Hội nghị tổng kết Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.08/16-20
21/10/2021Sáng ngày 20/10, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.08/16-20 đã phối hợp với Văn phòng Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước và Vụ Khoa học, Xã hội nhân văn và Tự nhiên - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình KC&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.08/16-20 giai đoạn 2016-2020.
Tham dự Hội nghị tổng kết về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có Thứ trưởng Trần Văn Tùng - Chủ trì Hội nghị; Ông Lê Quang Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Xã hội nhân văn và Tự nhiên; Ông Trần Đỗ Đạt - Phó Giám đốc phụ trách các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; Ông Nguyễn Thiện Thành - nguyên Giám đốc Các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; Ông Trần Hậu Ngọc - Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ và các lãnh đạo, chuyên viên các Vụ. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi; Ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai và các chuyên viên các Vụ, Tổng cục.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Ông Trần Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn và đại diện Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước. Về phía địa phương có Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và 40 Sở Khoa học và Công nghệ trên cả nước. Về Ban Chủ nhiệm Chương trình có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Chủ nhiệm Chương trình và các thành viên Ban Chủ nhiệm. Ngoài ra còn có các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các Viện, Trường; 20 tổ chức khoa học công nghệ uy ín trên phạm vi cả nước tham gia thực hiện; các Chủ nhiệm Đề tài và các thành viên tham gia của 38 Đề tài.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Trần Đỗ Đạt - Phó Giám đốc phụ trách các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước cho biết Chương trình “Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai” (KC.08) là một trong bảy Chương trình được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai trong các chùm chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 với 03 mục tiêu, 05 nội dung chính. Chương trình đã có 38 nhiệm vụ được phê duyệt, triển khai với 23 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực phòng chống thiên tai, 15 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực môi trường. Qua 05 năm thực hiện, Chương trình đã nghiệm thu cấp quốc gia 35/38 nhiệm vụ vụ và sẽ nghiệm thu các nhiệm vụ còn lại trong tháng 10. Các nhiệm vụ của Chương trình đã tạo ra được 50 loại sản phẩm dạng I và 240 sản phẩm dạng II như các mô hình, hàng hóa, dây chuyền sản xuất, phần mềm, cơ sở dữ liệu, các giải pháp quy trình công nghệ, báo cáo, phân tích, sơ đồ, bản đồ. Trong đó có nhiều nhóm giải pháp quy trình công nghệ đã được ứng dụng và có triển vọng trong thực tiễn.
Hội nghị là dịp quan trọng để các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau nghiêm túc đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại và xây dựng định hướng giải pháp cho Chương trình trong giai đoạn 2021 -2025.
Theo GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Chủ nhiệm Chương trình KC.08/16-20 cho biết, sau 05 năm thực hiện Chương trình đã có 134 bài báo được công bố trong đó có 53 bài báo công bố quốc tế, trong đó có 43 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus theo Q1, Q2, Q3, Q4; Đề xuất được 38 nhóm giải pháp, quy trình công nghệ mới trong đó có nhiều nhóm giải pháp quy trình, công nghệ đã hoặc có triển vọng ứng dụng trong thực tiễn; 20 sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cắp hoặc chấp nhận đơn; Hỗ trợ đào tạo được 44 TS và 90 ThS..
Sau báo cáo của GS.TS. Nguyễn Vũ Việt, các đại biểu đã được nghe 04 diễn giả là chủ nhiệm Đề tài của KC.08.01, KC.08.12, KC.08.18, KC.08.27 báo cáo về ứng dụng mô hình động lực trong dự báo khí hậu mùa cho Việt Nam; Hạ thấp lòng dẫn sông Cửu Long: Hiện trạng, nguyên nhân, tác động và các giải pháp giảm thiểu; Thu hồi kim loại từ bùn thải xi mạ theo hướng tiếp cận công nghệ môi trường xanh; Giải pháp bổ cập nguồn nước duy trì khả năng tự làm sạch cho sông Đáy, sông Nhuệ trên địa bàn Hà Nội, Hà Nam.
Phát biểu về định hướng mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn tới (2021 - 2025), Ông Lê Quang Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Xã hội nhân văn và Tự nhiên cho biết, tên của Chương trình KC.08/21-25 sẽ là “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đối khí hậu”.
Mục tiêu của Chương trình có 04 mục tiêu đó là (1) Phát triển, ứng dụng, chuyển giao được các phương pháp, mô hình công nghệ tiên tiến, tích hợp nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp; (2) Nghiên cứu phát triển, chuyển giao được các phương pháp, công nghệ mới, tiên tiến trong dự báo, giám sát các yếu tố môi trường tự nhiên (đất, nước, không khí,...) và đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý; (3) Phát triển, hoàn thiện phương pháp, quy trình dự báo; ứng dụng được các công cụ, mô hình, công nghệ tiên tiến, tích hợp vào dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng - thủy văn nguy hiểm; các loại hình thiên tai điển hình ở Việt Nam (như sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt hạ du các hồ chứa lớn, hạn hán, xâm nhập mặn,…) và đề xuất được các giải pháp quản lý rủi ro nhằm ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai; (4) Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển được các công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ việc xây dựng/cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, giám sát, đánh giá tác động (tính dễ bị tổn thương) đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương, đồng thời đề xuất được các giải pháp ứng phó hiệu quả (thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính) phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Về nội dung có 06 nội dung chính bao gồm: Phát triển, ứng dụng, chuyển giao các phương pháp, mô hình công nghệ tiên tiến, tích hợp nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, khoáng sản, đa dạng sinh học,...) và bảo vệ môi trường hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp.
Nghiên cứu phát triển, chuyển giao được các phương pháp, công nghệ mới, tiên tiến về dự báo, giám sát các yếu tố môi trường (đất, nước mặt, nước dưới đất, không khí,...) và đề được các giải pháp quản lý bảo vệ môi trường.
Phát triển, hoàn thiện phương pháp, quy trình dự báo; ứng dụng các công cụ, mô hình tiên tiến hiện, tích hợp dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng - thủy văn nguy hiểm.
Nghiên cứu phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, công nghệ không gian nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai điển hình ở Việt Nam (sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt hạ du các hồ chứa lớn, hạn hán, xâm nhập mặn,...) và đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro.
Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, giám sát, đánh giá tác động (tính dễ bị tổn thương) đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách, quản lý và kỹ thuật để ứng phó hiệu quả (thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính) phù hợp với điều kiện từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
Bày tỏ quan điểm của tỉnh Cà Mau, Đồng chí Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng nghiên cứu khoa học công nghệ cần được ưu tiên và đi trước một bước. Dẫn chứng vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đưa ra ví dụ về đường Hồ Chí Minh đoạn cuối đi qua tỉnh Cà Mau mặc dù mới xây dựng nhưng do chưa xác định được diễn biến triều cường phức tạp nên đã khiến cho con đường bị ngập thậm chí rất sâu nên rất cần phải có hoạt động nghiên cứu trước về vấn đề triều cường này.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục hỗ trợ các địa phương đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
GS.TS. Phan Văn Tân - chuyên gia về khí tượng thủy văn mong muốn Chương trình trong giai đoạn tiếp theo, đối với lĩnh vực môi trường cần chú trọng đó là với môi trường có sự can thiệp hợp lý của con người, thuận thiên cần có nghiên cứu xử lý hệ quả của việc ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí); môi trường nguyên sơ không không thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội cần có đề tài đề xuất việc cải tạo môi trường; môi trường có sự can thiệp của con người nhưng để lại hậu quả ô nhiêm cần có đề tài can thiệp trước khi hệ quả xấu xảy ra do sự phát triển kinh tế xã hội và sự can thiệp của con người gây nên.
Đối với mảng thiên tai cần phải nâng cao năng lực dự báo như dự báo bão, dự báo mưa và dự báo hạn. Đối với dự báo hạn cần phải có nghiên cứu hạn xảy ra trong thời gian ngắn và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; cần nghiên cứu để có thông tin chính xác, ứng phó kịp thời đối với các cơn bão ngoài biển, xa đất liền; dự báo mùa…
GS.TS. Phan Văn Tân cho rằng biến đổi khí hậu có thể có nhiều cách nhìn nhận khác nhau nhưng cần chú trọng đến việc xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu đáp ứng được tính bất định và có độ tin cậy cao. Do vậy, GS.TS. Phan Văn Tân cho rằng để kịch bản biến đổi khí hậu có chất lượng cao hơn cần có sự tham gia, vào cuộc của cộng đồng các nhà khoa học, các chuyên gia.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Chương trình trong giai đoạn 05 năm vừa qua. Đặc biệt Chương trình đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cán bộ khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và môi trường.
Nhân dịp này, thay mặt cho Lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã gửi lời cảm ơn sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, Ban Chủ nhiệm Chương trình và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức thành công Chương trình.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng trong giai đoạn tới, ngoài việc khẳng định đưa ra công nghệ, quy trình, có giải pháp cụ thể cần phải tính toán được hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng các công nghệ, sản phẩm của chương trình nhằm lôi kéo, thu hút được các doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu các vấn đề lớn, liên vùng, lan tỏa và tác động mạnh mẽ cho ngành, đất nước, huy động được các tổ chức khoa học công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, viện, trường tham gia.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị Ban Chủ nhiệm Chương trình, các đơn vị quản lý của Bộ tiếp thu những ý kiến tại Hội nghị để xây dựng Chương trình trong giai đoạn tới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo và cán bộ viên chức người lao động của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã gửi lời cảm ơn các đại biểu tham dự Hội nghị; cảm ơn Bộ Khoa học Công nghệ đã ủng hộ, tạo điều kiện để Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tham gia vào các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và đã lựa chọn Viện là đơn vị được đăng cai tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình KC08/16-20. Bên cạnh đó, GS.TS. Trần Đình Hòa cũng đã gửi lời cảm ơn Ban Chủ nhiệm Chương trình, các tổ chức khoa học công nghệ trong cả nước, các chuyên gia, các nhà khoa học đã phối hợp với các thành viên của Viện triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ trong thời gian qua.
Ý kiến góp ý: