TextBody
Huy chương 2

Hội thảo “Các vấn đề môi trường nước tại hồ tự nhiên, hồ chứa và biện pháp ứng phó”

03/12/2014

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc khảo sát thí điểm phổ biến công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao chất lượng nước nước các hò chứa, ngày 2/12/2014, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp với Công ty Nikken Sekkei Civl Engineering và Tập đoàn Marshima Aqua System tổ chức hội thảo "Các vấn đề môi trường nước tại hồ tự nhiên, hồ chứa và biện pháp ứng phó.

Về dự Hội thảo có các đại biểu đại diện cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo các Sở NN&PTNT Hòa Bình, Hà Tĩnh, đại diện lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh; đại diện lãnh đạo Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Hòa Bình; Ban Quản lý Dự án Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa; đại diện Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội và một số cơ quan thông tấn báo chí trong nước. Về phía khách quốc tế có đại diện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, Văn phòng JICA Việt Nam; đại diện lãnh đạo và các cán bộ Tập đoàn Marshima Aqua System và Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có Q. Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Viện GS.TS. Trần Đình Hòa, lãnh đạo các Ban tham mưu, lãnh đạo và các cán bộ khoa học Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình.

Hội thảo do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa khẳng định: Hội thảo được tổ chức lần này là một trong nhiều hoạt động trong khuôn khổ hợp tác, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong thời gian vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp với nhiều Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Công ty của Nhật Bản tổ chức các buổi hội thảo trao đổi khoa học giới thiệu các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng công trình, tiết kiệm nước, quản lý rủi ro thiên tai, đảm bảo an toàn hồ chứa. Hội thảo tập trung vào 2 vấn đề chính đó là vấn đề suy giảm chất lượng nước và môi trường tại các hồ chứa và giới thiệu về thiết bị và các giải pháp cải thiện chất lượng nước và môi trường tại các hồ chứa.

GS.TS. Trần Đình Hòa mong muốn qua hội thảo sẽ làm rõ hơn về các vấn đề về môi trường nước hồ chứa ở Việt Nam. Đồng thời đưa ra một số giải pháp, công nghệ thiết bị nhằm ứng phó với các vấn đề về môi trường nước ở các hồ chứa, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, Hội thảo khoa học là dịp để thắt chặt sự hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ không chỉ giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các đối tác đến từ Nhật Bản mà còn là giữa các nhà khoa học, các cơ quan địa phương tham gia tại Hội thảo.

Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ trì Hội thảo GS.TS. Trần Đình Hòa, các đại biểu đã lần lượt nghe 3 báo cáo tham luận do các diễn giả đến từ Tập đoàn Nikken Sekkei Civil Engineering Nhật Bản, Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình và đại diện Tập đoàn Marshima Aqua System về các vấn đề như (1) Các vấn đề về môi trường nước tại các Hồ chứa của Nhật Bản và các giải pháp đã thực hiện, Kế hoạch lắp đặt thiết bị cải thiện môi trường nước được JICA cung cấp và thông tin về nơi lắp đặt;; (2) Hiện trạng chất lượng môi trường tại các hồ chứa ở Việt Nam và các giải pháp cải thiên đã thực hiện; (3) Giới thiệu về thiết bị sục khí được đưa vào vận hành tử nghiệm tại tỉnh Hòa Bình và giới thiệu về các giải pháp môi trường.

Các đại biểu tại Hội thảo đã đánh giá rất cao các báo cáo tham luận của các diễn giả và đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp rất có giá trị về các vấn đề kỹ thuật đối với các công nghệ và tình hình sử dụng thiết bị nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường nước tại hồ tự nhiên và hồ chứa ở Việt Nam như kinh nghiệm quản lý, tuổi thọ, chi phí vận hành, khả năng di chuyển thiết bị, biện pháp xử lý khi có bọt khí nổi lên và kéo theo các chất thải, chất cặn hay chia sẻ, tuyên truyền, tổ chức nhiều cuộc hội thảo tương tự để người dân và lãnh đạo địa phương thấy rõ ưu điểm của thiết bị và mong muốn phía đối tác Nhật Bản cung cấp các thông tin liên quan để phổ biến và ứng dụng rộng rãi các thiết bị.

Cố vấn Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản - Văn phòng JICA Việt Nam Bà Seki Kayoko phát biểu: Thông qua Hội thảo lần này thấy được sự hỗ trợ cũng như sự hợp tác mật thiết giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Tập đoàn Marshima Aqua System Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering. Bà  mong muốn thông qua dự án thí điểm này, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ, liên kết với nhau triển khai các dự án tương tự trong tương lai.

Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Q. Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam gửi lời cảm ơn phía đối tác Nhật Bản qua các dự án đã và đang triển khai phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam như dự án PIM, dự án thủy lợi Bắc Nghệ An hay triển khai các vấn đề liên quan đến việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, môi trường nước và hồ chứa…. và khẳng định hợp tác giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và đối tác Nhật Bản toàn diện. Q. Giám đốc phát biểu: Vấn đề môi trường nước ở Việt Nam là vấn đề lớn, không chỉ riêng đối với các hồ chứa mà còn ở các hệ thống kênh thủy lợi ở phía Bắc Việt Nam, các hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ô nhiễm rất nghiêm trọng ở Việt Nam, các sinh vật như bèo tây, tảo độc có rất nhiều ở kênh  phía Nam hiện nay cũng chưa có giải pháp xử lý triệt để. Q. Giám đốc mong muốn Dự án này sẽ được nhân rộng và phổ biến cho các hồ chứa khác ở Việt Nam; Tổ chức JICA Nhật Bản và các Công ty Nhật Bản sẽ giới thiệu và chuyển giao các công nghệ nhằm xử lý các vấn đề một cách triệt để và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với đối tác Nhật Bản thực hiện các dự án khác tương tự.

Chủ trì Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kết luận: Hội thảo đã được nghe 3 báo cáo cũng như nhiều ý kiến tham luận trình bày, giới thiệu nội dung các kết quả nghiên cứu liên quan đến môi trường nước tại các hồ chứa của Nhật Bản cũng như Việt Nam và các giải pháp và công nghệ cải thiện, đảm bảo an toàn hồ chứa. Qua ý kiến thảo luận và trình bày của các diễn giả đã đi đến đánh giá việc nâng cao nhận thức cũng như ứng dụng thử nghiệm và từng bước phát triển nhân rộng các công nghệ là hết sức quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển bển vững không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở Việt Nam. Việc sử dụng nguồn nước lớn từ các hồ chứa đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất và đảm bảo sức khỏe người dân đây là yêu cầu rất cấp thiết đối với xã hội phát triển. Chủ trì Hội nghị khẳng định: Đây là vấn đề mới ở Việt Nam, tuy nhiên mới được giải quyết ở mức độ khiêm tốn khi áp dụng lần đầu tiên các công nghệ ở Việt Nam và mong muốn trong tương lai các công nghệ này sẽ được nhân rộng và ứng dụng tại các hồ chứa khác ở Việt Nam.

 

Ý kiến góp ý: