TextBody
Huy chương 2

Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp xử lý sạt trượt đất khu vực thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần

17/12/2024

Sáng ngày 16/12/2024, tại Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp xử lý sạt trượt đất khu vực thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Hoàng Gia Long – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang; Đồng chí Phan Huy Ngọc – Giám đốc Công An tỉnh Hà Giang; đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang; đồng chí Tráng A Dương Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang; Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây Dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Viện Địa lý; Viện Địa chất; Đại học Khoa học Tự nhiên; Đại học Mỏ Địa chất; Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa – Giám đốc Viện; Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo; Viện Thủy công.

Ngoài ra còn có lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Giao thông Vận tải; tập thể Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Xín Mần; Đảng ủy, UBND thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần; các phòng ban của huyện Xín Mần – Hà Giang

Hội thảo do Đồng chí Hoàng Gia Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang và GS.TS. Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đồng chủ trì.

Đánh giá kết quả nghiên cứu diễn biến trượt lở ở trung tâm thị trấn Cốc Pài và nguy cơ trượt lở khu tái định cư Súng Sảng, PGS.TSKH Vũ Cao Minh cho biết trượt lở ở trung tâm thị trấn Cốc Pài có diễn biến lâu dài và phức tạp, gây ra tác hại lớn về tài sản và gây ra mối nguy hiểm thường trực cho nhân dân thị trấn. Các kết quả nghiên cứu cho đến nay đã phản ánh được hiện trạng, diễn biến, tính chất của trượt lở cũng như mối nguy hiểm và đề xuất xây dựng được biện pháp phòng chống. Tuy vậy, theo PGS.TSKH. Vũ Cao Minh, Trượt ở thị trấn Cốc Pài có đặc thù là có nhiều trượt lớn và rất lớn, sâu, gây khó khăn cho công tác cảnh báo cũng như gây khó và tốn kém cho các giải pháp công trình phòng chống.

Nói về trượt ở thị trấn Cốc Pài, PGS.TSKH. Vũ Cao Minh cho biết đây là hiện tượng hiếm gặp ở Việt Nam.  “Chưa có thị tứ, thị trấn nào bị trượt và lở gây thiệt hại và đe dọa ngay tại khu trung tâm, lớn và nguy hiểm đến thế”. Vì vậy cần có sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của các cấp, các ngành về kinh phí cũng như về phương hướng chỉ đạo; đưa ra các quyết sách phù hợp…

Phân tích nguy cơ dựa trên hậu quả và đề xuất giải pháp giảm nhẹ rủi ro sạt lở cho thị trân Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng – Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết: sau cơn bão số 3 (YAGI) vừa qua, lũ quét, sạt lở đất xảy ra khốc liệt trên diện rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Bên cạnh các giải pháp đang triển khai như lập bản đồ cảnh báo nguy cơ, áp dụng các công nghệ dự báo, cảnh báo, xây dựng các công trình phòng chống, giảm thiểu nguy cơ, .... thực tế cho thấy cần phải có một cách tiếp cận mới cho phép nhận diện nguy cơ, sàng lọc các ưu tiên để bố trí nguồn lực hợp lý cả về giải pháp công trình và phi công trình.

GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng đã đề xuất khung đánh giá an toàn lũ quét, sạt lở đất theo cách tiếp cận dựa trên thông tin rủi ro và các giải pháp công trình, phi công trình để phòng chống, giảm nhẹ rủi ro sạt lở cho thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang như hoàn thiện tổ chức PCTT cộng đồng; nạo vét, khơi thông hệ thống rãnh thoát nước dọc hai bên đường giao thông, trên mái dốc; quy hoạch bố trí dân cư; triển khai làm lưới chắn đá lở, đá lăn đoạn đường vào TT Cốc Pài; trồng cây chắn đá lở, đá lăn khu vực thôn Cốc Coọc... Bên cạnh đó, để ổn định lâu dài cho khu vực trung tâm thị trấn, GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng đã đưa ra biện pháp chắn giữ các khối trượt lở lớn bằng giếng thoát nước kết hợp ổn định mái dốc.

Tham luận về nguyên nhân, cơ chế và giải pháp phòng chống trượt lở khu vực trung tâm thị trấn Cốc Pài, tỉnh Hà Giang, Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết do đặc điểm tự nhiên tại khu vực thị trấn Cốc Pài, các hiện tượng như trượt lở đất đá, đổ lở đá, hình thành phễu Karst hay hang động Karst đã xuất hiện từ rất lâu và gây ra thiệt hại lớn cho người và của, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trước mắt và lâu dài. Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng trước mắt không nên tập trung đông dân tại những vị trí đang có nguy cơ trượt lở; hạn chế xây dựng công trình quy mô lớn, tải trọng nặng; thực hiện ngay các biện pháp thoát nước. Về lâu dài có thể xem xét biện pháp từng bước dãn dân, thực hiện công tác bảo tồn thị trấn. Bên cạnh đó cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu, đặc biệt là các giải pháp công trình, phi công trình phù hợp với tính chất, đặc điểm khu vực thị trấn Cốc Pài để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài.

Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề nghị cần xây dựng quy hoạch sử dụng đất, lập kế hoạch sử dụng phù hợp với đặc điểm tự nhiên của địa phương; xây dựng các công trình phòng, chống trượt lở đất theo hướng xử lý móng sâu và tăng cường thoát nước, hạn chế tối đa việc gia tải thêm; Xây dựng công trình phòng, chống đổ lở đá theo hướng tạo bẫy hoặc lưới chắn cường độ cao; Xây dựng các hệ thống quan trắc, cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, trong đó cần quan tâm đến các ngưỡng cảnh báo phù hợp với địa phương là những nội dung nên thực hiện trên địa bàn.   

Tham luận tại Hội thảo, theo Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết trượt lở đất tại thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần là một vấn đề cấp bách đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân và sự phát triển bền vững của khu vực. Các hiện tượng trượt lở đã gia tăng về cả tần suất và mức độ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đồng thời làm gián đoạn hoạt động giao thông, kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường. Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều giải pháp phòng chống trượt lở được triển khai, nhưng các biện pháp này vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề, đặc biệt là trong bối cảnh điều kiện địa lý và khí hậu khó khăn.

Các giải pháp công trình như gia cố mái dốc, hệ thống thoát nước và phòng chống đá lăn đã mang lại một số kết quả tích cực, tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp phi công trình như quan trắc, cảnh báo sớm, và tuyên truyền cộng đồng cũng cần được chú trọng hơn nữa. Cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, cộng đồng và các nhà khoa học để tối ưu hóa các biện pháp ứng phó, Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khuyến nghị chính quyền địa phương cần báo cáo các cấp, tận dụng mọi nguồn lực huy động nguồn tài chính, công nghệ tiên tiến, và chuyên gia kỹ thuật; thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành giữa chính quyền, chuyên gia địa chất, và cộng đồng để tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện; có một kế hoạch tổng thể đồng bộ, kết hợp giữa các biện pháp công trình và phi công trình để giải quyết toàn diện, ứng phó hiệu quả với tai biến trượt lở; nâng cao nhận thức cộng đồng.

Ý kiến góp ý: