Hội nghị “Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn”
25/05/2018Với mục tiêu đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, ngày 25/5 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội nghị “Sơ kết giai đoạn 1 kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn và triển lãm”.
Theo đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết trong những năm vừa qua, không những diện tích tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn tăng theo từng năm mà còn tăng cả về đối tượng. Cụ thể, năm 2015 tưới tiết kiệm nước 115.000 hecta, năm 2016 là 150.000 hecta, cuối năm 2017 đạt 276.000 hecta, vượt so với kế hoạch năm 2017 là 76.000 hecta.
Việc áp dụng tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn ngoài việc giảm lượng nước tưới còn giúp người dân giảm lượng phân bón, giảm sức lao động và góp phần bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những thành tựu đó, ngành nông nghiệp còn nhiều thách thức đang gặp phải như biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác phát triển tưới tiết kiệm nước gắn với chuỗi phát triển thị trường, tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền cho người dân để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 hecta cây trồng đạt chuẩn mực được tưới bằng công nghệ kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất, giảm lượng nước tưới và tăng thu nhập của người dân.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng - Chủ trì Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi và Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đồng chủ trì Hội nghị.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đại diện các Tổng cục, Cục, Vụ, Ban, Viện, Trường, Công ty KTCTTL, Công ty TVTK, các nhà khoa học và các chuyên gia. Về phía Bộ, ngành trung ương có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về phía địa phương có đại diện lãnh đạo và cán bộ đại diện các Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi, Các Công ty QLKTCTTL và các đơn vị liên quan thuộc các tỉnh thành. Về các tổ chức quốc tế có đại diện WB, JICA, GIZ, tổ chức sáng kiến thương mại bền vững của Hà Lan, UNDP và ADB… Ngoài ra còn có đại diện Tập đoàn TH.TrueMilk, Công ty NAADANJAIN VN, Công ty cổ phần tưới Khang Thịnh, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan, Công ty CP KH&CN H2 và một số cơ quan truyền thông báo chí.
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện, đại diện lãnh đạo và chuyên viên Ban Kế hoạch Tổng hợp, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo, Trung tâm tư vấn PIM, Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi.
Phó Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong giới thiệu các sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ phát triển
tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe 03 báo cáo khoa học dến từ Tổng cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và tỉnh Lâm đồng về các vấn đề sơ kết đánh giá kết quả giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; giới thiệu các sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ phát triển tưới tiên tiến tiết kiệm nước và báo cáo của một số địa phương điển hình trong phát triển tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Đồng thời được nghe các ý kiến trao đổi, bài học kinh nghiệm, mong muốn và nguyện vọng của IDH, NETAFIM, TH. TrueMilk và người dân trực tiếp sử dụng các công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng việc sử dụng tưới tiên tiến tiết kiệm nước ở Việt Nam đã triển khai từ rất lâu, tuy vậy trong vài năm trở lại đây, việc áp dụng công nghệ này đã có những bước tiến bộ nhảy vọt, theo số liệu thống kê cho thấy theo từng năm tăng lên với tốc độ đột biến, cuối năm 2017 có khoảng 276.000 hecta, tăng hơn 84% so với năm 2016. Do vậy, theo Thứ trưởng đến năm 2020, hoàn toàn có thể kỳ vọng hoàn thành mục tiêu có 500.000 hecta cây trồng đạt chuẩn mực bằng công nghệ kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất, giảm lượng nước tưới và tăng thu nhập của người dân. “Tuy nhiên hiện tại đang có sự chênh lệch cao giữa các vùng, miền, giữa các tỉnh thành phố, không có nghĩa là những tỉnh thấp thì nông nghiệp không phát triển mà một phần là do điều kiện tự nhiên do vậy cần phải nhóm lại và xây dựng các tiêu chí để định hướng đưa các công nghệ vào vùng miền cho phù hợp và tối ưu nhất và quan tâm hơn nữa đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói. Thứ trưởng cũng cho rằng khả năng tiếp cận chính sách cũng là một vấn đề do vậy các cơ quan, các Sở Nông nghiệp cần tham mưu cho các tỉnh để xây dựng chính sách cho từng tỉnh. Về vấn đề công nghệ, Thứ trưởng yêu cầu cần tùy từng loại cây trồng và giá trị từ đó xây dựng mô hình, các cơ quan khoa học, cơ quan tư vấn cần tiếp tục nghiên cứu trong đó chú ý tới chế độ tưới, sơ đồ và xây dựng định mức. Về vấn để truyền thông, cần phổ biến mô hình thông qua kênh các phòng, Ban thông tin; kênh làm tại chỗ mô hình và cần phải kết hợp với doanh nghiệp, những người nông dân sản xuất giỏi, biết tính toán để bà con nông dân xung quanh có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm... Về vấn đề nguồn nước, Thứ trưởng đề nghị các cán bộ làm quy hoạch thủy lợi từ trung ương đến địa phương cần phải đổi mới tư duy trong quy hoạch, tưới, cấp nước và cần học tập những mô hình như Israel hay những mô hình của các quốc gia khác trong khu vực; cần phải đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý nước, nâng cao dự báo kiểm đếm nguồn nước bằng các công cụ như viễn thám, GPS, các công cụ đo và truyền dữ liệu mạnh... “Chúng ta chỉ quen tư vấn các hệ thống hở, các kênh hở còn đối với các hệ thống lớn năng lực tư vấn của chúng ta chưa cao và đây cũng là trách nhiệm của Bộ và của các địa phương. Chúng ta cần nâng cao năng lực tư vấn, tăng cường học hỏi kinh nghiệm, đổi mới cách tiếp cận, rà soát các mô hình để mô hình đó vận hành tốt ở hiện tại, bền vững trong tương lai và phải phù hợp. Thứ trưởng mong muốn xây dựng mối liến kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan khoa học có các sản phẩm tư vấn, các cơ quan nghiên cứu cung ứng và sản xuất, các địa phương về tưới tiên tiến tiết kiệm nước thành một diễn đàn trên cơ sở tự nguyện để từ đó thúc đẩy, trao đổi thông tin, tăng cường sự hỗ trợ từ phía Nhà nước khu vực Doanh nghiệp, khu vực quản lý Nhà nước tại địa phương tới doanh nghiệp sử dụng và người dân để tạo ra phong trào ngày một mạnh mẽ hơn… Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các nhà cung ứng đã tạo cảm hứng và động lực cho lĩnh vực tưới tiên tiến tiết kiệm nước, các tổ chức phi chính phủ, các khu vực doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ này và các cơ quan tư vấn cung ứng công nghệ trong lĩnh vực tưới tiên tiến tiết kiệm nước; các đồng chí lãnh đạo địa phương, các tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế cùng các Bộ, ngành... Trong khuôn khổ Hội nghị còn có các gian hàng triển lãm giới thiệu các công nghệ, thiết bị tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; quy trình tưới, các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng chủ lực.
Ý kiến góp ý: