Hội thảo cấp vùng về ứng dụng kỹ thuật/công nghệ tưới tiêu Nhật Bản cho vùng Hạ lưu vực sông Mê Công
07/07/2022Ngày 04/07/2022 tại Thành phố Băng Cốc - Thái Lan, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế kết hợp cùng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản tổ chức Hội thảo vùng về ứng dụng kỹ thuật tưới của Nhật Bản cho vùng hạ lưu vực sông Mê Công.
Trong khuôn khổ hoạt động của Ủy hội sông Mê Công quốc tế giai đoạn 2021 – 2025, Hội thảo được tổ chức với mục đích giúp các bên tham gia hiểu sâu hơn về quản lý hệ thống công trình thuỷ lợi (Asset Management/AM) và tiêu giữa thời đoạn trong kỹ thuật tưới không liên tục (Midseason Drainage followed by intermittent irrigation/MiDi), rà soát để lựa chọn một số kỹ thuật tưới đang được sử dụng tại Nhật Bản để ứng dụng phù hợp cho vùng Hạ lưu vực sông Mê Công, chia sẻ thông tin và xin ý kiến các quốc gia thành viên về các kỹ thuật tưới của Nhật Bản phù hợp với vùng Hạ lưu vực sông Mê Công và các hoạt động của dự án theo kế hoạch tại các Quốc gia thành viên.
Tham gia Hội thảo có các chuyên gia của Uỷ hội sông Mê Kông Quốc tế và Uỷ ban sông Mê Kông 04 nước: Việt Nam, Thái Lan, CHDCND Lào, Camphuchia; Các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý công trình thuỷ lợi, quản lý tưới, chuyên gia nông nghiệp, công nghệ thông tin.
Về phía Đoàn của Việt Nam có ThS. Phạm Chí Trung - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Tư vấn kỹ thuật - Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Hội thảo do TS. Thim Ly - Trưởng Ban quy hoạch lưu vực sông của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế chủ trì
Tại Hội thảo, TS. Hidefumi Murashita (MRCS) đã giới thiệu tổng quan về Dự án “Cải thiện các công trình thủy lợi ở vùng Hạ lưu vực sông Mê Công /Improving the irrigation Facilities in the lower MRB” (Phase II) hợp tác giữa Uỷ ban sông Mê công quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp quốc tế Nhật Bản (Japan International Research Center for Agricultural Sciences/JIRCAS).
Đây là một dự án nằm trong chuỗi các hoạt động “Hướng dẫn về nâng cao hệ thống tưới cho vùng Hạ lưu vực sông Mê Công nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực” do Nhật Bản tài trợ.
Ông Shozo Ohira - Trưởng đại diện Hiệp hội Tư vấn Phát triển Nông nghiệp Nhật Bản (Agricultural Development Consultants Association of Japan /ADCA) cho biết: Qua nghiên cứu dự án; các thông tin, dữ liệu về nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Myanmar; các hoạt động thí điểm AM tại Hệ thống thuỷ lợi Bawnie, đập Yazin, đập Nglaik và đập Paungaung của Myanmar, Dự án đã xây dựng công cụ và phương pháp thu thập thông tin dựa trên ảnh chụp hiện trạng công trình bằng điện thoại thông minh và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu giúp người quản lý đánh giá được mức độ tin cậy và khả năng hoạt động của mỗi công trình, cấp công trình trong hệ thống, từ đó đưa ra kế hoạch và giải pháp sửa chữa, nâng cấp đảm bảo yêu cầu hoạt động của công trình. Ngoài ra, các chuyên gia Nhật Bản đã sử dụng GPS, phương pháp QGIS, kết hợp điện thoại thông minh để tiến hành khảo sát và lưu giữ hồ sơ các cuộc khảo sát để phục vụ vận hành, bảo dưỡng hệ thống công trình thủy lợi.
Theo Chuyên gia Shozo Ohira, qua triển khai Dự án thí điểm AM ở Lào và Việt Nam (Pilot project of the asset management in Lao PDR and Viet Nam), Nhóm nghiên cứu khẳng định: (1) Sử dụng điện thoại thông minh và internets đem lại hiệu quả trong thực hiện quản lý công trình thuỷ lợi tại Lào và Việt Nam, (2) Tổng cục Thuỷ lợi nước Cộng hoà NCND Lào bày tỏ mong muốn dùng hệ thống đánh giá quản lý công trình thuỷ lợi cho các hệ thống thuỷ lợi trong vấn đề bản đảm an ninh lương thực. Các đơn vị, tổ chức quản lý công trình thuỷ lợi của Lào có kinh nghiệm làm việc lâu năm với điều kiện chi phí hạn chế. Các văn phòng quản lý tại các tỉnh có thể chia sẻ và xem xét áp dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu này trong chuẩn bị nguồn kinh phí cho sửa chữa nâng cấp công trình thuỷ lợi, (3) Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam cũng khẳng định công cụ AM sẽ đóng góp vào việc quản lý vận hành hệ thống thuỷ lợi tại Việt Nam và sẽ có các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trên cơ sở Luật Thuỷ lợi, và (4) cơ sở dữ liệu thu thập được sẽ định kỳ kiểm tra lặp lại tại các hệ thống thuỷ lợi nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.
Báo cáo kết quả nghiên cứu thực địa về phương pháp tưới khô ướt xen kẽ (AWD) ở Việt Nam (Results of the field study of the alternate wetting and drying (AWD) in Viet Nam), Chuyên gia Kenichi Uera (JIRCAS) cho biết giải pháp tưới khô - ướt xen kẽ (AWD) giúp chống thất thoát nước, giảm thiểu thiệt hại do tác động của khô hạn đến sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, tiết kiệm 30% nước tưới, giảm 50% phát thải khí CH4. Hệ thống tưới – tiêu chủ động có vai trò quan trọng, quyết định thành công áp dụng AWD. Việc áp dụng các ống và thước đo nước trong ruộng để quan sát mực nước, xác định nhu cầu tưới có thể thay thế bằng các thiết bị điện thoại thông minh, giúp việc vận hành điều tiết tưới – tiêu chủ động hơn. Chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo đó là cần đề xuất các chính sách để khuyến khích người nông dân áp dụng AWD nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Theo TS. Kazunori Minamikawa (JIRCAS), Dự án thí điểm tiêu giữa thời đoạn trong kỹ thuật tưới không liên tục (MiDi) ở Campuchia (Pilot project of the midseason drainage followed by intermittent irrigation (MiDi) in Cambodia) đã phân loại các giải pháp quản lý tưới hiện tại cho cây lúa nước, các phương pháp tưới phổ biến ở tỉnh Pursat, Campuchia. Hướng tới việc đạt được tín chỉ các-bon bằng cách sử dụng phương pháp đánh giá đơn giản MRV (giám sát/Monitoring, báo cáo/Reporting và xác minh/Verification), xây dựng thị trường các – bon và khuyến khích nông dân áp dụng.
Tại Hội thảo, Đoàn đến từ Việt Nam đã phát biểu, chia sẻ thông tin về các dự án, chương trình mà Việt Nam đang áp dụng AWD. Kinh nghiệm thực hiện AWD tại Việt Nam cho thấy, bên cạnh yêu cầu cải thiện hệ thống công trình thuỷ lợi nội đồng đảm bảo điểu kiện điều tiết nước, việc xây dựng cánh đồng lớn giúp cho việc áp dụng AWD thuận lợi hơn tại nhiều địa phương, sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý tưới đóng vai trò quan trọng và đảm bảo sự thành công khi áp dụng AWD. Các hoạt động hỗ trợ của JICA/Nhật Bản, trong các dự án, mô hình quản lý tưới có sự tham gia tại Huế, Nghệ An, Cần Thơ,…đã được nhân rộng tại nhiều địa phương khác và được thể chế hoá trong Luật Thuỷ lợi, trong đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng đưa ra một số băn khoăn về việc lựa chọn đánh giá hệ thống thuỷ lợi An Kim Hải (Hải Phòng) nằm ngoài lưu vực sông Mê Công để thực hiện dự án thí điểm quản lý công trình thuỷ lợi hay việc xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng AM, MiDi cần xem xét với những khu tưới cao hơn, khan hiếm nguồn nước và các giống lúa có đặc điểm sinh trưởng khác nhau.
Đoàn Việt Nam cũng khẳng định sẽ tham gia góp ý và chia sẻ kinh nghiệm với các nước thành viên khác để áp dụng thành công AM và MiDi.
Kết luận tại Hội thảo, TS. Hidefumi Murasita cho rằng việc áp dụng quản lý công trình thuỷ lợi (AM) tại Myanmar rất thành công. Chính phủ Myanmar đã đề xuất và tìm kiếm nguồn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới cho việc nâng cấp các hệ thống công trình thuỷ lợi từ kết quả của dự án thí điểm này.
Dự án thí điểm tại Lào và Việt Nam với những cải tiến cho điện thoại thông minh và công nghệ đám mây của ADCA rất thân thiện với người dùng và hiệu quả, chi phí áp dụng dưới 100 USD/năm. Cơ sở dữ liệu này giúp cho việc quản lý hệ thống thuỷ lợi hiệu quả bao gồm việc xác định chi phí cho sửa chữa nâng cấp công trình. ADCA có kế hoạch đào tạo và chuyển giao AM tại Lào và Việt Nam trong thời gian tới.
TS. Hidefumi Murasita khẳng định, thông qua Dự án thí điểm tiêu giữa thời đoạn trong kỹ thuật tưới không liên tục (MiDi) tại Camphuchia và Việt Nam, JIRCAS đã thu thập được các số liệu khẳng định sự hiệu quả trong giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm chi phí bơm.
JIRCAS có kế hoạch thực hiện một dự án thí điểm với quy mô lớn tại Camphuchia để hoàn thiện phương pháp MRV nhằm tìm ra giải pháp quản lý nước cho các khu vực cao hơn và với những mùa vụ và giống lúa khác nhau.
TS. Hidefumi Murasita cho biết, ADCA, JIRCAS và MRC sẽ tiếp tục chia sẻ với các quốc gia thành viên Uỷ hội sông Mê Công những kinh nghiệm từ các dự án AM và MiDi; Tăng cường sự hiểu biết và năng lực về AM, MiDi không chỉ cho các quốc gia đang thực hiện dự án thí điểm mà cho cả các quốc gia khác; Dự thảo tài liệu, công cụ hướng dẫn AM, MiDi và cập nhật hoàn thiện từ các dự án thí điểm.
Các chuyên gia của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế và các nước thành viên khác
Các chuyên gia của MAFF, ADCA, JIRCAS tham dự Hội thảo trực tuyến
Các chuyên gia tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
P.C.T (CTIC)
Ý kiến góp ý: