TextBody
Huy chương 2

Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

18/08/2015

Sáng nay tại Hà Nội,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự và có ý kiến chỉ đạo tại hội nghị.

Để triển khai thực hiện Đề án,  Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo xây dựng 6 Đề án chuyên đề theo từng lĩnh vực của ngành gồm Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi và Chế biến nông lâm thủy sản và muối. Sau hai năm triển khai thực hiện đã có những tác động rất hiệu quả đối với sự phát triển bền vững của nông nghiệp và nông thôn góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh toàn ngành và nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,49% , vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (3,27%) và cao hơn năm 2013 ( 2,64%). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 30 tỷ 860 triệu USD, tăng 11,2%  so với năm 2013.  

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai tái cơ cấu còn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân chính là do nhận thức về tái cơ cấu chưa đúng mức, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương một số nơi còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo. Đến nay vẫn còn 16 tỉnh, thành phố chưa xây dựng được đề án cũng như kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương; một số địa phương tuy đã phê duyệt nhưng lại chưa triển khai.  Bộ trưởng Cao Đức Phát phân tích: Thực hiện tốt tái cơ cấu là cách duy nhất để khắc phục cơ bản những tồn tại, tạo điều kiện cho nông nghiệp chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đạt kết quả cao hơn. Để thực hiện thành công chủ trương lớn này cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng với nông dân và các doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực thủy lợi, Đề án đã xác định 5 định hướng trọng tâm thực hiện tái cơ cấu là: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; Phát triển tưới cho cây trồng cạn; Phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản;  Nâng cao mức bảo đảm an toàn hồ đập và Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.  Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đã đạt nhiều kết quả tốt, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đã hoàn thành phê duyệt 09 dự án qui hoạch vùng, lưu vực trong điều kiện BĐKH, đang chỉ đạo thực hiện dự án qui hoạch phòng chống lũ sông Hồng, ĐBSCL và 2 dự án Quy hoạch thủy lợi phục vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thông qua rà soát quy hoạch đã đề xuất điều chỉnh một số dự án đầu tư phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở từng vùng miền.


 (Quang cảnh Hội nghị. Ảnh do IWEm cung cấp)

Đẩy mạnh nghiên cứu việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách phục vụ quản lý, đã ban hành 01 Luật, 03 nghị định, 06 thông tư và 02 tiêu chuẩn quốc gia về tưới tiết kiếm nước và ban hành 01 Sổ tay hướng dẫn Quy trình công nghệ tưới tiết kiệm nước cho 08 cây trồng cạn. Đang tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Luật Thủy và xây dựng 03 Nghị định, 15 Thông tư và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Đang chỉ đạo triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 130/2013/NĐ-CP về cơ chế giao đặt hàng và đấu thầu sản phẩm công ích; hướng dẫn thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP); nghiên cứu xây dựng mô hình và cơ chế quản lý tổng hợp công trình thủy lợi Vùng ĐBSCL, mô hình và giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; cơ chế tài chính bền vững cho các tổ chức quản lý KTCTTL; cơ chế giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi và chính sách hỗ trợ nông dân theo cơ chế thị trường; cơ chế chính sách quản lý bảo vệ đê, khoán duy tu bảo vệ đê và mô hình quản lý đê kiểu mẫu; chính sách thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ nền nông nghiệp có tưới, tưới tiết kiệm nước; và giảm phát thải nhà kính; công nghệ dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai.


 (Quang cảnh Hội nghị. Ảnh do IWEm cung cấp)

Tập trung rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công đã giảm qui mô 14 dự án, dừng khởi công 29 dự án mới và chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng thủy lợi, các dự án chống ngập bằng các nguồn vốn ODA, TPCP. Đã hoàn thành xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của ngành, phối hợp với các địa phương cập nhật, rà soát, hoàn thiện Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy lợi. Đã tổng kết, đánh giá hơn 20 mô hình tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng (cà phê, thanh long, tiêu, nho, rau, hoa,...) trên toàn quốc khuyến cáo áp dụng rộng rãi, đang triển khai nghiên cứu chế độ tưới, quy trình tưới tiết kiệm nước cho một số cây trồng chủ lực, có lợi thế, có giá trị kinh tế cao như cà phê, tiêu, điều, mía… và áp dụng các mô hình công nghệ thu trữ nước tại chỗ để tưới cho các vùng cao, xa khan hiếm nguồn nước như ở Hoà Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Đắk Lắk; ứng dụng công nghệ tạo nguồn, thu trữ và bổ cập nước ngầm phục vụ tưới.  Hiện đã có trên 80.000 ha diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiết kiệm nước như tưới phun mưa cục bộ và tưới nhỏ giọt và 14.375 ha áp dụng SRI (trong đó diện tích áp dụng kỹ thuật tưới Nông - Lộ - Phơi).  Nghiên cứu, đề xuất giải pháp công trình cấp nước (ngọt, mặn) chủ động phục vụ nuôi trồng thủy sản

Quyết liệt chỉ đạo và triển khai xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp Quốc gia, hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp tỉnh, huyện, xã. Đang kiện toàn bộ máy PCTT các cấp theo Luật Phòng, chống thiên tai. Biên soạn và phát hành 4.380 tài liệu hướng dẫn, 2.331 cuốn tài liệu “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng - dành cho cấp xã”, 2.079 cuốn tài liệu Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá thực hiện Đề án và đào tạo được 1132/1439 giảng viên cấp tỉnh, đạt gần 79%. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ Chương trình MTQGNSVSMTNT, trọng tâm là rà soát quy hoạch, hoàn thiện thể chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất vận hành các công trình cấp nước tập trung và huy động khu vực tư nhân tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa tốt nên thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; còn lúng túng khi xác định các nhiệm vụ trọng tâm; chậm đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế chính sách quản lý để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi; công tác thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản triển khai chậm; công tác phòng chống thiên tai vẫn còn bị động, giải pháp phòng chống vẫn nặng về giải pháp công trình mà chưa quan tâm thích đáng đến giải pháp phi công trình, nâng cao nhận thức cộng đồng để chủ động ứng phó.

Để tiếp tục triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi, Bộ NN&PTNT đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần quyết liết chỉ đạo thực hiện trong những năm tới.

Nguồn: IWEM

Ý kiến góp ý: