TextBody
Huy chương 2

Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2018

25/07/2018

Ngày 24/7/2018, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực Miền Trung và Tây Nguyên 2018 nhằm tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2017 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.

Tham dự Hội nghị có  các đại biểu đến từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nan, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Tuyên giáo địa phương, Chủ tịch UBND các huyện của 16 tỉnh và thành phố trong khu vực.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện, TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên.

Báo cáo tại Hội nghị về công tác phòng chống thiên tai năm 2017, Ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Trong năm 2017, thiên tai xảy ra khốc liệt và có diễn biến bất thường trong phạm vi cả nước đặc biệt là các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong 03 tháng cuối năm 2017 đã có 02 cơn bão rất mạnh đổ bộ vào miền Trung và 06 đợt mưa lũ lớn diện rộng xảy ra tại các tỉnh từ miền Trung. Ngoài ra, các tỉnh miền Trung cũng phải hứng chịu 14 đợt nắng nóng trên diện rộng, 15 trận dông, lốc, sét và 10 trận động đất. Các loại hình thiên tai trên đã khiến cho 157 người chết, mất tích; 4.055 căn nhà bị đổ, sập, cuốn trôi; 234.667 nhà bị tốc mái, hư hỏng và hơn 172.341 nhà bị ngập và gây tổng thiệt về kinh tế khoảng 31.765 tỷ đồng, chiếm 53% thiệt hại về kinh tế do thiên tai trên cả nước.

Dù vậy, nhờ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong triển khai nhiệm vụ đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở mức thấp nhất; sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chủ động phòng tránh cũng như sự tham gia tích cực của người dân nên đã hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra… Sau thiên tai, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không để người dân bị đói, khát trong đó tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người chết, bị thương; tổ chức hỗ trợ nước uống, lương thực, chăn màn và các nhu yếu phẩm thiết yếu…

Nhận định xu thế thời tiết có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp, báo cáo cũng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 đó là kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực phòng chống thiên tai tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác truyền tải thông tin, hệ thống nhắn tin SMS phục vụ công tác phòng chống thiên tai; rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác; nâng cao năng lực dự báo mưa trên lưu vực cho tất cả các hồ, đập…

Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong (ngồi giữa, hàng ghế đầu tiên) và TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên tham dự Hội nghị. Nguồn: Ảnh cắt từ clip nhandantv.vn

Tham luận tại Hội nghị, đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo ứng phó, khắc phục qua thực tiễn công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục cơn bão số 12 đó là (1) Chủ động trong chỉ đạo, điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố về phóng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trong dự báo, cảnh báo, nắm chắc tình hình khí tượng thủy văn và diễn biến bão, mưa lũ; thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”; (2) Chấp hành nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn về phòng, chống thiên tai; phải sát thực tế của từng địa phương; (3) Nâng cao năng lực chỉ huy phòng chống thiên tai đặc biệt ở cấp cơ sở (xã, thôn); phải sâu sát cơ sở, linh hoạt, nhạy bén; (4) Tổ chức tốt công tác thường trực, nắm bắt cập nhật thường xuyên diễn biến bão, lũ để tham mưu kịp thời cho cơ quan chỉ huy quyết định các biện pháp ứng phó hiệu quả; (5) Xây dựng quy chế phối hợp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các lực lượng, tổ chức liên quan ở từng địa phương để chủ động ứng phó.

Từ thực tiễn của thiên tai năm 2017 và với dự báo tình hình thời tiết năm 2018 tiếp tục có diễn biến phức tạp, để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra, theo Đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cần chủ động triển khai một số giải pháp như tập trung rà soát thống kê cụ thể vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm tràn; tổ chức lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân; rà soát, xây dựng phương án sơ tán, di dời dân khi có nguy cơ xảy ra sạt lở, bão lũ; sẵn sàng lực lượng xung kích cấp cơ sở để chủ động ứng phó; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn; tổ chức hiệp đồng với các lực lượng của Bộ và Quân khu đứng chân trên địa bàn; chuẩn bị tốt mọi nguồn lực tại chỗ cũng như lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động ứng cứu khi tình huống xảy ra; tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai; phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro; lồng ghép phòng chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận như giới thiệu và hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 76 của Chính phủ; hướng dẫn thực hiện Nghị định 02/2017/NĐ0CP ngày 09/1/2017 của Chính phủ; hướng dẫn công tác quản lý đê điều, công tác thống kê báo cáo số liệu; công tác chỉ đạo, điều hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ; công tác đảm bảo an toàn đập khu vực miền Trung và Tây nguyên; công tác thông tin liên lạc, quản lý tàu thuyền neo đậu, tàu thuyền tránh trú bão và đảm bảo an toàn cho lồng bè nuôi trồng thủy sản vùng cửa sông ven biển....

Ý kiến góp ý: