TextBody
Huy chương 2

Hội thảo cuối kỳ Đề tài cấp Quốc gia. Mã số: ĐTĐL.CN-84/21

25/03/2025

Sáng ngày 25/3/2025, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo cuối kỳ Đề tài cấp Quốc gia  “Nghiên cứu xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp với khả năng xảy ra lũ lớn và sự cố vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn”. Mã số: ĐTĐL.CN-84/21 do TS. Kiều Xuân Tuyển làm chủ nhiệm.

Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan quản lý nhà nước có Đại diện Văn phòng Các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước - Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Về phía Viện Khoa học  Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện; PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện. Ngoài ra còn có các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực sông, biển và các thành viên tham gia thực hiện đề tài.

Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì.

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài Đề tài tổ chức Hội thảo cuối kỳ để xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học cho các sản phẩm của đề tài.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Đề tài “Nghiên cứu xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp với khả năng xảy ra lũ lớn và sự cố vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn”. Đây là Hội thảo cuối kỳ, Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện trình bày những kết quả, sản phẩm khoa học công nghệ chính nhằm xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để có thể hoàn thiện các sản phẩm tốt nhất trước khi họp hội đồng nghiệm thu đánh giá của cơ quan chủ trì cũng như gửi cấp có thẩm quyền đánh giá nghiệm thu chính thức.

Báo cáo các kết quả đạt được của Đề tài, thay mặt nhóm thực hiện, TS. Kiều Xuân Tuyển - Chủ nhiệm Đề tài cho biết mục tiêu Đề tài là Đánh giá được khả năng xảy ra lũ lớn và nguy cơ vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn; Xây dựng được quy trình và khung hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các tình huống xảy ra lũ lớn, xả lũ khẩn cấp và vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn; Đề xuất được giải pháp giảm thiểu thiệt hại cho hạ du khi xảy ra lũ lớn, vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.

07 nội dung nghiên cứu của Đề tài bao gồm: Thu thập, chỉnh lý và hệ thống hóa các số liệu đã có. Đo đạc khảo sát bổ sung tài liệu địa hình, thuỷ văn phục vụ các nội dung nghiên cứu của đề tài; Nghiên cứu tổng quan cơ sở khoa học và thực tiễn ứng phó với khả năng xảy ra lũ lớn và nguy cơ vỡ đập trên thế và Việt Nam; Nghiên cứu đánh giá khả năng xảy ra lũ lớn và nguy vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong điều kiện bình thường; Nghiên cứu đánh giá khả năng xảy ra lũ lớn và nguy vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong điều kiện BĐKH; Nghiên cứu xây dựng qui trình và khung hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các tình huống xảy ra lũ lớn, xả lũ khẩn cấp và xảy ra vỡ đập lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn; Nghiên cứu xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp khi xảy ra lũ lớn và sự cố vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn; Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phòng chống giảm thiểu rủi ro lũ gắn liền với điều kiện thực tế trên trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và năng lực ứng phó khẩn cấp của địa phương

Qua quá trình triển khai 07 nội dung trên, đề tài đã đưa ra được cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn rõ ràng, đầy đủ, cập nhật mới nhất các thành tựu về khoa học công nghệ trong ứng phó với khả năng xảy ra lũ lớn, xả lũ khẩn cấp và vỡ đập của các nước trên thế giới và Việt Nam; Đánh giá được khả năng xảy ra lũ lớn và nguy cơ vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn; Xây dựng bộ tài liệu quy trình và khung hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các tình huống xảy ra lũ lớn, xả lũ khẩn cấp và xảy ra vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; Đề xuất được các giải pháp công trình, phi công trình giảm thiểu rủi ro gắn liền với điều kiện thực tế trên lưu vực sông và điều kiện năng lực ứng phó khẩn cấp của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; Bộ bản đồ các phương án ứng phó khẩn cấp khi xảy ra lũ lớn và sự cố vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; Ngoài ra đề tài đã có 01 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí quốc tế; 01 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước; 01 TS và 01 Ths đã bảo vệ thành công và hỗ trợ 01 NCS.

Các đại biểu có mặt tại Hội thảo đều nhất trí cho rằng đây là đề tài khó; các nội dung và sản phẩm đặt hàng cơ bản đầy đủ. Đồng thời đề nghị Chủ nhiệm và nhóm thực hiện Đề tài cần chỉnh sửa lại kết cấu, trình bày ngắn gọn, tường minh để đạt mục tiêu mong muốn. Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp truyền thống, phương pháp mô hình thủy văn, thủy lực để tính toán cho các bài toán trên lưu vực, chủ nhiệm Đề tài cần sử dụng thêm phương pháp AP để đánh giá các trọng số, ma trận. Tham khảo thêm các kết quả của những đề tài tương tự đã thực hiện trước đây để khẳng định độ tin cậy về phương pháp nghiên cứu, cơ sở dữ liệu, cơ sở lý luận; Chi tiết hơn mưa trên thượng nguồn để có kế hoạch ứng phó và di dân…

Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng chủ trì Hội thảo đã gửi lời cảm ơn các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý có giá trị và thiết thực đối với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và giúp Chủ nhiệm Đề tài có thể chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi nghiệm thu cấp tiếp theo.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng đang được ưu tiên đẩy mạnh, làm đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là đề tài rất có ý nghĩa, là sản phẩm có giá trị trong ứng dụng thực tiễn, có lợi cho chủ hồ và có lợi cho việc đảm bảo an toàn công trình. Chủ trì Hội thảo đề nghị Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia có mặt tại Hội thảo. Đồng thời chỉnh sửa hoàn thiện sản phẩm gửi cho các địa phương liên quan xin ý kiến góp ý.

Ý kiến góp ý: