TextBody
Huy chương 2

Hội thảo đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên 3

28/08/2015

Ngày 25/8/2015, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo Đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực hồ chứa vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và phát triển bền vững tài nguyên nước vùng Tây Nguyên” do TS. Đặng Hoàng Thanh - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ nhiệm.

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3,  Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi, Hội Thủy lợi. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, PGS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện; đại diện các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc Viện Thủy công, Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về ĐLHSB.

Với mục đích xin ý kiến góp ý xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực khai thác tổng hợp và đề xuất một số cơ chế chính sách trong quản lý vận hành hồ chứa vừa và nhỏ ở khu vực Tây Nguyên, các diễn giả trong nhóm thực hiện đã lần lượt trình bày báo cáo về hiện trạng khai thác tổng hợp hồ chứa vừa và nhỏ ở Tây Nguyên; báo cáo về tiêu chí đánh giá năng lực khai thác tổng hợp hồ chứa vừa và nhỏ ở Tây Nguyên; báo cáo về vấn đề cơ chế chính sách, tổ chức quản lý vận hành hồ chứa vừa và nhỏ ở Tây Nguyên.

Theo báo cáo, qua khảo sát thực tế và trên cơ sở thống kê số liệu của các địa phương, trên 2000 hồ, đập vừa và nhỏ ở Tây Nguyên đã bị xuống cấp nghiêm trọng do được xây dựng từ rất lâu, chịu nhiều tác động của các yếu tố bất lợi như khí hậu, rừng đầu nguồn, xói mòn, sạt lở, bị xuống cấp nghiêm trọng nên đã  không còn bảo đảm đủ nước để tưới và an toàn phòng chống lũ, bão. Ngoài việc lòng hồ bị bồi lắng thì các đập đất bị lún, nứt, thấm qua vai đập, mái đập ở cả thượng và hạ lưu đều bị sạt lở; có nhiều công trình bị hư hỏng các hạng mục chính như thấm ở thân đập, tràn bị đứt gãy, đuôi tràn bị xói, cống đứt gãy....  Có thể thấy rằng, số lượng hồ, đập ở Tây Nguyên được xây dựng khá nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống; diện tích tưới thiết kế chỉ đảm bảo gần 40% mặc dù diện tích tưới thực tế đạt được trên 70%. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thiếu kinh phí vận hành, tu bổ, sửa chữa; công tác quản lý, khai thác ở cơ sở còn chưa tốt; công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, ý thức của người dân còn kém; các công trình phân tán nhỏ lẻ, nạn khai thác rừng bừa bãi.

Từ cơ sở khoa học và thực tiễn, tình hình công trình, hiện trạng quản lý khai thác các công trình thủy lợi hồ chứa ở Tây Nguyên, điều kiện kinh tế, kỹ thuật, xã hội và hoàn cảnh của vùng và yêu cầu, năng lực thực tế, nhóm nghiên cứu đã đề xuất thể loại các tiêu chí đánh giá hiệu quả năng lực khai thác tổng hợp của công trình thủy lợi, hồ chứa bao gồm các loại nhóm như nhóm chỉ tiêu đánh giá năng lực, hiệu quả tưới nước cho: cây trồng, phát triển thủy sản, sinh hoạt dân cư, phát triển công nghiệp nhỏ, công nghiệp địa phương, chăn nuôi và nhóm chỉ tiêu đánh giá năng lực, hiệu quả công trình thủy lợi phục vụ phát triển du lịch. Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực khai thác tổng hợp như tiêu chí đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội; nhóm đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên; tiêu chí đánh giá hiện trạng các hạng mục công trình của hồ chứa vừa và nhỏ; tiêu chí đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; tiêu chí đánh giá khả năng đáp ứng chuyên môn và đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong quản lý vận hành hồ chứa vừa và nhỏ; tiêu chí đánh giá khả năng đáp ứng cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành hồ chứa vừa và nhỏ; tiêu chí đánh giá khả năng xây dựng kế hoạch phòng ngừa rủi ro, sự cố và cách khắc phục sự cố; tiêu chí đánh giá chính sách thu hút đầu tư, quản lý khai thác vận hành hợp lý các hồ chứa vừa và nhỏ và tiêu chí đánh giá năng lực khai thác tổng hợp hồ chứa và nhỏ ở Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có hành lang pháp lý được hình thành bằng các pháp lệnh của Nhà nước, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành, nhưng theo nghiên cứu của nhóm thực hiện, chính sách quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn Tây Nguyên còn gặp phải những tồn tại, khó khăn nhất định khi vận dụng vào vùng có nhiều đặc thù như Tây Nguyên, mô hình tổ chức quản lý, vận hành khai thác công trình thủy lợi nói chung trong đó có hồ, đập vừa và nhỏ mỗi tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên mỗi khác, thể hiện sự thiếu thống nhất và cho đến nay cũng không đánh giá được hiệu quả của từng loại mô hình. Chính vì vậy, nhằm phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi, khắc phục những bất cập, những hạn chế và chức năng, quyền hạn của các tổ chức; không còn phù hợp với tình hình xây dựng và phát triển kinh tế ở giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp cụ thể về mô hình quản lý; phân cấp quản lý; tách biệt cơ quan quản lý hành chính Nhà nước với các đơn vị quản lý chuyên môn kinh tế kỹ thuật; có tiêu chí phân cấp quản lý rõ ràng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để nâng cao trình độ dân trí, mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, đào tạo cán bộ chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng tại các hồ, đập vừa và nhỏ ở Tây Nguyên hệ thống quan trắc theo dõi những biến đổi của công trình, đo đạc thủy văn khí tượng phục vụ cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình... Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những kiến nghị với Bộ chủ quản bổ sung các thông tư hướng dẫn về quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi có tính đến những đặc điểm riêng của vùng Tây Nguyên về chính sách đầu tư, chính sách tài chính, quản lý khai thác và đề xuất mô hình quản lý khai thác.

Ý kiến góp ý: