Hội thảo Chương trình Đào tạo Tiến sỹ
15/04/2013Ngày 17/05/2012, Trung tâm Đào tạo & Hợp tác Quốc Tế - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về Chương trình Đào tạo Tiến sỹ tại cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ đầu ngành về các lĩnh vực thủy lợi của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
Thực hiện mục tiêu đào tạo tiến sỹ có trình độ cao về lý thuyết và năng lực thực hành phù hợp, có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề mới có ý nghĩa về khoa học, công nghệ và hướng dẫn nghiên cứu khoa học, Trung tâm Đào tạo & Hợp tác Quốc tế - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã được giao nhiệm vụ Xây dựng khung chương trình đào tạo Tiến sỹ tại cơ sở đào tạo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Sau một thời gian khẩn trương xây dựng, Trung tâm đã hoàn tất dự thảo khung chương trình và xin ý kiến đóng góp, trao đổi của các nhà quản lý, nhà khoa học tại Hội thảo lần này. Khung Chương trình đào tạo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam bao gồm 3 phần chính (1) Các học phần bổ sung; (2) Kiến thức bắt buộc chung, kiến thức tự chọn, tiểu luận tổng quan, 02 chuyên đề; (3) Luận án Tiến sỹ với tổng số 84 tín chỉ và 07 Chuyên ngành đào tạo: Phát triển nguồn nước; Chỉnh trị sông và bờ biển; Xây dựng công trình thủy; Quy hoạch và quản lý tài nguyên nước; Tưới tiêu cho cây trồng; Môi trường đất và nước; Địa kỹ thuật Xây dựng. Theo PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: Mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình Đào tạo Tiến sỹ là trang bị cho các Nghiên cứu sinh các kiến thức cơ bản, chuyên sâu và các kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên môn; hỗ trợ NCS rèn luyên khả năng nghiên cứu, xác định vấn đề và độc lập giải quyết các vấn đề có ý nghĩa trong lĩnh vực chuyên môn. Thực hiện đào tạo linh hoạt, có định hướng cho nghiên cứu sinh, phương pháp đào tạo thực hiện chính đó là tự học tập, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học. Tại Hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc đào tạo lý thuyết, chương trình cần chú trọng tới các kỹ năng thực hành và ứng dụng kiến thức đã được học vào từng trường hợp, tình huống cụ thể trong công tác chuyên môn. Nội dung của các chuyên ngành cần được biên soạn thành giáo trình giảng dạy nâng cao. Ngoài ra, Trung tâm Đào tạo & Hợp tác Quốc tế cần có thống kê các tài liệu tham khảo và có danh mục kèm theo cũng như cần có dự thảo Khung chương trình nhiều lần để hoàn chỉnh. Các nhà khoa học sẽ chia 7 chuyên ngành thành 02 nhóm, mỗi nhóm có nhiệm vụ xây dựng khung chương trình của nhóm đó, mô tả khái quát nội dụng của từng môn học. PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ý kiến góp ý: