Hội thảo Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Đồng Nai
01/07/2016Ngày 30/6/2016 tại Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Tổng cục Thủy lợi đã chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Đồng Nai. Dự án do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ.
Về phía đơn vị quản lý dự án có PGS.TS Lê Thị Kim Cúc, Giám đốc BQLDA. Về phía cơ quan thực hiện dự án, có PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. Dự án do Liên danh Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thực hiện chính. Về phía Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) có các chuyên gia: Jose Tissier, Oriane Cornill. Ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi đã phát biểu khai mạc hội thảo. Mục tiêu chung của Dự án Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Đồng Nai: - Góp phần phát triển chiến lược trung và dài hạn và hướng dẫn Quản lý rủi ro lũ lụt bền vững (SFRM), dựa trên việc nâng cao kiến thức liên ngành và toàn diện về dự báo lũ lụt, đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro để giảm thiểu rủi ro lũ và cải thiện khả năng phục hồi lũ ở lưu vực sông SG-ĐN. Mục tiêu cụ thể: - Thích ứng kiến thức tiên tiến và kỹ thuật mô hình hóa để đánh giá rủi ro lũ, nhắm vào các nguồn hiểm họa, sự đối mặt và tình trạng dễ bị tổn thương trên lưu vực sông SG-ĐN; - Đánh giá các biện pháp kiểm soát lũ hiện thời và xây dựng các chiến lược trung và dài hạn cho Quản lý Rủi ro Lũ Bền vững (SFRM) nhằm giảm các rủi ro về lũ và nâng cao khả năng phục hồi sau lũ trên lưu vực sông SGĐN; - Liên kết giữa những nhà ra quyết định, các bên liên quan và các nhà khoa học cũng như khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong Quản lý rủi ro về lũ (FRM); - Trao đổi và đánh giá kiến thức, kinh nghiệm về FRM giữa các chuyên gia trong nước và các chuyên gia quốc tế. Theo Quyết định số 4341/QĐ-BNN-HTQT ngày 09/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn 1 (2015-2016) của Dự án có 05 hợp phần sau: - Hợp phần WP1: Hệ thống thông tin lũ lưu vực (FIS); - Hợp phần WP2: Đánh giá nguy cơ ngập lụt; - Hợp phần WP3: Đánh giá tính dễ tổn thương và rủi ro về kinh tế; - Hợp phần WP4: Đánh giá các biện pháp kiểm soát lũ hiện có để xây dựng khung quản lý rủi ro lũ tổng hợp; - Hợp phần WP5: Phổ biến kết quả - Đào tạo. Sản phẩm chủ yếu của giai đoạn 1 Dự án: - Hệ thống thông tin lũ (FIS) cho Lưu vực sông SG-ĐN; - Mô hình quản lý rủi ro lũ bền vững: 03 mô hình thí điểm (đại diện khu vực thành phố, đại diện khu vực đô thị và khu công nghiệp, đại diện cho khu vực nông thôn); - Khung quản lý rủi ro lũ tổng hợp được UBND các tỉnh, thành trong vùng dự án chấp thuận; - Chuyển giao kiến thức, khoa học, công nghệ tiên tiến cũng như kinh nghiệm về quản lý rủi ro ngập lụt bền vững giữa tư vấn quốc tế và tư vấn trong nước. Một số kết quả chính đạt được của Dự án (đến tháng 6/2016): - Hợp phần 1 (WP1): Đã tổ chức đào tạo kiến thức về FIS; thiết kế cấu trúc của FIS; xây dựng được phiên bản đầu tiên của FIS với các ưu điểm: kết nối và chạy trên mạng Internet với các công cụ tính toán khác như mô hình thủy lực (Telecmac), mô hình thủy văn (MARINE) (trong phiên bản cuối cùng sẽ kết nối cả với công cụ đánh giá rủi ro); có thể dễ dàng chuyển giao cho cơ quan quản lý sau khi kết thúc dự án. - Hợp phần 2 (WP2): Đã đào tạo các kiến thức về mô hình thủy văn (MARINE), thủy lực (Telemac); thiết lập và chạy mô hình thủy văn MARINE cho các tiểu lưu vực trên Lưu vực sông SG-ĐN để tính toán dòng chảy làm biên đầu vào cho mô hình thủy lực. Đến thời điểm hiện tại, đã xác định được quá trình lưu lượng tới hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An. Đây là mô hình thủy văn được thiết lập dựa trên các quá trình vật lý hình thành dòng thấm, dòng chảy tràn trên mặt đất (chảy theo độ dốc lớn nhất) và dòng chảy trong lòng dẫn. Vì vậy, mô hình có khả năng mô phỏng quá trình mưa – dòng chảy sát thực tế hơn, chính xác hơn, phù hợp cho mô phỏng những sự kiện thủy văn thay đổi nhanh như lũ. Hợp phần này cũng đã thiết lập và áp dụng mô hình thủy lực Telecmac cho toàn bộ lưu vực sông SG-ĐN (bao gồm cả Vàm Cỏ). Đã có kết quả bước đầu về diễn biến ngập cho một trận lũ (độ ngập, diện ngập, mực nước, trường vận tốc khu ngập). Đây là mô hình cho phép giải bài toán về sóng gián đoạn (vỡ đập, nước nhảy), tính ổn định của mô hình cao, thời gian mô phỏng ngắn nên có thể mô phỏng cho cả vùng rộng lớn (phạm vi toàn lưu vực), xem xét hiện tượng lan truyền năng lượng triều vào sông thông qua con triều thực tế lấy từ ngoài khơi; đầu ra của mô hình này ngoài độ ngập và diện ngập, mô hình còn cung cấp các đầu ra quan trọng phục vụ đánh giá rủi ro ngập lụt như trường vận tốc dòng chảy lũ; có thể mô phỏng chi tiết (đến các đường phố chính, khu công nghiệp, khu dân cư) cho khu vực đô thị (TP.HCM). - Hợp phần 3 (WP3): Đã tổ chức đào tạo kiến thức (lớp 1) về đánh giá tính dễ tổn thương và rủi ro lũ. - Hợp phần 5 (WP5): Đã tổ chức 5/6 lớp đào tạo (bao gồm cả Lớp 2 về đánh giá tính dễ tổn thương và rủi ro lũ); xây dựng Website của Dự án để giới thiệu dự án, chia sẻ thông tin, báo cáo dự án, tài liệu... Tại hội thảo, các cơ quan quản lý dự án, nhà tài trợ, cơ quan thực hiện dự án và các đại biểu tham dự đã thảo luận về những kết quả đã đạt được trong Giai đoạn 1, bàn những biện pháp cụ thể để triển khai Giai đoạn 2 của Dự án. Theo www.siwrr.org.vn
Ý kiến góp ý: