TextBody
Huy chương 2

Hội nghị tập huấn kỹ năng viết bài báo khoa học và bài báo quốc tế

26/11/2013

Ngày 22/11/2013, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn Kỹ năng viết bài báo khoa học và bài báo quốc tế. Giảng viên tập huấn PGS.TS. Đào Thị Ái Thi - Giảng viên cao cấp - Phó Hiệu trưởng Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ

Tham dự buổi tập huấn có Tổng biên tập, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Lê Mạnh Hùng; PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện và gần 120 cán bộ đang công tác và làm việc tại Viện.

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Tổng biên tập Tạp chí KH&CN Thủy lợi, Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam phát biểu: Viết các bài báo khoa học là một phần quan trọng của hoạt động nghiên cứu, nó không chỉ là sản phẩm tri thức, mà còn là một loại tiền tệ của giới khoa học, bởi vì qua đó người ta có thể đánh giá khả năng chuyên môn và năng suất khoa học của nhà nghiên cứu. Để một bài báo khoa học được chấp nhận đăng trên các Tạp chí cả trong nước lẫn quốc tế, tất nhiên điều kiện tiên quyết là kết quả nghiên cứu phải có giá trị và dựa trên những phương pháp thích hợp. Nhưng như vậy chưa đủ, vì cách trình bày kết quả và công bố kết quả nghiên cứu cũng đóng vai trò quan trọng. Bài báo còn cần được trình bày một cách đúng quy chuẩn. Bài báo khoa học không thể là một bài viết chủ quan, cảm tính, thiếu những số liệu khách quan và bằng chứng khoa học; càng không thể là những thông tin chắp vá, được sao chép từ những bài báo khác. Bài báo khoa học phản ánh sinh động những kiến thức của người viết, do vậy một bài báo khoa học hay phải là một bài viết độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Xuất phát từ những nhu cầu trên, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã mời Giảng viên thuộc Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về kỹ năng viết bài báo khoa học và bài báo quốc tế. Giám đốc Viện mong muốn thông qua chương trình tập huấn sẽ giúp ích được các cán bộ của Viện trong việc nâng cao kỹ năng viết bài báo khoa học.

PGS.TS. Đào Thị Ái Thi tại Hội nghị đã trình bày một số kỹ năng viết bài báo khoa học và bài báo quốc tế. Theo PGS.TS, để giao tiếp viết có hiệu quả phải thiết lập được chiến lược giao tiếp như xác định mục tiêu, phân tích cử tọa, thiết lập bố cục. Viết là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau, quá trình viết gồm ba giai đoạn: trước khi viết, phác thảo, biên soạn. Kỹ năng viết phải chú trọng vào giai đoạn chuẩn bị và các nguyên tắc viết như làm thế nào để diễn đạt các ý tưởng trong một văn bản và phải quan tâm thích đáng các bước ban đầu trước đó thì mới làm tốt bước cuối cùng. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị là giai đoạn quan trọng, giai đoạn này hỗ trợ rất nhiều cho người viết như nâng cao tính khúc chiết, cho phép người viết tập trung cao vào các bước kế tiếp diễn đạt các ý tưởng...). Ngoài ra, người viết cần chú trọng đến các nguyên tắc viết như tính thống nhất và tầm quan trọng; bố cục và cách làm nổi bật; xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của giao tiếp viết và đưa ra kỹ năng viết phù hợp; Các yêu cầu đối với kỹ năng viết (sử dụng ngôn ngữ; sử dụng từ đúng văn phong hành chính...); Kỹ thuật cú pháp.

Ngoài ra trong bài giảng về kỹ năng viết bài báo quốc tế, PGS.TS có nói: Người viết cần phải hiểu rõ khái niệm, phân loại báo cáo khoa học, đánh giá chất lượng báo cáo khoa học từ đó đưa ra những lý do cung cấp kỹ năng viết bài báo khoa học quốc tế. Ví dụ như lý do phải công bố báo cáo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế (nghĩa vụ và đạo đức; đóng góp vào tri thức quốc tế; phúc lợi xã hội, chứng từ khoa học; sự nghiệp nhà nghiên cứu; cơ hội hợp tác; hội nhập quốc tế...). Cũng giống như trên, để có thể viết được bài báo quốc tế, người viết cần phải nắm vững một vài kỹ năng cơ bản: sớm chuẩn bị bài viết, tập trung vào những thông tin chính; tìm hiểu tập san sẽ công bố bài báo; cấu trúc; kỹ năng chỉnh sửa....

Ý kiến góp ý: