Hội nghị Tổng kết Chương trình KC08/06-10
28/04/2011Ngày 27/4/2011 tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC08/06-10 “Khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên" đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình sau 5 năm thực hiện (giai đoạn 2006- 2010)
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Lãnh đạo các Viện nghiên cứu trong đó Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Lê Thị Kim Cúc - Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp, TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp và đại diện các trường đại học, các doanh nghiệp về khoa học và công nghệ trong cả nước; các nhà khoa học, chủ nhiệm các đề tài/dự án của Chương trình.
Theo Báo cáo Tổng kết Chương trình, với mục tiêu chính là nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, 33 đề tài đã tập trung nghiên cứu đi sâu vào những nội dung chính như:
(1) Xác định nguyên nhân, làm rõ cơ chế, quy luật hình thành và dự báo khả năng ảnh hưởng của một số dạng thiên tai nguy hiểm thường xảy ra ở nước ta: bão, nước dâng do bão, lũ lụt, lũ quết, trượt lở đất, hạn hán và các thiên tai nguy hiểm khác;
(2) Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên và môi trường, quá trình sa mạc hóa, các biện pháp giảm nhẹ và hạn chế;
(3) Xây dựng luận cứ khoa học cho việc quản lý tổng hợp, quy hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quan trọng. Xây dựng các mô hình khai thác, quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường ở các vùng sinh thái đặc thù, các lưu vực sông quan trọng;
(4) Nghiên cứu quy luật diễn thế các hệ sinh thái cơ bản; các giải pháp và quy trình phục hồi hệ sinh thái bị thoái hóa ở nước ta;
(5) Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến để xử lý ô nhiễm môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội;
(7) Phát triển và ứng dụng kỹ thuật viễn thám, GIS và các mô hình toán trong nghiên cứu điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và thiên tai.
Nhìn chung, sau 5 năm thực hiện, Chương trình KC08 đã hoàn thành và đã góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề cấp bách nhất ở Việt Nam về phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên:
- Về lĩnh vực phòng tránh thiên tai: Nâng cao khả năng dự báo-cảnh báo một số dạng thiên tai nguy hiểm góp phần tích cực vào xây dựng chiến lược phòng tránh thiên tai, tiến tới tăng cường năng lực quản lý và hạn chế rủi ro do thiên tai; phát triển các nghiên cứu về cơ sở khoa học và công nghệ bảo vệ bờ biển, bờ sông, đề xuất các giải pháp chỉnh trị nhằm ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất; phát triển nghiên cứu các giải pháp “mềm” trong phòng chống lũ và tác động của sóng ven biển; bước đầu nhận dạng được một cách rõ rệt các biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam và đánh giá dự báo các tác động của chúng tới tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế xã hội; phát triển các nghiên cứu dự báo biến động tài nguyên nước của các lưu vực sông về khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ chiến lược quản lý hạn hán, sa mạc hóa, xâm nhập mặn của các đồng bằng lớn; triển khai nghiên cứu xây dựng công nghệ điều hành liên hồ chứa bảo đảm ngăn lũ, chậm lũ, an toàn vận hành hồ chứa và sử dụng hợp lý tài nguyên nước; xây mới hàng loạt bộ chỉ tiêu (hoặc tiêu chuẩn) làm cơ sở cho việc thiết kế vận hành, quy hoạch các công trình thủy lợi, chỉnh trị sông, gia cố độ bền vững của đê biển, chắn sóng ven biển.
- Về lĩnh vực bảo vệ môi trường: nghiên cứu xây dựng và phát triển một số quy trình công nghệ có hiệu quả, dễ triển khai ứng dụng, thân thiện với môi trường trong xử lý ô nhiễm nước đất, không khí; Tạo cơ sở khoa học cho việc phát triển một hướng nghiên cứu mới ở Việt Nam về bảo đảm môi trường sinh thái của các dòng sông và lưu vực sông.
- Về lĩnh vực sử dung hợp lý tài nguyên thiên nhiên: Phát triển quan điểm sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên thiên nhiên theo hướng nhận dạng và đánh giá đầy đủ các giá trị mới của các dạng tài nguyên, khai thác sử dụng tổng hợp tài nguyên; Xây dựng và phát triển các quy trình công nghệ điều tra đánh giá và khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Kết quả tính toán sơ bộ cho thấy, có 8/33 đề tài có các sản phẩm khoa học có thể lượng hóa hiệu quả kinh tế thông qua phân tích so sánh có thể đem lại lợi ích kinh tế khoảng 150 tỷ đồng. Như vậy việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học của Chương trình không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn lớn.
Ngoài ra, Chương trình đã tập hợp được một lực lượng lớn các nhà khoa học đầu ngành cũng như đội ngũ đông đảo các nhà khoa học trẻ về các lĩnh vực khác nhau của Chương trình bao gồm 278 nhà nghiên cứu khoa học có học vị TS và TSKH, 190 cán bộ có học vị ThS và 286 cán bộ có trình độ Đại học. Thông qua việc thực hiện đề tài, nhiều cán bộ khoa học trẻ được đào tạo và nâng cao trình độ, nâng cao năng lực nghiên cứu, tiệm cận và làm chủ được các phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu mới trong việc giải quyết các vấn đề khoa học phức tạp, đòi hỏi ở trình độ cao của quốc gia và quốc tế, góp phần tăng thêm đáng kể nguồn nhân lực khoa học về các lĩnh vực thiên tai, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
A.T
Ý kiến góp ý: