Hội nghị Tổng kết công tác KHCN Giai đoạn 2006 - 2010 & Định hướng 2011-2015
30/08/2011Ngày 11/8/2011 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ môi trường giai đoạn 2006-2010 và định hướng 2011-2015 do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức
Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị về phía Bộ Ban ngành có đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…, đại diện các Tổng Cục, Vụ thuộc Bộ NN&PTNT, đại diện lãnh đạo các Viện, Trường; đại diện các Tổng Công ty, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… và một số cơ quan thông tấn báo chí trong nước.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, đầu tư Nhà nước từ vốn sự nghiệp khoa học cho khoa học công nghệ nông nghiệp tăng trung bình 15%/năm trong 5 năm qua. Kinh phí tăng từ 380 tỷ đồng năm 2006 lên 514,8 tỷ đồng năm 2009 và 667,7 tỷ đồng năm 2010. Tổng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2006 - 2010 là 2.603 tỷ đồng. Tổng số nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được triển khai trong giai đoạn 2006 - 2010 là 6.935 trong đó có 4.386 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm các cấp. Hoạt động khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất và sản lượng nông sản ở các vùng sinh thái khác nhau. Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giai đoạn 2006 – 2010 đã đóng góp tích cực cho phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn.
Cũng theo báo cáo, cùng với nhiều tiến bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, lĩnh vực thủy lợi đã đạt được những thành tựu như:
- Xây dựng cơ sở khoa học, phát triển và ứng dụng mô hình toán (MIKE11, MIKE21, GIS, DEM, CROPWAT, DELTA...) cho tính toán cân bằng nước, đánh giá chất lượng nước phục vụ cho công tác quy hoạch thủy lợi, phòng chống ngập lụt, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng đến ngập lụt, môi trường và hệ thống thủy lợi đã áp dụng cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long...
- Đề xuất các giải pháp công trình quản lý lũ biên giới và lồng ghép vào chương trình quản lý và giảm nhẹ lũ của Ủy hội sông Mê Kông; các phương án phát triển và quản lý hệ thống đê bao và đường vùng biên giới để xác định giải pháp quy hoạch kiểm soát lũ vùng biên giới với Campuchia
- Ứng dụng mô hình toán MIKE21C, MIKE11 và công nghệ tối ưu Gams vào việc dự báo tính toán xói lở các sông và đề xuất các giải pháp công nghệ chỉnh trị chống sạt lở bờ sông. Sử dụng mô hình toán tiên tiến chính xác để dự báo diễn biến long dẫn, đưa ra các giải pháp chỉnh trị, xác định hành lang thoát lũ sông Hồng.
- Chương trình KHCN phục vụ xây dựng đê biển giai đoạn 1 từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đã xây dựng được bộ dữ liệu đồng bộ các đặc trưng triều và sóng vùng ven biển; đưa ra cơ sở khoa học lựa chọn quy hoạch tuyến đê, mặt cắt hợp lý, giải pháp công nghệ nâng cao ổn định đê biển, kiến nghị điều chỉnh bổ sung vào tiêu chuẩn ngành 14TCN-130-2002 về xây dựng đê biển. Xây dựng quy trình khảo sát, xử lý mối và ẩn họa trong đê đập và một số công trình công nghiệp, văn hóa.
- Đã làm chủ được công nghệ và chế tạo được một số thiết bị SCADA phục vụ trong đo đạc, quan trắc số lượng và chất lượng nước, xử lý và truyền dữ liệu, điều hành hệ thống công trình thủy lợi góp phần đảm bảo vận hành an toàn và phân phối nước có hiệu quả, chủ động trong bảo hành, bảo trì hệ thống.
- Quy trình công nghệ tưới tiết kiệm nước cho vùng khan hiếm nước (nho, thanh long ở Nam Trung Bộ, cam, bưởi ở Nghệ An), tưới tiết kiệm hiệu quả cho vùng đồi (chè ở miền núi phía Bắc); tưới tiết kiệm cho vùng cây ăn trái tập trung ở ĐBSCL.
- Đánh giá được thực trạng và đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình để giảm thiểu tổn thất trên hệ thống kênh tưới ở duyên hải miền Trung. Đề xuất mô hình quản lý thủy lợi hợp lý, hiệu quả và khả thi cho các vùng, đã đánh giá thực trạng trong phân cấp quản lý công trình thủy lợi và đưa ra chính sách phân cấp quản lý KTCTTL phù hợp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Hoàn thiện công nghệ đập trụ đỡ, đập xà lan, cống lắp ghép bằng cừ bê tông dự ứng lực với công nghệ thi công trong nước hiện đã áp dụng cho đập Thảo Long - Thừa Thiên Huế, đập Đò Điểm - Hà Tĩnh và hàng loạt công trình kiểm soát mặn vùng phân ranh mặn ngọt bán đảo Cà Mau, Kiên Giang tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng 20-40%, giảm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng. Đang triển khai thiết kế ứng dụng công nghệ để xây dựng một số công trình kiểm soát mặn và chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh.
- Cải tạo thành công loại bơm 4000m3/trục ngang, các loại bơm cột nước sâu áp dụng ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nghiên cứu chế tạo máy vớt rác tự động cho các trạm bơm lớn.
- Hoàn thiện và làm chủ công nghệ chế tạo trạm thủy điện nhỏ công suất đến 200 KW và bơm thủy luân, bơm vat hay thế nhập ngoại, áp dụng cho các tỉnh miền Núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Mục tiêu phát triển
Mục tiêu phát triển KHCN nông nghiệp đến năm 2020 nhằm phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao; tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,5 - 4%/năm; nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay; lao động nông nghiệp còn khoảng 30 - 35% lao động xã hội.
Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp của nước ta lên ngang tầm khu vực và thế giới để tạo ra và ứng dụng có hiệu quả các sản phẩm và tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại có hàm lượng khoa học cao, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, tạo động lực cho tăng trưởng nông nghiệp và tăng thu nhập của nông dân.
Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ nông nghiệp và khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN, các đổi mới về quản lý hoạt động KHCN, tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học... Tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có kết quả được ứng dụng vào sản xuất đạt trên 70^. Giá trị tăng thêm do KHCN trong nông nghiệp đem lại đạt 40% năm 2015 và 50-60% năm 2020.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT đã đề ra các giải pháp như đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, chọn tạo và phát triển các giống cây trồng và vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện ngoại cảnh và các vùng sinh thái khác nhau; phát triển và ứng dụng các công nghệ ở trong nước trong và sau sản xuất theo hướng quy trình đồng bộ và khép kín, hiện đại hóa tối đa những khâu có thể; đẩy mạnh nghiên cứu về dịch tễ học; phát triển và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu tiên tiến, phương thức sản xuất mới, thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước, rừng, biển; nghiên cứu các giải pháp KHCN để chủ động dự báo thiên tai, quy trình công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường.
Ý kiến góp ý: