TextBody
Huy chương 2

Hội nghị quy hoạch Giáo sư, Phó Giáo sư giai đoạn 2021 - 2025

23/03/2021

Vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao (Giáo sư, Phó Giáo sư) giai đoạn 2021 - 2025 và bàn giải pháp hỗ trợ các ứng viên trong quy hoạch.

Hội nghị được tổ chức tại 03 điểm cầu (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên).

Hội nghị nhằm quy hoạch phát triển đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư giai đoạn 2021 -2025; Trao đổi chi tiết về các điều kiện tiêu chuẩn để xét đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư; Bàn giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện của Viện đối với cán bộ khoa học để đáp ứng các tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư; Thảo luận và định hướng giải quyết một số khó khăn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ Giáo sư, Phó Giáo sư.

Tham dự buổi họp có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện; GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện phụ trách công tác phát triển đội ngũ GS,PGS; GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách công tác đào tạo Tiến sỹ của Viện; TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện; lãnh đạo các Ban tham mưu, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện và các ứng viên.

Thay mặt Cơ sở đào tạo, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Thủ trưởng cơ sở đào tạo - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết trong những năm vừa qua, công tác đào tạo của Viện đã làm rất tốt và được các Bộ, ngành cũng như các đơn vị ngoài Viện đánh giá cao. Tuy vậy, trong những năm tới đây, số lượng cán bộ nguồn nhân lực chất lượng cao có nguy cơ chững lại, thậm chí giảm dần, thậm chí không còn GS, PGS ở một vài đơn vị, nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống, từ Ban Giám đốc Viện cho đến Thủ trưởng các đơn vị. Sự suy giảm này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực cũng như đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao của Viện. Do vậy, Hội nghị này được tổ chức nhằm tập trung vào 02 vấn đề chính đó là trình bày dự thảo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025; Thảo luận, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn của các ứng viên và đây là Hội nghị khởi động cho quy hoạch GS, PGS từ năm 2021 - 2025 của Viện.

Tại Hội nghị, PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính đã trình bày kết quả thực hiện quy hoạch giáo sư, phó giáo sư giai đoạn 2016 - 2020 và các thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai quy hoạch; Báo cáo quy hoạch giáo sư, phó giáo sư giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm Dự kiến số lượng GS, PGS các năm theo quy hoạch thuộc các đơn vị giai đoạn 2021 - 2025 và một số kiến nghị của bộ phận phụ trách đào tạo (Ban Tổ chức Hành chính).

GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện cho biết Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam rất cần có đội ngũ cán bộ khoa học có chất lượng cao cả về chất lượng  thực sự và học hàm học vị; nếu lực lượng này thiếu hụt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của Viện, năng lực của Viện trong việc đấu thầu, triển khai các đề tài dự án. Do vậy, qua thực tiễn từ giai đoạn trước, GS.TS. Trần Đình Hòa cho rằng, cần phải có sự đồng tâm, nhất trí, quyết tâm cao giữa Viện và các cá nhân các ứng viên.

GS.TS. Trần Đình Hòa cũng đã chia sẻ những nội dung, yêu cầu cơ bản đối với GS, PGS; Định hướng hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc; Giải pháp thực hiện về tổ chức thực hiện, nguồn lực và trách nhiệm của các bên.

PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính đã bổ sung thêm sự cần thiết của vấn đề quy hoạch GS, PGS là: “Theo quy định để một đơn vị sự nghiệp công lập tồn tại đó là 50% trong tổng số cán bộ của đơn vị phải là thạc sỹ và 50% trong số thạc sỹ phải là Tiến sỹ; Các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập là đơn vị chuyên ngành, đầu ngành phải có ít nhất 01 GS, PGS đầu ngành”.

“Để tồn tại được một đơn vị sự nghiệp khoa học công lập, Viện cần phải có đội ngũ GS, PGS, TS, ThS và phải phân bố đều trong các lĩnh vực, trong tất cả các đơn vị trong Viện chứ không chỉ tập trung ở một vài đơn vị", PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh nhấn mạnh tại Hội nghị.

Nói về những quyền lợi khi các ứng viên GS, PGS đạt được, PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh cho rằng bên cạnh trách nhiệm Viện giao để đăng ký Giáo sư, Phó Giáo sư thì quyền lợi của ứng viên khi đạt được cũng rất lớn như được đặc cách lên nghiên cứu viên cao cấp không phải thi; có thể được nâng 02 bậc lương cùng một lúc.

PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh cho rằng ứng viên cần phải hiểu rõ các nội dung trong các quyết định liên quan như quyết định 37, quyết định 155, hình thành cho mình một kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết. 

GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện - Giáo sư duy nhất của ngành thủy lợi được phong tặng danh hiệu năm 2020 cho biết đây là Hội nghị rất có ý nghĩa nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học của Viện va sau Hội nghị này cần biến quy hoạch thành hiện thực.

Để hiện thực hóa được quy hoạch, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho rằng cần phải rà soát lại quy hoạch; Ngoài sự hỗ trợ của Viện, các ứng viên cần phải ý thức được trách nhiệm của cá nhân, danh dự của gia đình; Các ứng viên cần đăng ký làm sớm vì mỗi năm lại có sự thay đổi.

GS.TS. Nguyễn Tùng Phong đề nghị Ban Tổ chức, Hành chính phối hợp với Ban Kế hoạch, Tổng hợp lên danh mục các Tạp chí quốc tế trong ngành thủy lợi; Cung cấp danh sách các Tạp chí khoa học không đạt chuẩn để các ứng viên biết không gửi bài vào; Cập nhật các Tạp chí khoa học trong nước hiện nay được đánh giá tương đương để các ứng viên xem xét, nộp bài. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam sẽ thông báo cho các cán bộ khoa học của Viện các cuộc hội thảo quốc tế trong đó các proceeding có đăng ký SCOPUS và ISI qua Ban Tổ chức Hành chính; tổ chức lớp tập huấn viết bài báo quốc tế, lớp hướng dẫn cách viết đăng ký, mô tả giải pháp hữu ích và lớp đào tạo tiếng Anh…. 

Về quy hoạch đào tạo TS, theo GS.TS. Nguyễn Tùng Phong, Ban Tổ chức Hành chính cần xây dựng chương trình riêng cho việc phát triển nguồn nhân lực và cán bộ khoa học trình độ cao của Viện; giữa đào tạo Tiến sỹ và phát triển nguồn nhân lực GS, PGS cần phải có sự kết nối với nhau.

Ngoài ra, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong cũng cho biết, hiện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đang liên kết với Trường Đại học Thủy lợi triển khai 03 chương trình đào tạo bao gồm: Quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lỷ rủi ro thiên tai. Các ứng viên có nhu cầu giảng dạy có thể đăng ký thông qua Ban Tổ chức Hành chính.

GS.TS. Nguyễn Tùng Phong cũng đã gửi lời cảm ơn đến Ban Giám đốc Viện, Ban Tổ chức Hành chính đã hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để bản thân có thể đạt được chức danh Giáo sư.

Tiếp theo đó, các đại biểu có mặt tại Hội nghị đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và giải đáp những khó khăn vướng mắc về các tiêu chí, yêu cầu về thâm niên đào tạo; điểm công trình khoa học, bài báo quốc tế, hội thảo quốc tế, sách giáo trình, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; trình độ ngoại ngữ.

GS.TS. Trần Đình Hòa đề nghị các đơn vị và các ứng viên nếu có vấn đề vướng mắc cần trao đổi liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ, xét công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư, Viện sẽ hỗ trợ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc và Viện mong muốn cùng với các ứng viên trong Viện nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao tốt nhất cho Viện.

Các ý kiến tại Hội nghị, Viện xin ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu và sẽ tổ chức nhiều chuyên đề nhỏ để tháo gỡ những vấn đề cụ thể, chi tiết cho các ứng viên và có kế hoạch tổng thể để giúp đỡ, hỗ trợ các ứng viên, GS.TS. Trần Đình Hòa nói.

Thay mặt Ban Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa đã gửi lời cảm ơn các GS, PGS, các ứng viên tham dự buổi họp đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp bổ ích và đề nghị lãnh đạo các đơn vị, ứng viên về đơn vị phổ biến lại cho các cán bộ khoa học có trình độ từ Tiến sĩ trở lên; rà soát và bổ sung cũng như lập danh sách quy hoạch gửi cho Viện.

Ý kiến góp ý: