.

 

- Nhiệm vụ của Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN các cấp và các hoạt động cần triển khai nhằm nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo điều hành trong thời gian tới.


- Một số nội dung, hoạt động chính Chủ tịch UBND cấp huyện cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện trong công tác quản lý đê, hộ đê.

 

- Trách nhiệm của UBND cấp xã trong hoạt động phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập trong mùa mưa lũ.

 

- Công tác thông tin truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống thiên tai; ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 đối với công tác truyền thông, cảnh báo và phòng chống thiên tai.

Các đại biểu lắng nghe các bài báo cáo, tham luận tại Hội nghị

Phiên buổi chiều của Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các tỉnh thành phố chia sẻ kinh nghiệm thực tế, khó khăn vướng mắc trong công tác PCTT tại địa phương như:

 

- Kinh nghiệm về thu, quản lý và sử dụng quỹ PCTT của Hòa Bình. Khó khăn, vướng mắc và giải pháp.

 

- Bài học kinh nghiệm từ công tác ứng phó trận lũ quét đầu tháng 8/2017 tại Mương La, Sơn La và công tác khắc phục hậu quả và phục hồi, tái thiết sau thiên tai tại địa phương, những vấn đề đặt ra và giải pháp.

 

- Sự tham gia của cộng đồng, người dân trong hoạt động phòng chống thiên tai ở cơ sở, kinh nghiệm từ ứng phó lũ quét, sạt lở đất tại huyện Trạm Tấu đầu tháng 8/2017

 

- Công tác chống tràn đảm bảo an toàn tuyến đê sông Lạch Trường trong lũ lớn năm 2017. Bài học kinh nghiệm về công tác chuẩn bị trước mùa lũ, công tác chỉ huy, huy động vật tư nhân lực của UBND huyện Hoằng Hóa.

 

- Lồng ghép công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi trong xác định xã, huyện nông thôn mới.

 

Tại Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền Bắc năm 2018, ông Nguyễn Thành Lệ Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đại diện lãnh đạo Bộ trao bằng khen của Bộ trưởng cho các cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng đê kiểu mẫu.

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài chia sẻ tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, đặc biệt là cấp huyện xã cần đánh giá thực trạng công tác PCTT hàng năm; Tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án PCTT các cấp phù hợp thực tế, đặc biệt trong đó xác định trách nhiệm người đứng đầu các cấp, cá nhân liên quan; Xây dựng kế hoạch thu, chi và sử dụng hiệu quả Quỹ PCTT; Phối hợp với cơ quan quân sự hướng dẫn lực lượng dân quân tự vệ thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng mô hình điểm về lực lượng xung kích ứng phó với thiên tai tại cơ sở mà nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; Xây dựng hệ thống kết nối giao ban trực tuyến giữa VPTT BCĐ TWPCTT và VP BCH PCTT&TKCN cấp tỉnh, huyện; Chỉ đạo ngành giáo dục triển khai chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em; Chương trình phối hợp công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023; Triển khai thực hiện tiêu chí an toàn về phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; Nâng cao năng lực của Văn phòng thường trực; Chú trọng công tác thông tin, truyền thông tới cộng đồng nhất là khu vực miền núi nơi có đặc điểm địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.

Quang cảnh Hội nghị (Nguồn: VTC14)

 

Đặc biệt tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo từng vùng miền:

 

Đối với khu vực miền núi:

 

+ Giao công chức phụ trách giao thông, công chính tổ chức rà soát các khu vực nguy cơ tích trữ hình thành các bọng nước, hồ tự nhiên nguy cơ cao sạt lở đất; tổ chức tuần tra khi xảy ra mưa lớn;

 

+ Kiểm tra, xác định các ngầm tràn, đường giao thông có nguy cơ ngập sâu, cắm biển cảnh báo, tổ chức canh gác khi xảy ra mưa lớn.

 

+ Kiểm tra, nghiêm cấm việc đào các mái dốc gây nguy cơ sạt lở đất.

 

Đối với khu vực đồng bằng:

 

+ Xử lý các vi phạm về đề điều, khai thác cát trái phép;

 

+ Xây dựng phương án, chỉ đạo lực lượng quản lý; tổ chức tuần tra, canh gác, xử lý giờ đầu đối với hệ thống đê điều.

 

+ Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất, nhất là khu vực ven sông, ven biển để không gây cản trở thoát lũ

 

+ Kiểm soát và sẵn sàng phương án đối với các khu vực ngập úng, tắc nghẽn dòng chảy

 

Đối với khu vực ven biển:

 

+ Chỉ đạo nuôi trồng thuỷ sản theo đúng quy hoạch; gia cố, đảm bảo an toàn khi bão xảy ra;

 

+ Phối hợp với ngành thuỷ sản hướng dẫn công tác neo đậu, đảm bảo an toàn tàu thuyền.

 

+ Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sơ tán dân trong tình huống bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, ngập lụt ven biển.

 

+ Tăng cường lắp đặt trang thiết bị theo dõi tàu thuyền và an toàn cho người và phương tiện.

Theo phongchongthientai.vn 

Ý kiến góp ý: