Hội thảo giữa kỳ cụm đề tài thuộc lĩnh vực phòng chống thiên tai
16/04/2023Chiều ngày 14/4/2023, tại Viện Địa chất đã diễn ra Hội thảo giữa kỳ Cụm đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Quốc gia thuộc lĩnh vực Phòng chống thiên tai. Hội thảo do Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có Đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Vụ Khoa học công nghệ và các ngành kinh tế kỹ thuật, Vụ Kế hoạch Tài chính. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Đại diện Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai.
Về phía đơn vị chủ trì có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và PGS.TS. Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Viện trưởng Viện Địa chất.
Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của gần 70 đại biểu đến từ các Hội chuyên ngành, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Mỏ Địa chất, Trường Đại học Thủy lợi, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Địa chất, Công ty Agrimedia và một số địa phương.
Báo cáo tổng quan về cụm Đề tài, TS. Trần Quốc Cường - Phó Viện trưởng Viện Địa chất cho biết cụm 07 đề tài KHCN độc lập cấp quốc gia thực hiện 2021-2024, thuộc lĩnh vực Phòng chống thiên tai Trượt lở đất, Lũ quét, Lũ bùn đá và giải pháp phòng tránh có 02 mục tiêu chính đó là (1) xây dựng được các phương pháp, quy trình đánh giá nguy cơ khả năng thiệt hại, rủi ro và cảnh báo thiên tai sạt lở đất và lũ quét, lũ bùn đá do Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện ở một số khu vực trọng điểm miền núi phía Bắc; (2) Nghiên cứu đề xuất, ứng dụng thí điểm các giải pháp công trình để giảm nhẹ tác hại, hạn chế và phòng chống sự phát sinh sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá; Xây dựng được quy trình và khung hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các tình huống xảy ra lũ lớn, xả lũ khẩn cấp và vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và các giải pháp giảm thiểu thiệt hại cho hạ du khi xảy ra lũ lớn, vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì thực hiện.
Các kết quả đã đạt được của cụm đề tài tính từ lúc triển khai thực hiện đến thời điểm hiện tại đó là Đã thu thập nhiều thông tin quan trọng từ công tác khảo sát, thực địa, bao gồm cả công tác khoan, phân tích mẫu, khảo sát bằng các máy móc thiết bị hiện đại; Phương pháp luận, cơ sở khoa học được hoàn thiện; Quy trình; phương pháp xử lý, phân tích; bản thiết kế sơ bộ đã được hoàn thành (còn tiếp tục hoàn thiện); Bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu Một số đề tài đã có công bố khoa học.
Đối với Đề tài Vu Gia - Thu Bồn đã thu thập nhiều thông tin quan trọng từ công tác khảo sát, thực địa, bao gồm khảo sát bằng các máy móc thiết bị hiện đại; Hoàn thiện phương pháp luận, cơ sở khoa học; Kết quả nghiên cứu trên mô hình toán (mô hình khí hậu), viễn thám, GIS; Đánh giá khả năng xảy ra lũ lớn và nguy cơ vỡ đập trên lưu vực; hỗ trợ đào tạo 02 NCS và đang hướng dẫn 01 thạc sĩ.
Tiếp theo báo cáo tổng quan, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả giữa kỳ của 07 Đề tài bao gồm nghiên cứu xác định phương pháp đánh giá định lượng, định tính rủi ro thiên tai do lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở đất cấp huyện, xã khu vực miền núi phía Bắc; Nghiên cứu sử dụng công nghệ địa không gian nhằm đánh giá nguy cơ, khả năng thiệt hại do trượt lở và lũ bùn đá khu vực miền núi phía Bắc; Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cấp thôn (bản) tích hợp tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét có sự tham gia của cộng đồng tại một số khu vực trọng điểm miền núi phía Bắc; Nghiên cứu cơ chế phát sinh, quy luật vận động và xác định các thông số lũ bùn đá phục vụ thiết kế công trình đập chắn bùn đá khu vực miền núi phía Bắc; Nghiên cứu đề xuất giải pháp thiết kế đập dâng miền núi kết hợp đa mục tiêu nhằm giảm thiểu ảnh hưởng lũ bùn đá; Nghiên cứu phương pháp nhận dạng nguy cơ trượt lở mái dốc và đề xuất các giải pháp thân thiện với môi trường, chi phí thấp, sử dụng các vật liệu và nhân công tại chỗ, phù hợp với khu vực dân cư tập trung thuộc các điểm di dân tái định cư thủy điện Sơn La (thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu); Nghiên cứu xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp với khả năng xảy ra lũ lớn và sự cố vỡ đập trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; Báo cáo tham luận của Đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Lào Cai về bài học kinh nghiệm về ứng phó với lũ quét, sạt lở đất của tỉnh Lào Cai.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu đã đánh giá cao các kết quả giữa kỳ của 07 đề tài và đưa ra nhiều ý kiến có giá trị giúp các chủ nhiệm Đề tài tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có định hướng tiếp theo trong quá trình triển khai thực hiện đề tài.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Đơn vị đồng chủ trì Hội thảo cho biết Hội thảo là cầu nối giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ với các địa phương phối hợp, hợp tác, chia sẻ các thông tin liên quan đến việc ứng phó với lũ quét, sạt đất và các giải pháp ứng phó.
07 báo cáo được các Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại Hội thảo cho thấy được bức tranh toàn diện, tổng thể về các sản phẩm của các đề tài sau khi kết thúc cụm đề tài, mức độ đạt được của các sản phẩm, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện đề tài.
GS.TS. Trần Đình Hòa cũng đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo. Các ý kiến góp ý đã gợi mở cho các chủ nhiệm đề tài nhiều vấn đề, phương pháp luận, liên quan đến kết quả nghiên cứu của đề tài và giúp cho Chủ nhiệm đề tài kịp thời điều chỉnh giúp cho các đề tài đạt chất lượng, có hàm lượng cao và có thể ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Sau buổi Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa đề nghị các chủ nhiệm Đề tài cần tiếp thu, lĩnh hội các ý kiến đóng góp tại Hội thảo; tăng cường tổ chức nhiều Hội thảo chuyên sâu mang tính chất học thuật; có những định hướng, kế hoạch tổ chức thực hiện mang tính chất hệ thống hơn trong việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu hướng tới xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chung, báo cáo chung; các đề tài trong cụm đề tài có văn bản kiến nghị chung gửi cơ quan Nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề tài để các kết quả nghiên cứu của cụm đề tài được ứng dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất để có biện pháp tháo gỡ đặc biệt yêu cầu đối với các sản phẩm nghiên cứu; cần đẩy nhanh tiến độ và có kế hoạch chủ động thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.
Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện gửi lời cảm ơn các nhà khoa học của Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các chủ nhiệm đề tài, đơn vị chủ trì thực hiện đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo. Đồng thời gửi lời cảm ơn đến các đại biểu đã tham dự và đưa ra nhiều ý kiến xác đáng giúp cho không chỉ riêng với 07 đề tài của Cụm đề tài tại Hội thảo mà còn giúp cho các Đề tài nói chung về quan điểm, cách tiếp cận.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Viện trưởng Viện Địa chất đã gửi lời cảm ơn các Cục, Vụ của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho 07 đề tài trong quá trình thực hiện. Đồng thời gửi lời cảm ơn và đánh giá cao sự phối hợp giữa các Đề tài trong Cụm đề tài, sự hợp tác chặt chẽ quả giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Địa chất và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Cụm đề tài.
PGS.TS. Trần Tuấn Anh mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, các đơn vị thụ hưởng các kết quả nghiên cứu để giúp cho các Đề tài thu được kết quả tốt hơn, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ý kiến góp ý: