Hội thảo “Đánh giá tác động của chính sách miễn thủy lợi phí và kiến nghị các biện pháp khắc phục”
13/12/2012Ngày 7/12/2012 tại Trường Đại học Thủy lợi đã diễn ra Hội thảo "Đánh giá tác động của chính sách miễn thủy lợi phí và kiến nghị các biện pháp khắc phục" trong phạm vi các tỉnh vùng thuộc lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình do Hội tưới tiêu Việt Nam, Tổng Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Thủy lợi phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo và chuyên viên thuộc Hội Tưới tiêu Việt Nam, Tổng Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Thủy lợi. Ngoài ra còn có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo một số Chi cục Thủy lợi, các Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi của các tỉnh vùng thuộc lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình.
TS. Phạm Xuân Sử - Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam đã báo cáo đánh giá những khó khăn, thuận lợi và kết quả đạt được của chính sách miễn thủy lợi phí của Nhà nước.
Với mục tiêu nhằm giảm bớt chi phí sản xuất nông nghiệp của người dân; đảm bảo năng lực tưới tiêu của công trình thủy lợi; nâng cao năng lực quản lý khai thác công trình thủy lợi của các tổ chức quản lý, sau 05 năm thực hiện, chính sách miễn thủy lợi phí đã đạt được các kết quả đáng khích lệ như:
Chính sách này đã đáp ứng được chủ trương giảm bớt một phần chi phí của người dân trong sản xuất; tạo ra nguồn kinh phí ổn định cho các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi chủ động trong hoạt động phục vụ sản xuất dân sinh, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi; tạo điều kiện đảm bảo đời sống vật chất cho cán bộ, công nhân quản lý khai thác công trình thủy lợi; nhiều khu vực diện tích tăng lên từ 3-5% thậm chí có nơi tăng 10% diện tích so với trước khi miễn thủy lợi phí. Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được ở trên, chính sách miễn thủy lợi phí của nhà nước cũng còn một số tồn tại như: mức thu thủy lợi phí còn nhiều bất cập; chưa có chế tài xử phạt đối với các đối tượng kinh doanh không hợp tác, chây ỳ việc nộp tiền nước cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi; việc xác định một số chỉ tiêu chuyên môn theo quy định còn rất khó áp dụng đối với hệ thống công trình thủy lợi nhỏ; hướng dẫn quản lý tài chính cho các tổ chức hợp tác dùng nước chưa cụ thể; một bộ phận người dân còn chưa hiểu hết chính sách miễn thủy lợi phí và thiếu ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm nước; bất cập trong mức thủy lợi phí tạo nguồn và đối với diện tích phải thực hiện bơm 2 cấp hay 3 cấp; việc củng cố, kiện toàn tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, đặc biệt các tổ chức hợp tác dùng nước còn chậm...
Cũng tại Hội thảo, Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi - Tổng Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình bày những điểm mới được Chính phủ ban hành trong Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012.
Để tháo gỡ những bất cập còn phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Các điểm mới được nêu tại Nghị định 67/2012/NĐ-CP là:
- Đối với mức thu thủy lợi phí đối với đất trồng lúa: trường hợp tưới, tiêu chủ động một phần thì thu bằng 60% mức phí; trường hợp chỉ tạo nguồn tưới, tiêu bằng trọng lực thì thu bằng 40% mức phí; trường hợp chỉ tạo nguồn tưới, tiêu bằng động lực thì thu bằng 50% mức phí; trường hợp lợi dụng thủy triều để tưới, tiêu thì thu bằng 70% mức phí tưới tiêu bằng trọng lực; trường hợp phải tưới từ bậc 2 trở lên được tính tăng thêm 20% mức bình thường.
- Đối với diện tích trồng mạ, rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ đông thì mức thu thủy lợi phí bằng 40% mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa. Mức thủy lợi phí áp dụng đối với sản xuất muối tính bằng 2% giá trị muối thành phẩm. Cấp nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu nếu không tính được theo m3 thì thu theo diện tích ha.
- Căn cứ tình hình thực tế từng giai đoạn cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mức thu tối đa 30% so với mức thu quy định tại Nghị định 67 này trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trường hợp cần điều chỉnh mức thu vượt 30% so với mức thu quy định tại Nghị định này thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định.
- Mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa, diện tích trồng mạ, rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ đông, sản xuất muối được tính ở vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến công trình đầu mối của công trình thủy lợi. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước cho từng hệ thống công trình theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
- Nghị định mới bổ sung quy định về chính sách đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và việc ngân sách nhà nước cấp bù do thực hiện miễn thủy lợi phí. Theo đó, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi được ngân sách nhà nước cấp bù số tiền do thực hiện miễn thu thủy lợi phí quy định. Mức cấp bù quy định cụ thể như sau: (a) Các đơn vị quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi được cấp bù số tiền do thực hiện miễn thủy lợi phí tính theo mức thu quy định tại Điểm a, b, c và các tiết 3, 4 của Biểu mức thu tiền nước tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 trên đây. Mức cấp bù thủy lợi phí được thực hiện theo nguyên tắc một diện tích, một biện pháp tưới tiêu và một mức thu theo quy định tại Điểm a, b, c và các tiết 3, 4 của Biểu mức thu tiền nước tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 trên đây; (b) Nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, bảo đảm 100% số thủy lợi phí được miễn cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi Trung ương; hỗ trợ 100% kinh phí miễn thu thủy lợi phí tăng thêm đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương; hỗ trợ 50% kinh phí miễn thu thủy lợi phí tăng thêm đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%; đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương từ 50% trở lên, kinh phí tăng thêm do ngân sách địa phương đảm bảo; (c) Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: đảm bảo phần kinh phí miễn thủy lợi phí đã được cân đối ngân sách hàng năm được quy định tại Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2011; đối với các địa phương có thu điều tiết về ngân sách trung ương từ 50% trở lên, ngân sách địa phương đảm bảo 100% thủy lợi phí được miễn tăng thêm cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi địa phương; đối với các địa phương có thu điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% thủy lợi phí được miễn tăng thêm cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi địa phương.
- Nghị định cũng quy định các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm phục vụ đầy đủ, kịp thời đúng tiến độ về dịch vụ tưới nước và tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối đồng thời thực hiện triệt để chính sách tiết kiệm nước; hàng năm, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thực hiện lập dự toán, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt như sau: Đối với các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi do trung ương quản lý báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính; Đối với các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi do địa phương quản lý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ ngành liên quan: hướng dẫn thực hiện các quy định về đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và quy chế quản lý tài chính đối với Công ty TNHH một thành viên sở hữu nhà nước làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Ý kiến góp ý: