TextBody
Huy chương 2

Hội thảo “Quản lý xói lở bờ biển các tỉnh miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long”

27/03/2017

“Mong muốn của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các địa phương là rất lớn, sức chúng ta có hạn nhưng chúng ta cần nỗ lực ở mức cao nhất” đây là một trong các kết luận của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài tại Hội thảo diễn ra ngày 24/3 vừa qua tại Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam.

Hội thảo do Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tham dự Hội thảo có Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi và đại diện các Cục, Vụ thuộc Tổng cục Thủy lợi; đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2; Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau; đại diện các lãnh đạo, chuyên viên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi Cục Thủy lợi Phòng tránh thiên tai các tỉnh từ Quảng Trị đến Kiên Giang; đại diện Quỹ Phát triển Cộng hòa Pháp; Cơ quan Hợp tác phát triển Cộng hòa Liên bang Đức GIZ.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, đại diện lãnh đạo và chuyên viên Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam.

Toàn cảnh Hội thảo (Nguồn: Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam)

Những năm qua, do tác động tiêu cực của phát triển kinh tế, xã hội, áp lực của gia tăng dân số, những hạn chế của công tác quản lý, đầu tư dải ven biển, cùng diễn biến bất thường của thời tiết trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm trầm trọng thâm tình hình thiên tai nói chung và xói lở bờ biển nói riêng. Bãi biển tại nhiều khu vực liên tục bị hạ thấp, đường bờ biển thường xuyên bị xói lở lấn sâu về phía bờ và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến các khu dân cư, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, công trình phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng vùng ven biển.

Trước diễn biến xói lở phức tạp vùng ven biển, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ quan và các tổ chức nghiên cứu khoa học đã tích cực vào cuộc; các địa phương đã chủ động huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương, lồng ghép từ các Chương trình, dự án liên quan, một số công trình được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nên nhiều khu vực bờ biển xói lở đã được xử lý góp phần ổn định dân sinh.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
(Nguồn: Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam)

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các diễn giả đến từ Cục Phòng chống thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng nông thôn, Trường Đại học Thủy lợi, Công ty Cựu Phú Lâm Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau trình bày về các vấn đề như: Tổng quan về xói lở bờ biển và công tác quản lý tại cá tỉnh ven biển miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long; Đánh giá hiệu quả xử lý xói lở bờ biển khu vực Cửa Tùng Quảng Trị; Đánh giá diễn biến xói lở, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở bờ biển Gành Hào, Nhà Mát, tỉnh Bạc Liêu; Thực trạng xói lở, bồi lắng bờ biển và công trình chống xói lở đồng bằng sông Cửu Long, định hướng giải pháp bảo vệ...

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi Ông Trần Quang Hoài phát biểu tại Hội thảo
(Nguồn: Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam)

Phát biển tại Hội thảo, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh: Hiện nay, tình hình dòng chảy đã đến mức báo động, sạt lở ven biển cũng như suy thoái lòng dẫn nhất là đối với đồng bằng sông Cửu Long.

“Chúng ta không những chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn mà còn có thể gây ra sự đầu tư lãng phí. Những nghiên cứu của chúng ta nếu không thấu đáo, đầu tư không mang lại hiệu quả cao như một số bài học của chúng ta trong lĩnh vực thủy lợi đó là đầu tư nhưng không đáp ứng yêu cầu đã bị quy trách nhiệm”, Ông nói.

Đối với thực trạng và giải pháp, các địa phương đã rất tích cực chủ động phối hợp cùng các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý đưa ra những giải pháp đa dạng và đã mang lại hiệu quả nhất định.

Ông cho rằng, sự quan tâm cũng như sự nghiên cứu vẫn chưa thực sự thấu đáo, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay. Các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học cần phải có những suy nghĩ đáp ứng được những yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Ông đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổng hợp qua các đề tài nghiên cứu về sạt lở và bồi lấp, các giải pháp đã thực hiện để đánh giá sự phù hợp và đề xuất những kiến nghị gửi về Tổng cục Thủy lợi; thành lập bộ phận chuyên môn để giải quyết vấn đề; khẩn trương có kết quả, giải pháp về xử lý sạt ở Cửa Đại và Gành Hào...

Ông cũng đề nghị lãnh đạo từ các cấp chính quyền, cơ quan quản lý của địa phương cần nâng cao nhận thức người dân, của các cấp chính quyền để hạn chế tác động vào tự nhiên nhất là đối với vùng ven biển, dòng sông...  Ngoài ra, trong quá trình triển khai, cần phải lựa chọn đơn vị tư vấn có nhận thức, trình độ và năng lực.

Đối với cơ quan quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Thủy lợi, Ông đề nghị làm việc với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam để nắm bắt được cơ sở dữ liệu liên quan đến ven biển và đưa ra những xuất; tổng hợp  tình hình sạt lở bồi lấp, hiện nay đề xuất kiến nghị báo cáo Bộ và Chính phủ để có đầu tư đúng mức; đề xuất quy hoạch quản lý bờ biển; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, các cấp cơ quan trong việc tham gia trong công tác sạt lở, bồi lấp, quản lý giải rừng ven biển và các yếu tố khác liên quan đảm bảo ổn định phát triển bển vững.

“Mong muốn của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các địa phương là rất lớn, sức chúng ta có hạn nhưng chúng ta cần nỗ lực ở mức cao nhất”, Ông mong muốn sau Hội thảo sẽ có những hành động thiết thực để bảo vệ người dân, cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội... vùng ven ven biển.  

Ý kiến góp ý: