Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành nông nghiệp và môi trường
12/05/2025Sáng 10/5, tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Ảnh: Tùng Đinh. Nguồn: nongnghiepmoitruong.vn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Sự hiện diện của lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức quốc tế và cơ quan báo chí là minh chứng cho sự quan tâm và đồng hành mạnh mẽ với ngành trong hành trình kiến tạo giai đoạn phát triển mới – với động lực tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng, Nghị quyết 57-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, xác lập một định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, mà còn là “thời cơ tốt nhất” để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tham dự Hội nghị tại Bắc Ninh có GS.TS. Trần Đình Hòa - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện; Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện, phòng quản lý khoa học và cán cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện khu vực phía Bắc. Ngoài ra còn có sự tham dự của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Kỹ thuật Biển, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên tại các điểm cầu trực tuyến. |
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã có nhiều bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số: từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh đến giám sát môi trường tự động, số hóa dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu "đột phá phát triển" như tinh thần Nghị quyết 57, ngành vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bộ trưởng cho rằng, hội nghị lần này tập trung quán triệt và triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 503/QĐ-BNNMT ngày 27/3/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đồng thời, Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu cùng trao đổi, đề xuất các giải pháp ưu tiên nhằm tạo bước ngoặt trong ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số vào thực tiễn phát triển ngành.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng đã nêu 5 nhóm nội dung trọng tâm để các đại biểu cùng thảo luận bao gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy đổi mới trong cả khu vực công và tư; xác định và tập trung vào những lĩnh vực khoa học công nghệ có tiềm năng lớn – như công nghệ sinh học, công nghệ gen – nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và tạo giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp và môi trường; sắp xếp lại hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có sức cạnh tranh và lan tỏa tri thức ra thị trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn; húc đẩy chuyển đổi số toàn diện – từ hoạch định chính sách, điều hành đến sản xuất, tiêu thụ – để dữ liệu số, công nghệ số và kinh tế số thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển mới.
Chủ trì Chuyên đề 4 - Thủy lợi, phòng chống thiên tai, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu GS.TS. Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi phát biểu
Chiều cùng ngày, phiên họp 04 chuyên đề đã được diễn ra bao gồm chuyên đề trồng trọt, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, cơ điện và công nghệ sau thu hoạch; Chăn nuôi, thú y, thủy sản và kiểm ngư; Môi trường, tài nguyên nước, viễn thám; Thủy lợi, phòng chống thiên tai, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
Tại chuyên đề 4, Thủy lợi, phòng chống thiên tai, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện đã có bài báo cáo về Một số kết quả ứng dụng công nghệ số và định hướng khoa học công nghệ của Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam.
Theo GS.TS. Trần Đình Hòa, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã ứng dụng công nghệ số phục vụ lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như các địa phương rất có hiệu quả và thiết thực. Có thể kể đến như xây dựng bộ cơ sở dữ liệu hồ đập, lưu vực sông cho một số tỉnh thành có hồ chứa cụ thể có 45 hồ chứa lớn trên cả nước; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý cho cơ quan quản lý Nhà nước; Ứng dụng GIS trong công tác quản lý hệ thống thủy lợi cho các hồ chứa phục vụ sản xuất; Tích hợp các bộ công cụ tính toán dự báo biến động nguồn nước đặc biệt các bộ công cụ liên quan đến tính toán nguồn nước xuyên biên giới phục vụ công tác chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương; Bộ công cụ dự báo nguồn nước, dự báo hạn hán xâm nhập mặn cho vùng đặc biệt khó khăn như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Miền Trung và Tây nguyên; Kết hợp với các kết quả thí nghiệm mô hình vật lý đã xây dựng các bộ công cụ nghiên cứu để chỉnh trị sông đảm bảo ổn định lòng dẫn lòng sông thoát lũ; Xây dựng bộ bản đồ rủi ro ngập lũ cho các kịch bản, giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai cho các khu vực đông dân cư, đô thị, phục vụ cho Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Xây dựng hệ thống giám sát điều hành lũ trên lưu vực sông hỗ trợ Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương, xây dựng cảnh báo sớm lũ lụt cho các địa phương; Xây dựng được bộ công cụ tính toán xác định dòng chảy tối thiểu duy trì khả năng tự làm sạch, cải thiện chất lượng môi trường nước; Ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất cho các ngành hàng khác như phần mềm blockchain phục vụ truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường cho sản phẩm cà phê và hồ tiêu; Bộ cơ sở dữ liệu (bản đồ vùng trồng, dữ liệu địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng, thị trường) cho khu vực Tây Nguyên; bộ công cụ thu thập, giải đoán, số hóa, phân tích sinh trưởng vùng trồng cà phê, hồ tiêu; Ứng dụng web-gis trong việc giám sát và dự báo về sâu bệnh hại lúa; Ứng dụng ảnh SAR Sentinel-1 thành lập bản đồ lúa, Ứng dụng GIS trong việc dự đoán dịch ở gia súc, gia cầm; Nghiên cứu xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích, dự báo, ra quyết định điều khiển tự động, tối ưu hóa lượng nước tưới, phân bón, quản lý sâu bệnh và chiếu sáng. Áp dụng thử nghiệm cho sản xuất cây trồng Thanh Long - Ninh Thuận.
GS.TS. Trần Đình Hòa nhận định biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường và dị thường, khai thác nguồn nước ngoài lãnh thổ khó kiểm soát và phát triển kinh tế, xã hội nội tại đã và đang làm cho các vấn đề diễn biến nguồn nước, thiên tai, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, khó lường trên khắp mọi miền của đất nước. Đặt ra trách nhiệm cho công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai nói chung và việc ứng dụng khoa học, công nghệ số là rất lớn. Do vậy, đối với lĩnh vực thủy lợi phòng chống thiên tai cần có những công nghệ mới, hiện đại, cùng với chuyển đổi số, xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn, đồng bộ cho ngành, làm cơ sở nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và hỗ trợ ra quyết định trong phòng chống thiên tai, an toàn công trình,quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển bền vững.
GS.TS. Trần Đình Hòa đã đưa ra 08 định hướng nghiên cứu đó là nghiên cứu phát triển và ứng dụng các bộ công cụ tính toán, dự báo cảnh báo lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; Nghiên cứu quản lý, sử dụng hiệu quả, thông minh tài nguyên nước đảm bảo an ninh nước Quốc gia; Nghiên cứu dự báo diễn biến xói lở, bồi tụ bờ sông, cửa sông, bờ biển, hải đảo và đề xuất các giải pháp, công nghệ bảo vệ; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ đảm bảo an toàn công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đê điều, phòng chống úng ngập cho các thành phố lớn và các khu dân cư; Nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cấp, hoàn thiện, hiện đại hóa các công trình và hệ thống công trình đáp ứng yêu cầu khai thác phục vụ đa mục tiêu; Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng nông thôn mới theo hướng hiện đại, thông minh, sinh thái và thân thiện môi trường; Nghiên cứu dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất và đề xuất các giải pháp bảo vệ, phòng ngừa; Nghiên cứu thể chế chính sách và các công cụ kinh tế trong lĩnh vực thủy lợi, quản lý khai thác nguồn nước, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đê điều và phòng chống thiên tai; quản lý khai thác công trình có sự tham gia của người dân.
Phát biểu tại tiểu ban Thủy lợi, phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định những công trình nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, thủy lợi phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế và Hội nghị này rất quan trọng.
“Vấn đề nguồn nước giờ đây không chỉ là một thách thức tạm thời, mà là bài toán nền tảng cho an ninh lương thực, cho quy hoạch công trình thủy lợi, và cả chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu của quốc gia", Thứ trưởng nhấn mạnh. Theo ông, để giải quyết hiệu quả bài toán này, cần phải dựa vào cơ sở khoa học vững chắc, từ đó đưa ra những dự báo chính xác và kịch bản ứng phó phù hợp. Không thể tiếp tục điều hành theo kiểu "cảm tính", thiếu dựa trên dữ liệu và mô hình khoa học.
Thứ trưởng chia sẻ, trong nhiều năm qua, các địa phương vẫn chưa thực sự thay đổi nhận thức trong cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước, công trình thủy lợi và thiên tai. Ông cho rằng vẫn còn tình trạng “báo cáo theo quy trình, chưa gắn với thực tế”, chưa phản ánh hết sự biến động khốc liệt của tự nhiên và sự mong manh trong khả năng thích ứng của con người.
Trong bối cảnh đó, ông kêu gọi các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật cần bước ra khỏi “vòng lặp báo cáo hành chính”, mạnh dạn đề xuất những mô hình mới, cách làm mới, gắn sát với diễn biến thực tế.
“Lâu lắm rồi mới có một hội nghị quy tụ được nhiều chuyên gia đầu ngành như thế này. Đây không chỉ là cơ hội để thảo luận, mà còn là dịp để thống nhất quan điểm và cùng nhau xây dựng cơ sở khoa học cho hành động cụ thể”, ông nói.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, vai trò của ngành thủy lợi không còn giới hạn ở chức năng cấp, thoát nước hay phục vụ nông nghiệp đơn thuần. Trong bối cảnh hiện nay, thủy lợi cần được nhìn nhận là trụ cột quan trọng trong chiến lược thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng các công trình thủy lợi mang tính thích ứng linh hoạt, có khả năng vận hành theo dự báo khí tượng thời gian thực. Đồng thời, các dự án phải được thiết kế theo hướng đa mục tiêu, đảm bảo tích hợp giữa phòng chống thiên tai, điều tiết nước, và bảo vệ sinh thái.
“Khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mô hình dự báo số sẽ là nền tảng để ngành thủy lợi thực hiện được vai trò mới này. Chúng ta cần coi nghiên cứu nước là lĩnh vực mũi nhọn, bởi nếu không giải được bài toán nước thì sẽ không thể đảm bảo phát triển bền vững,” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tham quan gian hàng của Viện
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến tham quan gian hàng của Viện
GS.TS. Trần Đình Hòa - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện và PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện chụp ảnh lưu niệm với cán bộ trực gian hàng
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra gian hàng triển lãm trưng bày, giới thiệu một số thành tựu nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tham gia gian trưng bày giới thiệu về các mô hình, sa bàn và thiết bị của các đơn vị trực thuộc như mô hình 3D đê trụ rỗng, đê cọc rỗng, đê giảm sóng di động; sa bàn mô hình động lực học sông biển; mô hình 3D máy bơm 2 chiều tích hợp trên cánh cống loại lưu lượng lớn, cột nước thấp sử dụng động cơ khô; Hệ thống cảm biến phục vụ tưới tiêu và giám sát môi trường đất, khí hậu cho mô hình cây trồng cạn, nước mặt ruộng, 36 poster giới thiệu về các công nghệ của các đơn vị trực thuộc Viện, ấn phẩm, tờ rơi, tạp chí...
BBT Tổng hợp
Ý kiến góp ý: