Hội thảo “Giải pháp cải thiện môi trường nước trong hồ chứa bằng công nghệ sục tầng sâu và khả năng nhân rộng”
13/01/2016Ngày 13/1/2016, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Marsima Aqua System - Nhật Bản tổ chức Hội thảo Quốc tế” “Giải pháp cải thiện môi trường nước trong hồ chứa bằng công nghệ sục khí và khả năng nhân rộng”.
Tham dự Hội thảo về phía cơ quan Nhật Bản có đại diện Văn phòng JICA Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện Công ty Marsima Aqua System, Công ty Nikken Seikei. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Ông Trần Kim Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và các đại diện các Cục, Vụ thuộc Tổng cục Thủy lợi. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đại diện các Ban tham mưu, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Viện Sinh thái và bảo vệ công trình và các nhà khoa học của Viện tham gia vào Dự án. Về các cơ quan ban ngành trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đại diện Ban QLDA An toàn hồ đập - Sở NN&PTNT Thanh Hóa, Công ty cổ phần cấp nước Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV KTCTTL Hòa Bình, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và một số cơ quan thông tấn báo chí. Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện cho biết: trong khuôn khổ hợp tác giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc khảo sát thí điểm phổ biến công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao chất lượng nước ở hồ chứa, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Marsima Aqua System - Nhật Bản thực hiện thí điểm công nghệ tại hồ Trọng, tỉnh Hòa Bình. Đến nay, sau 02 năm lắp đặt vận hành, đo đạc, kiểm chức các số liệu đã thu được kết quả tốt, giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước trong hồ chứa phục vụ mục đích tưới tiêu và sinh hoạt của cộng đồng dân cư tại địa phương. Chính vì vậy Hội thảo này được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả cải thiện môi trường nước bằng công nghệ sục khí và khả năng nhân rộng công nghệ này ở các hồ chứa tại Việt Nam. Chủ trì Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa mong muốn Hội thảo sẽ làm rõ hơn các giải pháp công nghệ cải thiện chất lượng nước, môi trường nước hồ chứa, khả năng nhân rộng của công nghệ tại Việt Nam nhằm góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Đồng thời, Hội thảo cũng là dịp thắt chặt hơn nữa sự hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ không chỉ giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đối với các đối tác đến từ các Công ty của Nhật Bản mà còn giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý của trung ương, địa phương tham dự tại Hội thảo. Tiếp theo đó, Ông Taro Katsurai - Đại diện JICA Việt Nam, Ông Yanobu Takaya - Công ty Marsima Aqua System - Nhật Bản , Ông Trần Kim Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã cùng nhau ký kết vào biên bản bàn giao thiết bị sau khi kết thúc dự án. Thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ông Trần Kim Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đã đánh giá cao sự hỗ trợ của JICA Việt Nam. Ông cho biết, trong năm vừa qua đã có rất nhiều chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài đã được các tổ chức quốc tế trong đó có JICA đã hỗ trợ cho Việt Nam rất có ý nghĩa, thực hiện có hiệu quả, có tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa rộng và có tính bền vững cao, bám sát theo các chiến lược, chính sách của Nhà nước nói chung và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói riêng. Ông cũng gửi lời chúc mừng đến Viện, dưới sự hỗ trợ của JICA đã có chương trình hợp tác với Công ty của Nhật bản đến nay đã kết thúc, đạt được kết quả tốt và hy vọng thông qua chương trình này, cũng như các chương trình hợp tác lớn khác sẽ có nhiều địa phương, nhiều người dân được hưởng lợi hơn sau khi tiếp thu các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các diễn giả đến từ Công ty Marsima Aqua System, Viện Sinh thái & Bảo vệ công trình và Công ty Nikken Seikei Civil Engineerning trình bày các báo cáo tham luận giới thiệu tổng quan về các công nghệ xử lý nước ở Nhật Bản, giới thiệu Dự án “Xử lý nước hồ Trọng bằng công nghệ Nhật Bản sử dụng thiết bị sục khí tầng sâu, tài liệu bổ trợ về kết quả cải thiện chất lượng nước hồ Trọng và một số hồ khác, tiềm năng triển vọng mở rộng công nghệ sục khí tầng sâu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã được nghe các ý kiến tham luận của các đại biểu đến từ Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh Hòa Bình, Công ty cấp nước Hà Tĩnh và Trường Bách Khoa Hà Nội về công nghệ sục khí tầng sâu của Nhật Bản và khả năng nhân rộng công nghệ này tại các hồ chứa ở Việt Nam.
Ý kiến góp ý: