TextBody
Huy chương 2

Hội thảo “Chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”

24/03/2014

Ngày 21-3-2014, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội thảo "Chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam". Đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì hội thảo.

Theo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đến nay, tại khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 17 dự án ưu tiên thực hiện, nhằm ứng phó với BĐKH trong khu vực. Đó là các dự án tập trung củng cố, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đê, kè sông, kè biển, hệ thống công trình thủy lợi tại khu vực ĐBSCL, nhằm điều tiết lũ, ngăn mặn, giữ ngọt; hệ thống cung cấp nước ngọt tại những vùng khô hạn và nhiễm mặn với phạm vi các công trình trải rộng trên cả vùng ĐBSCL. Các dự án này khẳng định chính sách pháp luật, các chiến lược, kế hoạch thực hiện của Đảng và Nhà nước về BĐKH được xây dựng tương đối phù hợp, có tính đến điều kiện của các vùng, miền và đưa ra những giải pháp thích nghi, ứng phó với BĐKH cho từng vùng, miền. Các đại biểu cho rằng, trong thời kỳ ảnh hưởng BĐKH, Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, tín dụng, trợ giá nhằm thúc đẩy các hoạt động khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới; xây dựng và ban hành các chính sách thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm, thiết bị, dịch vụ cac - bon thấp, sử dụng tiết kiệm năng lượng, năng lượng sạch, tái tạo... để hạn chế tác động môi trường làm thay đổi khí hậu. Đối với các nhà quản lý, cần đánh giá tác động BĐKH lên mọi mặt như: môi trường sinh thái, sản xuất nông nghiệp nông thôn, phát triển đô thị, y tế cộng đồng, sinh kế người dân, để điều chỉnh kế hoạch đầu tư phát triển phù hợp, thích ứng BĐKH...

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và toàn xã hội rất quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường thông qua những chủ trương về trồng rừng, chương trình khắc phục ô nhiễm môi trường, làng nghề...Đặc biệt, những chương trình lấn biển, ngăn mặn ở các tỉnh phía Nam, trồng cây chắn cát, chắn sóng ven biển miền Trung... cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện những chương trình này cũng như ý thức của nhân dân trước biến đổi của thiên nhiên được nâng lên rõ rệt, góp phần chống lại những diễn biến và tác động xấu, cực đoan của khí hậu, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và những tác động xấu của thiên nhiên đối với con người. Chủ trương của nước ta đến năm 2020 về cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đặt biệt là chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng ĐBSCL...

Theo Báo điện tử Cần Thơ

Ý kiến góp ý: