Hội thảo đề tài về đánh giá tác động của thủy điện đến dòng chảy, môi trường, kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long
05/12/2012Ngày 30/10/2012, tại thành phố Cần Thơ, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, đơn vị chủ trì đề tài "Nghiên cứu đánh giá tác động của các bậc thang thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông đến dòng chảy, môi trường, kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất giải pháp giảm thiểu bất lợi", mã số KC08.13/11-15 đã tổ chức Hội thảo mở đầu.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, các đại biểu đến từ Ủy ban nhân dân 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... Mục đích của hội thảo là trình bày một số kịch bản phát triển thượng lưu nói chung và thủy điện dòng chính nói riêng, các tác động có thể xuống hạ lưu và các đánh giá liên quan; Tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các tỉnh, các ban ngành về tác động thủy điện thượng lưu và mối quan tâm của các tỉnh ở ĐBSCL phục vụ nghiên cứu đánh giá tác động của các bậc thang thủy điện dòng chính, đáp ứng yêu cầu quan tâm của các địa phương. Tại Hội thảo, các đại biểu đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, các đại biểu cho rằng: Hiện nay đang thiếu các thông tin về thượng lưu cũng như về thủy điện vì vậy việc thực hiện đề tài là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng rất quan tâm đến các vấn đề như: Thay đổi dòng chảy (thay đổi phù sa, thay đổi lòng dẫn, thay đổi hạn, diễn biến lũ, xâm nhập mặn) ;Thay đổi môi trường (đường cá đi/sinh sản, sản lượng cá, phù sa, đa dạng sinh học). Những ảnh hưởng của chúng đến năng suất, sản lượng, môi trường đất, khu bảo tồn và đất ngập nước, đánh bắt thủy sản, sản xuất nông nghiệp, tưới tiêu, giao thông… Hội thảo đã sơ bộ xác định được các vấn đề quan tâm ở các địa phương cũng như thứ tự ưu tiên các vấn đề quan tâm của các ban ngành do tác động có thể của các bậc thang thủy điện dòng chính. Trong đó một số quan tâm đáng chú ý là sự mất đi các qui luật tự nhiên trong tương lai hay sự gia tăng biên độ các điều kiện cực đoan (hạn càng hạn hơn, lũ càng lớn hơn) và làm thay đổi môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất trên ĐBSCL. Theo đó, các giải pháp được quan tâm theo thứ tự là : (1) các giải pháp cấp đồng bằng; (2) giải pháp lưu vực; (3) giải pháp liên vùng; (4) qui mô tỉnh và nhỏ hơn. Đại biểu cũng nhấn mạnh các giải pháp hợp tác lưu vực và quốc tế. Hội thảo cũng thiết lập được mối liên kết, địa chỉ liên lạc giữa cơ quan chủ trì thực hiện, nhóm chuyên gia chính thực hiện và các đại biểu quan tâm ở các địa phương nhằm cung cấp và chia sẻ các thông tin kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện đề tài góp phần mang lại các hiệu quả thiết thực của dự án.
Ý kiến góp ý: